17:36 05/09/2008

Xung quanh con số 50 tỷ USD vốn FDI

Hoài Ngân

Cần đánh giá thế nào cho đầy đủ về ý nghĩa của con số này trong hoàn cảnh hiện nay?

Bất động sản đang là lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Bất động sản đang là lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong một năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc thu hút 47 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký chỉ trong vòng tám tháng là một điểm sáng hiếm hoi nhưng vô cùng quan trọng.

Thậm chí, dự báo mới nhất của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia về việc vốn FDI đăng ký có thể đạt tới 50 tỷ USD trong năm nay dường như chỉ mang ý nghĩa làm đẹp hơn các con số, bởi nếu xét đến danh mục các dự án đang được đề xuất tại các địa phương thì kết quả cuối cùng hoàn toàn có thể vượt qua con số này.

Cần đánh giá thế nào cho đầy đủ về ý nghĩa của con số này trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà FDI vẫn được coi là một nguồn vốn vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như hoàn thành các mục tiêu vĩ mô? Bài viết xin góp thêm một góc nhìn trên phương diện thống kê kinh tế, với mong muốn giúp độc giả có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này.

Sự khác biệt

Nhiều năm qua, luôn có sự không đồng nhất về số liệu thống kê giữa các cơ quan trong và ngoài nước liên quan đến FDI. Sự khác biệt tồn tại trên hai phương diện: thứ nhất, trong nước hay nói đến lượng vốn đăng ký, trong khi nước ngoài chỉ quan tâm đến vốn thực hiện, vì đó là FDI thực tế.  

Thứ hai, ngay cả khi nói đến vốn thực hiện, cũng luôn có sự khác nhau, do phương pháp thống kê có sự khác nhau. Trong nước thường sử dụng số liệu báo cáo của các dự án và cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài các địa phương để tổng hợp, trong khi nước ngoài thường căn cứ vào lượng ngoại tệ được chuyển qua hệ thống ngân hàng (xem bảng dưới).

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện của Việt Nam, giai đoạn 2000-2006 (triệu USD)
Nguồn số liệu/năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006
Tổng cục Thống kê 2.414 2.450 2.591 2.650 2.852 3.309 3.956
UNCTAD 1.289 1.300 1.200 1.450 1.610 2.021 2.315
ADB 1.298 1.300 1.400 1.450 1.610 1.889 2.315
IMF 1.298 1.300 1.400 1.450 1.610 1.954  
World Bank 1.298 1.300 1.400 1.450 1.610 1.954  

Dễ thấy rằng, trong khi các tổ chức nước ngoài đưa ra các kết quả khá giống nhau, thì Tổng cục Thống kê lại đưa ra con số cao hơn nhiều, thậm chí có khi hơn 1,5 lần.

Sự khác biệt này lâu nay vẫn được thừa nhận một cách đương nhiên, tuy nhiên gần đây, một học giả nước ngoài đã dày công nghiên cứu và đưa ra những kết luận đáng chú ý. Ông là TS. Curt Nestor, hiện đang là một chuyên gia nghiên cứu và là giảng viên của Khoa Nhân học và Địa lý kinh tế của Trường Đại học Tổng hợp Goteborg (Thụy Điển).

Theo giải thích của Curt Nestor, các số liệu báo cáo về đầu tư nước ngoài của các tổ chức nước ngoài rất trùng khớp, nếu không muốn nói là thường giống hệt nhau, bởi vì các số liệu này được lấy từ cùng một nguồn. Về mặt lý thuyết, các tổ chức này định  nghĩa về FDI dựa trên khái niệm về cán cân thanh toán. Theo đó, dòng vốn FDI là nguồn tài chính do nhà đầu tư cấp trực tiếp cho công ty con và bao gồm ba thành phần chính là: vốn cổ phần, khoản tái đầu tư và các khoản vay từ công ty mẹ.

Trong khi đó, các nguồn tài chính khác như vốn góp và các khoản tái đầu tư của một công ty trong nước trong trường hợp dự án đó là liên doanh, hoặc các khoản vay thương mại từ các ngân hàng trong và ngoài nước không được coi là FDI.

Còn ở trong nước, Tổng cục Thống kê đưa ra các số liệu FDI dựa trên cách tính bao gồm tất cả các nguồn vốn của một dự án đầu tư nước ngoài, nghĩa là bao gồm cả vốn cổ phần, các khoản tái đầu tư bao gồm phần góp vốn của đối tác trong nước trong công ty liên doanh và tất cả các khoản vay, kể cả từ công ty mẹ và các khoản vay thương mại từ ngân hàng trong và ngoài nước.

