Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư vào những lĩnh vực định hướng ưu tiên
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng, trong tương lai, Việt Nam và Nhật Bản sẽ có những hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nhất là hợp tác kinh tế, đầu tư của các doanh nghiệp. Định hướng sắp tới của Việt Nam là ưu tiên phát triển xanh, hài hoà với thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số…
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, trưa 24/11 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi đối thoại với các nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản.
Phát biểu với các nhà đầu tư, Thủ tướng bày tỏ, sau chuyến thăm cấp cao lần này, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ lên tầm cao mới. Theo Thủ tướng, mối quan hệ Việt-Nhật “là lương duyên” khi trước đây, người Nhật đã để lại cho Việt Nam di sản thế giới Hội An (tỉnh Quảng Nam), và có thể coi đó là biểu tượng trong quan hệ bang giao hai nước.
“Gần 50 năm thiết lập quan hệ, có thể khẳng định quan hệ Việt Nam-Nhật Bản chưa bao giờ tốt như bây giờ và có thể tin tưởng trong tương lai còn tốt hơn”, Thủ tướng nói.
Nhật Bản đang là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với số tiền lên tới gần 27 tỷ USD, chiếm tới xấp xỉ 30% số vốn ODA mà Chính phủ Nhật Bản dành cho các nước trên thế giới. “Chúng tôi cũng đang bàn và tin rằng sẽ sớm có một thế hệ ODA mới, với nội hàm mới, cách làm mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của đồng vốn ODA”, Thủ tướng thông tin.
Hiện Nhật nằm trong top đầu các nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với khoảng 4.800 dự án, tổng số tiền hơn 65 tỷ USD. Nhật Bản cũng là nước có số khách du lịch đến Việt Nam đứng thứ 3, với khoảng 1 triệu người. Trong khi đó, thương mại 2 chiều đạt khoảng 40 tỷ USD. Thủ tướng kỳ vọng “Tới đây sẽ còn được thúc đẩy hơn, có thể tăng đột biến”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết định hướng sắp tới của Việt Nam là ưu tiên phát triển xanh, hài hoà với thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số.
“Chúng tôi xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược: Đột phá thể chế gắn với cải cách hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đột phá chiến lược thứ hai là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Và thứ ba là đột phá về xây dựng hạ tầng, cả hạ tầng cứng lẫn mềm, như giao thông, hạ tầng số, thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thủ tướng cho biết, đồng thời nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải hài hoà với giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển cân đối giữa các ngành, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để chạy theo phát triển kinh tế đơn thuần. Coi con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển.
“Để làm được như vậy, chúng tôi xác định nội lực (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là yếu tố quyết định, cơ bản, lâu dài, chiến lược, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Đó là cần đột phá ở vốn, công nghệ, cách quản lý”, Thủ tướng chia sẻ và tin tưởng rằng, đó là những thế mạnh mà Việt Nam có thể trông đợi, tin tưởng từ các nhà đầu tư Nhật Bản, vốn rất hiểu và có nhiều thành công ở thị trường Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên của Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên, cả nhà đầu tư và các đối tác, người dân Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định “Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản triển khai việc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã trả lời các câu hỏi cụ thể về những nội dung mà nhà đầu tư Nhật quan tâm như: chính sách đất đai cho hạ tầng, giao thông đường sắt, định hướng phát triển các ngành năng lượng, đô thị thông minh…
Thủ tướng cho rằng, phát triển đô thị là động lực thúc đẩy cho tăng trưởng. Về nguồn lực đất đai, Chính phủ Việt Nam không phân biệt mà đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư, miễn là tuân thủ pháp luật, để nguồn lực phát huy hiệu quả.
Liên quan đến dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch Điện 8), Thủ tướng cho biết Chính phủ đang lấy ý kiến các nhà khoa học, doanh nghiệp để hoàn thiện, tính toán kỹ về cơ cấu nguồn, truyền tải, phân phối và sử dụng hiệu quả nhưng mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo là rất rõ bởi đây là xu thế của thế giới đồng thời là nguồn lực mà Việt Nam rất có lợi thế.