18:57 28/07/2010

Vụ Vedan: “Tình không xong thì phải dùng lý”

Bảo Anh

Đại diện nhà quản lý "mách nước" cho nông dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tp.HCM về việc khởi kiện Vedan

Ngày 19/9 tới sẽ là hạn cuối cùng để các hộ nông dân khởi kiện Vedan Việt Nam ra tòa.
Ngày 19/9 tới sẽ là hạn cuối cùng để các hộ nông dân khởi kiện Vedan Việt Nam ra tòa.
Sáng 28/7, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, một cuộc họp bàn giải pháp giúp nông dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tp.HCM chuẩn bị đủ cơ sở pháp lý, hồ sơ tài liệu để nắm chắc phần thắng nếu khởi kiện Công ty Vedan Việt Nam ra tòa đã được tổ chức.

Đã “hết tình” với Vedan

Thành phần tham dự buổi họp gồm có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa an nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Hội Nông dân Việt Nam... phần nào cho thấy quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc giải quyết dứt điểm hậu quả do Vedan Việt Nam để lại.

Bộ trưởng Nguyên nói tại buổi làm việc: “Trong suốt 13 năm trước đây, khi còn là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi đã từng nắm rất rõ mọi hoạt động của Vedan. Rồi khi về làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây cũng là doanh nghiệp tôi phải tiếp nhiều nhất”.

Theo ông Nguyên, sở dĩ ông phải nhấn mạnh về ‘gốc tích” của Vedan Việt Nam như vậy là bởi những vi phạm của doanh nghiệp này kéo dài trong nhiều năm và lại còn có biểu hiện dây dưa trong khắc phục hậu quả.

Bộ trưởng Nguyên cũng khẳng định, theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải giải quyết vụ việc này trên cơ sở “có tình có lý”, vì theo ông, Vedan là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên “xé rào” đầu tư vào Việt Nam kể cả khi Mỹ vẫn đang cấm vận Việt Nam. Những đóng góp của Vedan đối với người lao động, với nền kinh tế trong thời gian qua là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, sau nhiều lần thương thuyết, đàm phán, doanh nghiệp này vẫn tỏ thái độ bất hợp tác và không chịu khắc phục hậu quả nên với trách nhiệm của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải quyết liệt để giải quyết bằng “lý”.
 
“Đích thân tôi đã hơn hai lần trực tiếp đi vào tận nơi để làm việc với Vedan Việt Nam, trong đó ba lần yêu cầu Chủ tịch Vedan ở Đài Loan sang để làm việc, nhưng họ vẫn không hồi đáp. Như vậy, tôi có thể khẳng định đã “hết tình” với doanh nghiệp này. Giờ chỉ còn cách làm việc bằng pháp luật”, Bộ trưởng Nguyên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyên, những sai phạm của Vedan đã quá rõ. Số tiền mà doanh nghiệp này phải trả cho nông dân không phải là tiền hỗ trợ mà là tiền đền bù, bồi thường cho sai phạm của mình.

Trong khi đó, theo báo cáo của lãnh đạo 3 địa phương thì đến nay, giữa Vedan và đại diện các hộ nông dân tại các địa phương vẫn chưa đạt được thỏa thuận về số tiền đền bù.

Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số tiền mà UBND tỉnh này yêu cầu Vedan Việt Nam phải đền bù là 53,619 tỷ đồng, song Vedan Việt Nam chỉ đồng ý bồi thường 10 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xác định số tiền bồi thường là 119,5 tỷ đồng nhưng Vedan Việt Nam đã không chấp nhân và cũng không đưa ra mức bồi thường cụ thể.

Còn tại Tp.HCM, số tiền mà chính quyền thành phố xác định Vedan Việt Nam phải bồi thường là 45,74 tỷ đồng, nhưng Vedan Việt Nam chỉ chấp nhận bồi thường 16 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng Nguyên “bật mí” rằng, số tiền bồi thường của Vedan Việt Nam đã thay đổi liên tục theo diễn biến cuộc họp. Tuy nhiên, vì chưa có số liệu chính thức, các con số này đã không được Bộ trưởng công bố.

Ai sẽ "cầm lái" khởi kiện?

