10:50 26/07/2008

“Mục tiêu giải ngân FDI hoàn toàn có thể đạt được”

Anh Quân

"Với tốc độ hiện nay, mục tiêu giải ngân 10 tỷ USD đến cuối năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được"

Ông Thắng cho biết, cuối tháng này hoặc đầu tháng sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 3 đoàn công tác với Cục Đầu tư nước ngoài là nòng cốt sẽ đến làm việc với các tỉnh tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam để hỗ trợ các địa phương thúc đẩy công tác giải ngân.
Ông Thắng cho biết, cuối tháng này hoặc đầu tháng sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 3 đoàn công tác với Cục Đầu tư nước ngoài là nòng cốt sẽ đến làm việc với các tỉnh tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam để hỗ trợ các địa phương thúc đẩy công tác giải ngân.
Vượt dự đoán, thu hút đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm đã đạt con số 45,2 tỷ USD, vượt xa con số kỷ lục 21,3 tỷ USD đăng ký của cả năm 2007. Lượng vốn giải ngân trong 7 tháng cũng đạt 6 tỷ USD.

Trao đổi với VnEconomy, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng, ông cũng khẳng định công việc quan trọng trong thời gian còn lại của năm là tập trung giải ngân có hiệu quả nguồn vốn này.

Ông Thắng nói:

“Trong tình hình kinh tế vĩ mô đất nước có nhiều khó khăn. Chính phủ đang tập trung điều hành với nhiều giải pháp mạnh tay nhằm kìm chế lạm phát và giữ vững thành quả trong tăng trưởng kinh tế đã đạt được trong những năm trước. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng mạnh mẽ là một dấu hiệu tốt.

Hơn nữa, những con số thu hút đầu tư nước ngoài thời gian gần đây luôn chứng tỏ rằng các nhà đầu tư quốc tế đang rất tin tưởng vào triển vọng trong dài hạn của Việt Nam.

Trong một tháng qua, chúng ta đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 167 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 13,5 tỷ USD, nâng tổng số vốn đăng ký từ đầu năm đến nay đạt 44,4 tỷ USD.

Cùng với 188 lượt dự án tăng vốn trong 7 tháng qua, tương ứng với 788 triệu USD, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã lên đến 45,2 tỷ USD.

Trong số các dự án được chấp nhận đầu tư thời gian qua, có rất nhiều dự án nằm trong các lĩnh vực chúng ta đang rất cần đầu tư như các dự án công nghệ, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng…".

Nhưng lâu nay việc giải ngân nguồn vốn này vẫn còn hạn chế, thưa ông?

Giải ngân không theo kịp vốn thu hút là vấn đề từ lâu nay. Ngoài các nguyên nhân như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… vốn tồn tại từ lâu nay, với những dự án quy mô lớn đã được chấp nhận đầu tư vừa qua, thời gian triển khai đi vào hoạt động thường lâu hơn và thường khiến giải ngân kéo dài.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận vấn đề giải ngân gần đây đã có tiến triển khá tốt. Nếu như trong 6 tháng đầu năm, mỗi tháng chúng ta chỉ giải ngân trung bình khoảng 800 triệu USD và tính đến cuối tháng 6, con số giải ngân mới đạt 4,9 tỷ USD thì trong tháng này này, hơn 1 tỷ USD đã được giải ngân.

Chúng tôi cũng nhận thức rõ trọng tâm công việc trong năm nay là tập trung giải ngân vốn FDI. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có chỉ đạo và Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng với Cục đã tập chung thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân, kết hợp với các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư để khơi thông dòng chảy cho vốn FDI.

Mới qua 7 tháng nhưng chúng ta đã vượt kế hoạch đề ra là thu hút khoảng 30 tỷ USD vốn đăng ký. Còn mục tiêu giải ngân 10 tỷ USD vốn FDI thì sao?

Với tốc độ giải ngân này, mục tiêu giải ngân 10 tỷ USD đến cuối năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được.

Để đạt được mục tiêu này, trọng tâm công tác từ nay đến cuối năm của chúng tôi là tập trung giải quyết các ách tắc trong đầu tư để các dự án được triển khai đúng tiến độ và yêu cầu của chủ đầu tư để tiếp tục tạo thuận lợi cho dòng chảy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo kế hoạch, đến cuối tháng này hoặc đầu tháng sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 3 đoàn công tác với Cục Đầu tư nước ngoài là nòng cốt sẽ đến làm việc với các tỉnh tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam để hỗ trợ các địa phương thúc đẩy công tác giải ngân.

Vai trò của các địa phương là hết sức quan trọng trong vấn đề giải ngân vốn FDI vì bài toán về thủ tục, giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, hay nguồn nhân lực liên quan trực tiếp đến tốc độ giải ngân vốn FDI đều là vấn đề các địa phương am hiểu và có thể tác động để giải quyết tốt nhất.