07:44 04/10/2021

Vì sao vẫn chưa hết than phiền về các gói giải cứu?

Ánh Tuyết

Tác động của các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua Covid - 19 đến đâu đang là dấu hỏi giữa nhiều than phiền chậm trễ và đối tượng thụ hưởng...

Các gói an sinh được kỳ vọng giải ngân nhanh đến đối tượng thụ hưởng
Các gói an sinh được kỳ vọng giải ngân nhanh đến đối tượng thụ hưởng

Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 dài nhất cùng với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng tại các khu kinh tế trọng điểm. Có những khu vực phong tỏa hai, ba tháng kéo dài như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… với các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, khiến tất cả các hoạt động của nền kinh tế bị gián đoạn. Thực tế này đã đẩy khả năng chống chọi của doanh nghiệp và người dân đến giới hạn cuối cùng.

"KHỐN ĐỐN" TRONG ĐẠI DỊCH

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch, từ đầu mùa dịch đến nay, Chính phủ, bộ ngành và địa phương đã ban hành hàng loạt gói, chính sách khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho vay trả lương, các gói miễn giảm thuế phí, gói 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ dịch vụ nhà mạng, giảm tiền điện, nước. Mới đây nhất, gói hỗ trợ an sinh 38.000 tỷ đồng hướng tới người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn Quận 3, TP. Hồ Chí Minh được giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Công ty TNHH thiết kế thời trang Đỗ Long được vay số tiền 384,54 triệu đồng đồng với lãi suất 0%, thời gian vay 11 tháng để trả lương ngừng việc cho 29 lao động mà không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.

Giám đốc Công ty Đỗ Long cho biết, công ty sẽ chuyển ngay cho người lao động đang bị nợ lương từ 3 tháng nay, khoản tiền đó sẽ giải quyết được cơ bản nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” cho đối tượng thụ hưởng.

 

Đáng quan ngại, hạn mức giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân của chương trình này là 7.456 tỷ nhưng tính đến 17/9/2021, mới thực hiện giải ngân 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố. Giải ngân "nhỏ giọt", tỷ lệ đạt khoảng 5%.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, số doanh nghiệp “đuối sức” phải tạm dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19 có thể tiếp cận “phao cứu trợ” này, thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay trên địa bàn mỗi tỉnh.

Ví dụ, tính đến hết tháng 9/2021, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng giải ngân trên 616 triệu đồng cho 6 doanh nghiệp vay vốn. Tại Thừa Thiên - Huế cũng chỉ có 3 doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất 0%...

Theo báo cáo mới nhất về kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp & người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh: “không thể tiếp cận được gói hỗ trợ của nhà nước”, “không thể vay”, “lên tivi vi mà vay”, “xin vay từ năm ngoái đến năm nay không được”.

Có tới 64% đều tự lực cánh sinh bằng cách giảm chi phí hoạt động thông qua cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất để giải quyết khó khăn về dòng tiền bị thiếu hụt.

Đối với người lao động, bức tranh đời sống, thu nhập bị tổn thương trầm trọng. Trong tổng số gần 70.000 người lao động trả lời tại khảo sát trực tuyến của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, tỷ lệ số người trả lời hiện đang mất việc chiếm 62%.

Nguồn: Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân.
Nguồn: Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân.

Trong đó, đến 50% số lượng người lao động đã mất việc chỉ có nguồn tiền tích lũy để đảm bảo cuộc sống dưới 1 tháng, hơn 37% chỉ cầm cự dưới 3 tháng.  Tỷ lệ số lao động mất việc nhận được sự trợ giúp tài chính của công ty đạt tỷ lệ thấp chỉ hơn 5%, của nhà nước là 3,5%.

Trên các diễn đàn khá nhiều chia sẻ về sự trầy trật mới nhận được tiền trợ cấp, cứu trợ từ các gói an sinh của Chính phủ. Mặc dù phường, tổ trưởng dân phố lấy tên danh sách hỗ trợ tiền cách đây nhiều tháng, các địa phương xác định đối tượng từ lâu nhưng rất lâu sau mới được nhận.

Không chịu đựng nổi sau nhiều tháng phong toả, rạng sáng ngày 1/10, người dân nghèo đổ về cửa ngõ để tìm đường về quê ngay khi có thông tin TP. Hồ Chí Minh gỡ bỏ chốt chặn và rào chắn.

Trước đây, gói 62.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ bị phê bình vì có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm, không kịp thời và chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Năm nay, gói 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68 và các gói hỗ trợ về sau cũng dấy lên nhiều lo ngại “muối bỏ bể” và giải ngân chậm trễ.