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, mặc dù Bộ là cơ quan quản lý về tài nguyên, môi trường và có quyền xử phạt các vi phạm về môi trường. Tuy nhiên, trong trường hợp khởi kiện đòi Vedan bồi thường, đó lại là quyền của chính các hộ nông dân, Bộ không có quyền thay mặt nông dân khởi kiện.

Với lý do đó, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tỏ ra khá lo lắng cho vị trí “cầm lái” trong trường hợp kế hoạch khởi kiện Vedan thành hiện thực.

Theo Bộ trưởng Nguyên, nếu để cho 3 địa phương tự độc lập đứng ra khởi kiện thì phần thắng có khả năng sẽ thuộc về Vedan. Bởi lẽ, những luật sư bảo vệ Vedan cũng là người Việt Nam, họ sẽ có đầy đủ kinh nghiệm, khôn khéo để đối phó với mỗi tỉnh, thành, làm cô lập sự liên kết trong quá trình tranh tụng tại tòa.

Do đó, ông lưu ý, cần có người ‘cầm lái”, liên kết được các địa phương, người nông dân, cơ quan quản lý, tránh tình trạng để Vedan lợi dụng “bẻ” một tỉnh, rồi từ đó có cơ sở “bẻ” các địa phương còn lại.

Tuy nhiên, ai sẽ là người cầm lái trong vụ khởi kiện vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ và theo như Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên “rất cần sự tư vấn của các bộ, ngành liên quan”.

Trước đề nghị của Bộ trưởng, Đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) gợi ý, nên thành lập một nhóm công tác trong đó có đại diện 3 địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiến hành tranh tụng với Vedan Việt Nam trước tòa. Có thể là giao cho tỉnh Đồng Nai giữ vị trí “cầm lái” vì đây là địa phương có nhà máy của Vedan đóng trên địa bàn.

Về phía Hội Nông dân Việt Nam, Phó chủ tịch Nguyễn Duy Lượng khẳng định, tổ chức này sẵn sàng sát cánh cùng nông dân 3 tỉnh, thành trên tiến hành khởi kiện Vedan nếu như thương lượng không có hiệu quả.

“Hiện chúng tôi đã chỉ đạo trung tâm tư vấn pháp luật, trung tâm môi trường của Hội và sự tham gia của một văn phòng luật sư để sẵn sàn tham gia cùng nông dân  khởi kiện”, ông Lượng nói.

Về lộ trình khởi kiện, Phó vụ trưởng Vụ Giải quyết các vụ án dân sự (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) Phương Hữu Oanh “mách nước”: có thể tiến hành theo hai cách, một là các địa phương chủ động làm việc với Vedan Việt Nam trên cơ sở hai bên thỏa thuận. Nếu đạt được thỏa thuận là tốt nhất.

Còn trong trường hợp không thỏa thuận được, Hội Nông dân Việt Nam cần phải xem xét lại các điều khoản của luật pháp để xem có được quyền đại diện cho nông dân khởi kiện không, vì luật có quy định một số trường hợp thì các tổ chức được khởi kiện trực tiếp.

Liên quan đến án phí trong trường hợp nông dân sẽ khởi kiện, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, Bộ sẽ trích từ Quỹ Môi trường thuộc Bộ để chi trả toàn bộ án phí trong suốt quá trình khởi kiện cho đến khi kết thúc vụ án.

"Bộ đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu, chứng cứ khoa học, pháp lý và kể cả tài chính đê giúp nông nân nếu khởi kiện thì phải nắm chắc phần thắng", Bộ trưởng Nguyên khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng lưu ý, sau cuộc họp này, nếu Vedan Việt Nam thay đổi quan điểm, có sự hợp tác và tăng mức bồi thường thì các địa phương nên xem xét để đàm phán lại, không cần phải kiện ra tòa nữa.

Theo công văn của Công ty Vedan Việt Nam gửi 3 địa phương trên trong sáng nay (28/7), sau khi xem xét, doanh nghiệp này đã quyết định nâng mức bồi thường cho nông dân 3 tỉnh, thành trên từ 25 tỷ đồng lên mức 130 tỷ đồng.

Trong đó, Đồng Nai là 60 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu là 40 tỷ đồng và Tp.HCM là 30 tỷ đồng. Được biết quyết định này được đưa ra ngay trước khi cuộc họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành bắt đầu.