Vỡ quy hoạch phát triển cây sầu riêng do nông dân ồ ạt mở rộng diện tích
Đã có thêm 47 vùng trồng sầu riêng và 18 cơ sở đóng gói tại Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, đây là tin vui lớn, tiếp thêm niềm tin xuất khẩu sầu riêng sẽ đem về 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, với việc nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, đang dấy lên lo ngại về những rủi ro trong tương lai…
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Cục đã nhận được văn bản thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt trong lần kiểm tra trực tuyến tháng 1/2023.
THÊM 47 MÃ SỐ VÙNG TRỒNG ĐƯỢC TRUNG QUỐC CẤP PHÉP
Theo đó, Việt Nam có thêm 47/51 vùng trồng sầu riêng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cho phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn lại 4 hồ sơ vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do chưa đầy đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc không đánh giá được sự cải thiện, cải tiến.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đang làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được gửi sang Trung Quốc. Sau khi thống nhất được lịch trình và nội dung kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo cho các địa phương để chủ động chuẩn bị, phối hợp với Cục và Tổng cục Hải quan Trung Quốc triển khai theo kế hoạch của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhận định việc Hải quan Trung Quốc cấp thêm nhiều mã số vùng trồng sầu riêng cho các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam là tín hiệu rất tốt đối với xuất khẩu sầu riêng. Hy vọng trong thời gian tới số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như chất lượng của các mã số này sẽ được nhân lên, tránh chuyện vi phạm yêu cầu của các nước, đáp ứng số lượng lớn hơn cho các thị trường có yêu cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc trong khi chúng ta đang tiếp tục đàm phán mở thêm nhiều loại trái cây khác.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng việc có thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là tin vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới. Trong giai đoạn 2015-2021, khối lượng xuất khẩu trái sầu riêng hàng năm vào khoảng 10.000 - 15.000 tấn.
Nghị định thư về thương mại sầu riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết từ tháng 7/2022 đã mở đường cho loại quả có giá trị tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022 là năm đầu tiên mở cửa xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu sang thị trường đạt trên 46.000 tấn, chiếm 78% tổng lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2022 đạt 420 triệu USD.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong quý 1/2023 đạt 153 triệu USD, tăng 8,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc chiếm 83%.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính trong 5 tháng đầu năm 2023, khối lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cả năm 2022. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 97% trong tổng khối lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Với kết quả này, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt 1 tỷ USD trong năm 2023.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2022, Trung Quốc chi 4 tỷ USD để nhập khẩu trái sầu riêng. Trong đó, Thái Lan đang là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc với 3,85 tỷ USD, chiếm khoảng 96% kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong năm 2022.
DIỆN TÍCH TRỒNG ĐÃ VƯỢT XA QUY HOẠCH
Trong chuyến công tác đến Tây Nguyên mới đây, chúng tôi được chứng kiến nông dân trồng mới, mở rộng diện tích sầu riêng rất sôi động. Tìm hiểu được biết, từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam, thì giá thu mua loại trái cây này đã tăng rất cao. Điều này khiến nhiều nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng truyền thống như: Hồ tiêu, cà phê, điều để chuyển sang trồng sầu riêng.
Ông Bùi Văn Hải ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk vừa phá bỏ hơn 7 sào cà phê của gia đình để trồng sầu riêng. Ông Hải cho biết hiện trái sầu riêng đang được thương lái thu mua với giá cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái, loại trái thuộc giống Ri6 được mua xô với giá 65-70 nghìn đồng/kg, nếu thương lái chọn lựa quả đẹp thì trả giá tới 80-85 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, những vườn trồng giống sầu riêng Thái được thương lái mua xô với giá lên tới 90-100 nghìn đồng/kg.
"Cây sầu riêng đang phát triển rất "nóng" tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, kể cả trên vùng đất không phù hợp. Thậm chí sầu riêng còn được trồng trên vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới".
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vì sầu riêng đang cho lợi nhuận cao gấp 4 lần so với cây cà phê, nên ông Hải cũng như rất nhiều nông dân ở thị trấn Phước An đã và đang chặt bỏ cây cà phê để trồng cây sầu riêng. Tại huyện Krông Pắk - địa phương trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, diện tích trồng cây siêng riêng đến thời điểm này đã lên tới 5.000 ha, tăng hơn 2.000 ha so với cách đây một năm.
Theo Cục Trồng trọt, trong Quy hoạch Trồng trọt đề ra định hướng đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Thế nhưng, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng cả nước vào khoảng 110.000ha, tăng khoảng 25.000ha so với năm 2021. Với thực trạng này, diện tích sầu riêng đã vượt khoảng 35.000ha so với quy hoạch. Trong đó, diện tích sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên tăng khá nhanh, đã lên đến hơn 40.000 ha. Trong 5 tháng đầu năm nay, diện tích trồng mới cây sầu riêng tiếp tục tăng mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã cho sầu riêng Philippines xuất sang nước này. Điều này đang khiến nông dân Đông Nam Á bước vào cuộc chạy đua trồng sầu riêng để tranh giành một thị trường xuất khẩu gần như là duy nhất: Trung Quốc.
Nhận thấy sẽ phải cạnh tranh với 2 “đối thủ” là Việt Nam và Philippines, lấy mất đi vị thế “độc tôn” của Thái Lan, hiện Thái Lan đã đề ra giải pháp ứng phó để giữ thị trường, với việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu (chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái). Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào để rút ngắn thời gian, gia tăng chất lượng nhằm cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam và các nước khác.
TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), lo ngại việc diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nông dân. Hàng chục ngàn ha sầu riêng đang được trồng vội vã hôm nay sẽ cho thu hoạch ổn định vào 5 - 6 năm tới, khi đó không biết thị trường và giá sầu riêng sẽ ra sao? Nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng cung vượt cầu như đã từng xảy ra đối với nhiều loại cây trồng khác, khi đó nông dân sẽ lại phải gánh nhận hậu quả vì chạy theo biến động thị trường.