13:40 12/12/2013

Vụ thanh trừng ở Triều Tiên chưa có hồi kết

Nhật Minh

Theo truyền thông Hàn Quốc, có thể có tới trên 10.000 người liên quan tới ông Jang Song Thaek sẽ bị liên lụy

Truyền thông Hàn Quốc theo dõi sát sao vụ thanh trừng nội bộ ở Triều Tiên - Ảnh: Yonhap.<br>
Truyền thông Hàn Quốc theo dõi sát sao vụ thanh trừng nội bộ ở Triều Tiên - Ảnh: Yonhap.<br>
Trong động thái mới nhất liên quan tới vụ thanh trừng nội bộ ở Triều Tiên, tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản cho biết, ông Ri Su Yong, người được cho là thân tín của ông Jang Song Thaek, đã bị xử tử.

Hơn 10.000 người bị liên lụy?

Theo báo trên số ra ngày 11/12 dẫn một nguồn tin cho biết, ông Ri Su Yong từng là Đại sứ Triều Tiên tại Thụy Sỹ và chịu trách nhiệm về việc chi tiêu của Kim Jong Un khi nhà lãnh đạo trẻ tuổi còn học ở Thụy Sỹ. Ông này còn được cho là quản lý các quỹ bí mật của nhà họ Kim. Sau khi trở lại Triều Tiên năm 2010, ông Ri đã hỗ trợ ông Jang thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng theo tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản, ông Ri là một trong ít nhất 5 người thuộc phe cánh của ông Jang đã bị tử hình, bao gồm Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Hành chính Ri Yong Ha và Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Jang Su Kil. Hai người này đã bị nhà chức trách Triều Tiên xử tử công khai hồi tháng 11 vừa qua. Ngoài ra còn có hai nhân vật khác ở cấp thấp hơn.

Tuy nhiên, theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời các quan chức nước này nói rằng, ông Ri dường như có tham gia cuộc họp Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên diễn ra hôm 8/12. Chính tại cuộc họp này, ông Jang Song Thaek đã bị bắt giữ. Do đó, một số nguồn tin suy đoán rằng, có thể ông Ri Su Yong bị cầm tù cùng với người chú dượng của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng chưa thể xác nhận được thông tin trên, khi nói rằng một người trông rất giống ông Ri đã tham gia cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 8/12. Trong bản tin do truyền hình Triều Tiên phát đi hôm 9/12, ông Ri được nhận diện là đang chứng kiến cảnh ông Jang bị bắt giữ. "Chúng tôi chưa biết liệu ông Ri đã bị xử tử hay chưa", một quan chức bộ này nói.

Trước đó, hôm 6/12, mạng truyền hình YTN đưa tin, một trợ lý thân cận của ông Jang đã chạy khỏi Bình Những và xin tị nạn tại Hàn Quốc. Người này vốn trông coi sổ sách tài chính của ông Jang và nắm được các hoạt động chi tiêu của gia đình lãnh đạo Triều Tiên. Theo nguồn tin, người này hiện sống ở một nơi bí mật tại Trung Quốc, dưới sự bảo vệ của giới chức Hàn Quốc.

Cũng theo tờ Chosun, Triều Tiên đang đối mặt những cuộc đào tẩu chính trị lớn nhất trong vòng 15 năm qua ở quốc gia Đông Bắc Á này. Hàng loạt viên chức từng là cố vấn hay phụ tá thân cận dưới trướng ông Jang Song Thaek, người vừa bị Triều Tiên thanh trừng thẳng tay mới đây, đã lần lượt tìm cách chạy khỏi nước này sau khi ông Jang Song Thaek bị tước hết các chức vụ.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời giáo sư Cho Yong Ki thuộc trường Đại học Hàn Quốc cho rằng, chính quyền Triều Tiên sẽ trừng phạt bất cứ người nào có ý định thách thức tới quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. "Rất có thể hàng chục thủ hạ của ông Jang Song Thaek sẽ bị xử tử, nếu như họ có liên quan tới những cuộc tranh đấu nội bộ", giáo sư Cho nói.

Tờ Ariang của Hàn Quốc cũng dẫn ý kiến các chuyên gia về Triều Tiên nhận định, hơn 10.000 người có liên quan tới ông Jang Song Thaek có thể sẽ bị Triều Tiên thanh trừng. Nhiều cơ quan trong đảng liên quan tới ông Jang. Theo tờ báo, "không ít cơ quan trong đảng chịu trách nhiệm thu hút ngoại tệ sẽ là mục tiêu" trong lúc ông Kim Jong Un củng cố, thâu tóm quyền lực.

Nhận định của tờ Ariyang không phải không có cơ sở. Trước đây, khi cựu Bí thư đảng Lao Động Triều Tiên Hwang Jang Yop đào tẩu sang Hàn Quốc, khoảng 3.000 thân tín với ông này đã bị tử hình hoặc bắt giam.

Bản thân hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA trong bản tin ngày 9/12 cũng có nêu rõ, ông Jang Song Thaek đã bị tước bỏ mọi chức vụ đang nắm giữ vì "những hành động chống phá đảng và gây bè phái phản cách mạng". Ông Jang là một trong bảy quan chức "nguyên lão" đã được cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il gửi gắm để phò tá người con trai Kim Jong Un.