“Số liệu của Tổng cục Thống kê về vốn đầu tư nước ngoài thực hiện lũy kế trong giai đoạn 2000-2007 là khoảng 22,2 tỷ USD, trong khi số liệu mà UNCTAD công bố năm 2007 là 11,2 tỷ USD. Như vậy, ở đây có sự chênh lệch tới 9 tỷ USD - có thể con số này bao hàm cả phần góp vốn của các công ty trong nước và các khoản vay thương mại”, Curt Nestor phân tích.

Theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu hội nhập của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các tổ chức quốc tế tính toán rằng trong năm 2007, vốn FDI thực tế vào Việt Nam là 2,8 tỷ USD. Trong khi đó, công bố chính thức của Tổng cục Thống kê là 6,4 tỷ USD. Con số này còn được “cải chính” một lần thành 6,7 tỷ USD sau đó, với lý do con số 6,4 tỷ USD chưa cập nhật hết tình hình ở các địa phương.

Cần một sự đồng nhất

Có lẽ đã đến lúc cần có một sự đồng nhất về số liệu thống kê về đầu tư nước ngoài, vì con số này vô cùng quan trọng khi được sử dụng để đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam, từ cả trong và ngoài nước.

“Các số liệu thống kê về FDI dựa trên các số liệu về cán cân thanh toán được phát triển thành một chỉ số định lượng tiêu chuẩn để xác định giá trị sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư nước ngoài và xác định mức độ toàn cầu hoá của các hoạt động kinh tế. Trên thực tế, đầu tư nước ngoài thể hiện sự luân chuyển xuyên biên giới của các loại tài sản, bao gồm vốn, sự chuyển giao công nghệ, các kỹ năng tổ chức và quản lý. Như vậy, có nên coi trọng các con số không đo đếm chính xác được các tác động của đầu tư nước ngoài, vì nó không bao hàm các giá trị phi tài chính của các hoạt động này, trong khi các hoạt động phi tài chính là rất quan trọng”, TS. Curt phân tích.

Các nhà đầu tư nước ngoài, khi đưa ra các quyết định đầu tư, họ cần có các số liệu chính xác về nền kinh tế Việt Nam. Lẽ ra, con số của Tổng cục Thống kê sẽ phải là con số chính xác nhất, cập nhật nhất và đầy đủ nhất để tham khảo. Nhưng bởi vì có sự khác biệt như vậy, họ buộc phải sử dụng những số liệu của các tổ chức quốc tế, cho dù có thể cũ hơn.

Và nên chăng, cách thức đơn giản nhất để có dược sự đồng nhất là Tổng cục Thống kê áp dụng cách tính toán như nước ngoài? Bởi, có nhất thiết phải tiếp tục duy trì một phương pháp tính toán khó thể hiện được bản chất kinh tế đích thực để làm cơ sở tham khảo?

Tất nhiên, vấn đề ở đây là nếu tính toán theo phương pháp quốc tế, tỷ lệ giữa vốn thực hiện và vốn đăng ký, vốn dĩ đã quá chênh lệch trong hai năm qua và cả trong năm nay, sẽ thêm phần chênh lệch. Thay đổi cách tính toán để đưa ra một kết quả thực chất hơn, nhưng không "đẹp" bằng, là một thử thách không nhỏ cho những người làm thống kê, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Tỷ lệ vốn thực hiện được coi là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ thu hút thành công nguồn vốn FDI. Trong khi, vốn đăng ký chỉ phản ánh giá trị đầu tư ước tính của dự án, và như vậy thì sẽ rất khó khăn nếu dùng nó để đánh giá hiệu quả thực tế của hoạt động đầu tư nước ngoài.

Điển hình nhất là trong các dự án vào lĩnh vực bất động sản. Gần đây, có hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản với nguồn vốn đăng ký đầu tư hàng tỷ USD. Những ai hiểu về bất động sản thì đều thấy rằng các nhà đầu tư không bao giờ bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy. Thay vào đó, họ có thể đầu tư một phần dự án, sau đó bán và dùng nguồn vốn này đầu tư các phần tiếp theo theo hình thức “cuốn chiếu”. Sau nhiều năm, tổng đầu tư có thể đạt đến con số nhiều tỷ USD, nhưng dòng vốn vào thực tế lại không lớn đến như vậy.

Giờ đây, bên cạnh sự hào hứng với con số FDI đăng ký có thể đạt 50 tỷ USD hoặc hơn trong năm nay, các cơ quan chức năng hiện cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc làm thế nào để giải ngân hết nguồn vốn này, cũng như nguồn vốn đăng ký vẫn còn ứ đọng từ nhiều năm trước.