Việt Nam chuyển nhượng hơn 5 triệu tấn CO2 để nhận về gần 52 triệu USD cho bảo vệ rừng
Việt Nam chuyển nhượng cho Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, để nhận về gần 52 triệu USD…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mới đây, Bộ này đã ký kết Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính Lâm nghiệp (Emergent) – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) về việc chuyển nhượng giảm phát thải khí nhà kính.
LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4,26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha.
Theo ký kết, Việt Nam sẽ chuyển nhượng phần hấp thu khí nhà kính (Co2) từ 4,26 triệu ha rừng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cho LEAF để đổi lấy khoản tài chính để đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng. Việt Nam được sử dụng tối đa 100% tổng lượng chuyển quyền giảm phát thải để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện thỏa thuận Paris và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, xây dựng nội dung với mục tiêu trong vòng 12 tháng sau khi ký kết, Việt Nam sẽ chuẩn bị để ký Thỏa thuận Mua bán Giảm phát thải (ERPA) với LEAF/Emergent.
ERPA là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý rừng bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài chính khác về khí hậu. Đây cũng là nỗ lực của Việt Nam góp chung cùng sáng kiến tại COP26, nhằm thực hiện các cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên toàn cầu ký Ý định thư với LEAF/Emergent. Ngoài Việt Nam, 3 quốc gia còn lại đã ký kết Ý định thư với LEAF/Emergent là Costa Rica, Ecuador và Ghana. Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho LEAF để thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng lên tới 1 tỷ USD.
Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) là một liên minh công - tư tìm cách chấm dứt nạn phá rừng nhiệt đới và giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu bằng cách cung cấp tài chính cho rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới giúp giảm thiểu mất rừng và suy thoái rừng thành công.
Emegent là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, đóng vai trò là điều phối viên của Liên minh LEAF và làm việc với các bên tham gia Liên minh LEAF và các quốc gia có rừng nhiệt đới nhằm tạo ra một thị trường mới với các giao dịch quy mô lớn về tín chỉ các bon ở cấp tỉnh, vùng, quốc gia.
Góp phần tăng cao thu nhập cho người trồng rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giám phát thải, nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết một trong những sự kiện nổi bật ở tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), là Thủ tướng Chính phủ có cam kết mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050. Để phục vụ cho thực hiện mục tiêu này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.
“Việt Nam là quốc gia đi đầu trong giảm phát thải từ rừng trên quy mô lớn. Ý định thư vừa ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với LEAF/Emergent là sự kiện tiếp tục đánh dấu sự tiến triển của Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ biến đổi khí hậu”, ông Tuấn nhận định.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho hay Thương mại giảm phát thải từ rừng không chỉ là mục tiêu chiến lược, mà đã là kế hoạch hành động cụ thể của Việt Nam, là thành quả của sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam với LEAF và Emergent với sự hỗ trợ quý báu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.
Khoản tài chính từ thương vụ chuyển nhượng giảm phát thải các bon từ rừng này sẽ được sử dụng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng; thu hút lao động nông thôn, tạo việc làm gắn với ổn định sản xuất và đời sống, ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng.
Đồng thời, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cải thiện chất lượng rừng thông qua việc trồng mới, phục hồi rừng, tăng cường chức năng phòng hộ và giá trị sinh thái của rừng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu.
“Ý định thư sẽ góp phần tích hợp giá trị của rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cộng đồng địa phương và đảm bảo an toàn sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.