Chuyển giao quyền lực quá sớm

Không chỉ những trợ lý thân cận của ông Jang Song Thaek mới là mục tiêu nhắm tới trong vụ thanh trừng này, theo giới phân tích, một số người thân của ông Kim Jong Un như bà cô ruột Kim Kyong Hui, vợ ông Jang Song Thaek, hay ông Kim Jong Nam, anh trai của ông Kim Jong Un, người đang sống lưu vong ở nước ngoài, cũng có thể là tâm điểm trong vụ việc đình đám này.

Trước đó, tờ Chosun Ilbo dẫn lời các nhà quan sát thời sự quốc tế nói rằng, lý do khiến ông Jang Song Thaek bị phế quyền lực, là bởi ông này có âm mưu lật đổ quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và đưa một người cháu khác, ông Kim Jong Nam lên thay thế. Đó là lý do hợp lý giải thích vì sao Triều Tiên công khai những hình ảnh về vụ bắt giữ ông Jang giữa một cuộc họp.

Về phần Kim Jong Nam, ông này là anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, người từng được coi là nhân vật thừa kế di sản của nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il mãi cho đến năm 2001, khi ông ta dùng giấy tờ giả nhập cảnh vào Nhật Bản. Kể từ đó ông sống lưu vong với "tài trợ hào phóng" ở Bắc Kinh và Macau và gần như không giao tiếp với người em trai.

Về người cô ruột, nhiều chuyên gia tin rằng, bà Kim Kyong Hui vẫn tương đối an toàn nhờ sự tôn kính với những hậu duệ trực tiếp của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Trước đó, nhiều nguồn tin nhận định chính bà Kim Kyong Hui là người đứng sau vụ phế truất chồng mình, cùng với sự hỗ trợ của Kim Jong Un và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên Choe Ryong Hae.

Ngoài ra, theo báo chí Hàn Quốc, người em rể của ông Jang là Jon Yong Jin, Đại sứ Triều Tiên tại Cuba, có vẻ đã nhận được lệnh trở về Bình Nhưỡng qua con đường Bắc Kinh. Một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết, ông Jon dường như được lệnh triệu hồi. Ngoài ra, cháu trai của ông Jang là Jang Yong Chol, Đại sứ Triều Tiên ở Malaysia, cũng nhận được lệnh tương tự.

Trong khi đó, tờ Global Times dẫn nguồn báo chí Hàn Quốc cho biết, người em gái 26 tuổi Kim Yeo Jeong của nhà lãnh đạo Kim Jong Un hiện đang nắm một chức vụ then chốt trong Ủy ban Quốc phòng đầy quyền lực của Triều Tiên. Một người anh trai khác của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là Kim Jong Chol cũng đã tham gia chính trường Triều Tiên kể từ đầu năm nay.

Tờ Chosun Ilbo một ngày trước cho biết, chính Kim Jong Chol đã dẫn một nhóm binh sĩ bắt giữ ông Jang Song Thaek. Theo tờ báo này, Kim Jong Un đã bí mật thành lập một lực lượng đặc nhiệm do Kim Jong Chol dẫn đầu để hất cẳng người chú dượng Jang Song Thaek. Những thành viên trong nhóm này đã được đích thân lãnh đạo Triều Tiên chọn lựa từ đội cận vệ của ông.

Theo báo Global Times dẫn lời ông Jin Qiangyi, Giám đốc Trung tâm Các nghiên cứu châu Á ở trường Đại học Yanbian, bình luận rằng, sự chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên sang các thành viên trẻ trong gia đình họ Kim là điều được dự đoán từ lâu, nhưng vẫn gây bất ngờ, vì việc này xảy ra quá sớm.

Nhật, Hàn "lo ngay ngáy"

Vào sáng nay (12/12), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng, cuộc thanh trừng ở Triều Tiên có thể là mở đầu cho những thay đổi lớn ở nước này. “Sau khi xem những bức ảnh ông Jang Song Thaek bị bắt, tôi quan ngại rằng Triều Tiên có thể sẽ trở thành một đất nước cực đoan hơn trong tương lai", Bộ trưởng Itsunori Onodera phát biểu từ Tokyo.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc hôm 12/12 cho biết họ sẽ cài đặt các thiết bị cảnh báo khẩn cấp trên 5 hòn đảo tiền tiêu ở Hoàng Hải để bảo vệ người dân tốt hơn trước các mối đe dọa tiềm năng từ Triều Tiên. Tổng cộng có 25 điểm trên năm hòn đảo tiền tiêu, bao gồm Baengnyeong, Daecheong, Socheong, Yeonpyeong và Udo sẽ được lắp đặt các thiết bị báo động tiên tiến.

Hai ngày trước đó, hôm 10/12, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhận định rằng, mối quan hệ liên Triều có thể lung lay, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un áp đặt một "triều đại khủng bố" tại nước này trong quá trình thực hiện chiến dịch thanh trừng lớn. "Mối quan hệ hai miền nam, bắc có thể trở thành bất ổn định hơn nữa trong tương lai", bà Park đưa ra nhận định.

"Tình hình trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á đang chuyển biến nhanh chóng. Chúng ta không thể xem nhẹ việc phòng thủ trước những mối đe dọa từ Triều Tiên và những thay đổi trong tình hình chính trị của nước này", nữ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố.

Hãng tin Yonhap ngày 11/12 dẫn một nguồn tin cho biết, kinh tế Triều Tiên có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn sau vụ cách chức Jang Song Thaek. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích quốc tế, nếu kinh tế suy sụp, Triều Tiên có thể sẽ hợp tác mạnh hơn với Hàn Quốc, nhưng đồng thời sự đổ vỡ này cũng làm tăng thêm những nguy cơ Triều Tiên tấn công quân sự vào Hàn Quốc.