Vì sao Trung Quốc nhằm vào đậu tương để trả đũa Mỹ?
Đánh vào đậu tương là một trong những con bài lớn nhất của Trung Quốc trong mâu thuẫn thương mại đang leo thang với Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ đối mặt với sức ép lớn từ nông dân Mỹ đòi ông phải "xuống nước" với Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đáp trả hàng rào thuế quan của Washington đối với hàng Trung Quốc bằng cách áp thuế 25% lên đậu tương Mỹ.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đánh vào đậu tương là một trong những con bài lớn nhất của Trung Quốc trong mâu thuẫn thương mại đang leo thang với Mỹ. Nông sản này là mặt hàng nổi bật trong danh sách 106 mặt hàng Mỹ mà Bắc Kinh ngày 4/4 tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 25%.
Khi đậu tương "hứng đòn"
Nếu được thực thi, thuế đậu tương sẽ có tác động mạnh đến Washington và nông dân Mỹ, bởi đây là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc, với kim ngạch đạt 14 tỷ USD mỗi năm. Thêm vào đó, từ trước khi bị Trung Quốc nhằm vào, thì các nông trại sản xuất đậu tương ở Mỹ đã có tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ.
Ông Allan von Mehren, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc thuộc Danske Bank Markets, nhận định rằng ông Trump sẽ cảm nhận sức ép tại Mỹ khi mà ngành nông nghiệp và công nghiệp hàng không Mỹ kêu gọi ông hãy mềm mỏng hơn với Trung Quốc. Bên cạnh các mặt hàng nông sản, máy bay cũng là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Mỹ mà Bắc Kinh nhằm vào.
"Hai bên đều đang mạnh tay để thể hiện sức mạnh của mình", ông von Mehren nhận xét.
Ông Paul Burke, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Hội đồng Xuất khẩu đậu tương Mỹ, nói rằng không phải là một điều ngạc nhiên lớn khi Trung Quốc đưa đậu tương Mỹ vào danh sách áp thuế quan. Từ tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã cảnh báo rằng đậu tương Mỹ có thể sẽ là đối tượng "hứng đòn" trong một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước, ông Burke nhấn mạnh.
Hội đồng Xuất khẩu đậu tương Mỹ dự báo nếu xung đột tiếp tục leo thang và Bắc Kinh nâng thuế lên 30% đối với đậu tương Mỹ, thì xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc có thể giảm tới 70%.
Dù kế hoạch xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc đến thời điểm hiện tại hầu như chưa chịu tác động của mức thuế mà Bắc Kinh đưa ra, giá đậu tương giao sau trên sàn Chicago Board of Trade đã giảm tới 5,3% trong phiên giao dịch ngày thứ tư, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016.
Ông Burke cũng nói nếu kế hoạch thuế quan của Trung Quốc được thực thi, nông dân Mỹ có thể tăng xuất khẩu đậu tương sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan để bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc.
Bắc Kinh áp thuế lên danh sách hàng Mỹ có kim ngạch nhập khẩu 50 tỷ USD mỗi năm vào Trung Quốc nhằm đáp trả việc Washington áp thuế lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc trước đó. Về phần mình, Mỹ nói việc đánh thuế hàng Trung Quốc là nhằm trả đũa việc Trung Quốc xâm phạm tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Những động thái "ăn miếng trả miếng" này đánh dấu cuộc đối đầu lớn nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách áp thuế chủ yếu là hàng công nghệ cao, thiết bị y khoa, hóa chất… Trong khi đó, hàng Mỹ bị Trung Quốc áp thuế, ngoài máy bay và máy móc, có nhiều loại nông sản như đậu tương, thịt lợn…
"Chịu trận trong ngắn hạn để thắng trong dài hạn"
Ông Erland Ek, Giám đốc phụ tách nghiên cứu nông nghiệp và thương mại thuộc China Policy, một công ty tư vấn có trụ sở ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc sẵn sàng hứng chịu ảnh hưởng từ hàng rào thuế quan của Mỹ, miễn sao thuế đậu tương buộc ông Trump phải ngồi vào bàn đàm phán. Dù chơi một quân bài lớn như đậu tương, "Trung Quốc biết rằng cộng đồng nông dân sản xuất đậu tương của Mỹ sẽ rất sợ hãi và sẽ gây áp lực lớn lên ông Trump", ông Ek nhận định.
"Bằng cách nhằm vào đậu tương, Trung Quốc có vẻ như đang phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng chịu trận trong ngắn hạn để thắng trong dài hạn", vị chuyên gia đánh giá.
Ông Ek cũng cho hay hiện nay, Trung Quốc đã dịch chuyển chính sách trợ cấp theo hướng có lợi cho sản xuất đậu tương trong nước, thúc đẩy chiến lược dài hạn về giảm sự phụ thuộc vào đậu tương Mỹ. Tuy nhiên, đậu tương do Trung Quốc sản xuất không phải là loại biến đổi gen như đậu Mỹ, nên đắt đỏ hơn đối với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của Tommy Wu thuộc Oxford Economics nhận định rằng nếu việc đánh thuế đậu tương Mỹ được triển khai, Trung Quốc sẽ phải rút đậu tương từ dự trữ quốc gia ra để dùng, hoặc tăng nhập khẩu từ các nước khác như Brazil và Argentina. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các quốc gia này có đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc hay không. Mặt khác, giá đậu tương tăng có thể kéo lạm phát thực phẩm ở Trung Quốc tăng theo.
Trung Quốc là thị trường chiếm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu đậu tương hàng năm của Mỹ. Theo ước tính của Hiệp hội Đậu tương Mỹ, cứ ba luống đậu tương ở nước này thì có khoảng 1 luống được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tổng cộng, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mang về cho nông dân Mỹ khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.
Kế hoạch đánh thuế nông sản Mỹ được Trung Quốc đưa ra đúng lúc ngành nông nghiệp Mỹ đang chật vật sau nhiều năm giá nông sản thấp khiến không ít nông dân tính bỏ nghề. Hồi tháng 2 năm nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo lợi nhuận ròng của các nông trại ở nước này trong năm 2018 sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006.
Khu vực trồng đậu tương lớn nhất của Mỹ nằm ở vùng Midwest, nơi ông Trump đã nhận được sự ủng hộ mạnh của cử tri là nông dân trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.