XEM XÉT TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Theo nhiều chuyên gia, Nghị quyết 68 chủ yếu hướng đến những người lao động, những người sử dụng lao động trực tiếp bị tác động bởi đại dịch do phong toả hay có người lao động bị nhiễm Covid, phải ngừng sản xuất. Còn lại, số doanh nghiệp doanh thu bị sụt giảm, khó khăn trong các khâu lưu thông, nhập khẩu nguyên vật liệu… mới chiếm phần đông. Gói 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68 cũng không bao phủ đối tượng dễ tổn thương là lực lượng lao động tự do, nên giao cho địa phương căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên VnEconomy, ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế chỉ rõ việc triển khai hỗ trợ tại một số địa phương còn mang nặng tính hình thức, quan liêu hành chính. “Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng giao cho chính quyền địa phương. Chỉ với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, giảm 60% quy trình so với trước đây, chỉ cần đảm bảo của người thụ hưởng là hiện nay đang sống trên địa bàn, khu vực, xã phường cụ thể, có giấy cam đoan là chưa nhận trợ cấp ở đâu, là nhận được hỗ trợ”, ông Thịnh nói.

Vì vậy theo ông, nếu xã phường không làm tốt, phải xem lại trách nhiệm người đứng đầu khi để cho người dân trong lúc khó khăn không nhận được hỗ trợ của Chính phủ. Đây là điều đáng trách, cần có sự chấn chỉnh. Các quận, huyện, tỉnh, thành phố cần thường xuyên đi sâu, đi sát, kiểm tra tình hình, xem xét tình trạng hỗ trợ cho người dân trong thời điểm nguy cấp, khi thời gian giãn cách kéo dài tại các địa phương.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng nhấn mạnh thêm, với doanh nghiệp, tại nhiều địa phương giãn cách ngặt nghèo, nghiêm khắc như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, Bình Dương, Đồng Nai, hoạt động lưu thông ngưng trệ.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

“Thời gian kéo dài đã bào mòn năng lực tài chính của doanh nghiệp", ông Thịnh khẳng định. Trải qua ba đợt bùng phát của đại dịch Covid. Sức khỏe của các doanh nghiệp đã yếu rồi, đến đợt bùng phát lần thứ 4, thực hiện giãn cách quá dài, lần đầu tiên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường 9 tháng năm 2021 lên đến 90,3 nghìn, tăng 15,3% so với cùng kỳ, cao hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới.

Cụ thể, 45.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, bình quân 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong mỗi tháng.

"ĐÓI CHO ĂN, KHÁT CHO UỐNG"

Theo Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Nhà nước có truyền thông về các gói hỗ trợ trên phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, số tiền thực sự đến được tay người lao động tự do mất việc, người nghèo quá ít so với số tiền đăng trên thông tin đại chúng.

Vì vậy, Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho rằng các cấp chính quyền nên có hình thức trợ cấp phù hợp, đúng đối tượng. Hiện có rất nhiều lao động tự do, kinh doanh, bán hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Đối với các gói hỗ trợ cho công nhân mất việc, nên thông qua các công ty để lên danh sách người được thụ hưởng. Nhiều công nhân ở trọ không có địa chỉ tạm trú rõ ràng nhưng mất việc và không rành về thủ tục nên không phải và/hoặc chưa trở thành đối tượng thụ hưởng. Theo đó, muốn được hưởng hỗ trợ, họ phải chứng minh bằng các giấy tờ, với các yêu cầu xác nhận trong bối cảnh nhiều nơi giãn cách, người lao động không đi lại được nên đã bị đẩy ra bên lề các chính sách an sinh của Chính phủ.

Do không còn tiền và tâm lý không có thu nhập trong thời gian dài sắp tới nên mọi người không chịu ở yên tại chỗ. Vì vậy, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải sớm cùng nhau có kế hoạch hỗ trợ tức thời cho công nhân và người lao động đang bị tạm ngưng hoặc mất việc, để họ yên tâm thực hiện giãn cách.

Trước tình trạng hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp và người lao động chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ, do một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội. Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang đề xuất Chính phủ sửa đổi 4 điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và 4 nội dung hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Các vướng mắc, khó khăn chủ yếu tập trung vào điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, việc xác định người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động, chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với các trường hợp F0, F1… Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng khẳng định, sẽ bãi bỏ điều kiện người sử dụng lao động không có nợ xấu năm 2020, để được vay tiền trả lương cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất.

 
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

“Nếu chúng ta chậm khởi động, mở cửa trở lại, doanh nghiệp chồng chất khó khăn do không thực hiện được hợp đồng, dẫn đến bị phạt vi phạm hợp đồng, phải bồi thường thiệt hại. Nguy hiểm hơn, doanh nghiệp đối tác không nhận đơn hàng nữa, tìm nguồn hàng khác, các doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên vật liệu, sản xuất ra nhưng không bán được. Khách hàng cũng đi tìm mối làm ăn khác, nguy cơ mất bạn hàng, nghĩa là mất thị trường, mất thị phần đang hiện rõ.

Điều này không chỉ ảnh hưởng trong năm 2021, mà sẽ ảnh hưởng lâu dài những năm sau. Đã đến lúc cần quyết liệt, khẩn trương mở cửa lại nền kinh tế, để doanh nghiệp tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện hợp đồng với khách hàng. Nhưng cần thận trọng để dịch không bùng phát trở lại, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch”.