17:48 14/12/2010

WWF được yêu cầu xin lỗi người nuôi cá tra Việt Nam

Y Nhung

Hội Nghề cá cho rằng bảng tiêu chí và kết quả đánh giá của WWF đối với cá tra Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc quốc tế

Hiện với 6.000 ha nuôi thả, sản lượng cá tra của Việt Nam là 1,5 triệu tấn/năm.
Hiện với 6.000 ha nuôi thả, sản lượng cá tra của Việt Nam là 1,5 triệu tấn/năm.
Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng bảng tiêu chí và kết quả đánh giá của WWF 6 nước châu Âu đối với cá tra Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc quốc tế, cũng như bôi nhọ người nuôi cá tra và ngành thuỷ sản Việt Nam. Do vậy, các tổ chức này phải xin lỗi Chính phủ và người nuôi cá tra Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu bảng tiêu chí và kết quả đánh giá khiến Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại các nước Đức, Áo, Thuỵ Sỹ, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ” trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng với mục đích khuyến cáo không nên sử dụng, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bộ tiêu chí không phù hợp với quy định quốc tế

Nội dung văn bản này nêu rõ: năm 1995, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) đã công bố tài liệu phát triển thuỷ sản bền vững (gọi tắt là CoC). Trong đó hướng dẫn nuôi thuỷ sản bền vững phải đáp ứng được các tiêu chí: đảm bảo an toàn môi trường, an toàn bệnh dịch, an toàn thực phẩm, thực hiện tốt các chính sách xã hội. Nhưng bộ 19 câu hỏi của WWF chỉ đề cập đến một số khía cạnh của an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, không có chỉ tiêu về an toàn thực phẩm và chính sách xã hội.

“Phương pháp luận của bộ tiêu chí trên không phù hợp với quy định quốc tế (CoC của FAO)”, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói.

Thêm nữa, thông thường các tổ chức quốc tế/các quốc gia trên thế giới khi xây dựng xong các tiêu chí đánh giá phải liệt kê các chỉ tiêu đánh giá, kèm theo tài liệu hướng dẫn cách đánh lỗi dựa trên kết quả thu được.

Trong khi WWF chỉ có 19 câu hỏi (tiêu chí), các mức lỗi (cho điểm) không tách thành các chỉ tiêu, không hướng dẫn cách ghi lỗi. “Điều này sẽ khiến người đánh giá làm theo hiểu biết, kinh nghiệm và có thể áp đặt ý muốn chủ quan”, TS Thắng nói.

Vi phạm nguyên tắc “công khai”

Không chỉ có vậy, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mọi quy định liên quan đến thương mại thế giới phải công khai từ khi xây dựng luật (quy định), hoạt động đánh giá và công bố kết quả.

Còn quá trình xây dựng 19 câu hỏi, thực hiện đánh giá, công bố kết quả vừa qua của WWF, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thuỷ sản, Hội nghề Cá Việt Nam, người nuôi cá tra Việt Nam và WWF tại Việt Nam đều không hay biết về điều này. TS. Thắng cho rằng đây chính là biểu hiện của sự vi phạm nguyên tắc “công khai” trong quan hệ quốc tế.

Thêm nữa, quy định của WTO mọi thông tin đưa ra phải có đủ bằng chứng về cơ sở khoa học. WWF đã đưa ra 19 câu hỏi để đánh giá sản xuất bền vững nhưng thiếu rất nhiều so với CoC của FAO. Chuyên gia đánh giá không trực tiếp đến Việt Nam mà dựa vào một bài báo và một báo cáo khoa học của Đại học Wageningen Hà Lan (năm 2009) để trả lời các câu hỏi này. Trước khi công bố kết quả cũng không gửi cho Việt Nam góp ý. Như vậy, việc xây dựng tiêu chí công bố kết quả đánh giá đã vi phạm nguyên tắc “minh bạch - cơ sở khoa học” của WTO và thông lệ quốc tế.

Trên thực tế, trong kiểm soát an toàn thực phẩm, các quốc gia xây dựng chỉ tiêu đánh giá thường gửi cho các quốc gia xuất khẩu để hướng dẫn cho cơ sở sản xuất thực hiện (thường là 3-5 năm). Sau đó cử đoàn sang kiểm tra từng doanh nghiệp, công bố dự thảo kết quả cho doanh nghiệp và cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu góp ý, rồi mới công nhận từng doanh nghiệp.

WWF lại không đến Việt Nam đánh giá trực tiếp, chỉ dựa trên 2 tài liệu (lại không nhằm mục đích đáp ứng 19 câu hỏi này), đưa ra kết luận áp đặt cho toàn bộ ngành chăn nuôi cá tra Việt Nam (năm 2010 diện tích nuôi là 6.000 ha sản lượng 1,5 triệu tấn, hơn 10 nghìn hộ nuôi) là hết sức phi lý và chưa có tiền lệ ở nơi nào trên thế giới.

Hội Nghề cá Việt Nam cho là kết quả công bố của WWF mang tính “võ đoán”, áp đặt và những điều này đã làm ảnh hưởng đến danh dự của người nuôi cá tra, lòng tự trọng của ngành thuỷ sản Việt Nam bị tổn thương. Một số người tiêu dùng tại 6 nước châu Âu này cũng bị thiệt hại, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam với các quốc gia đó.

Trên cơ sở các phân tích đã dẫn ra, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục yêu cầu tổ chức WWF 6 nước châu Âu thu hồi tài liệu, bài viết và các hình thức tuyên truyền khác có nội dung khuyến cáo không nên dùng sản phẩm cá tra của Việt Nam, và có lời xin lỗi đối với Chính phủ và người nuôi cá tra Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần triển khai gấp việc đào tạo áp dụng quy chuẩn thực hành nuôi tốt, dựa trên các tiêu chí quy định trong CoC của FAO. Thực hiện việc đánh giá công nhận CoC, Viet GAP và công bố rộng rãi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền các nước nhập khẩu, các nhà nhập khẩu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ trên thế giới được biết. Ngoài ra, cần xây dựng video clip về sản xuất thuỷ sản bền vững để công bố rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế.

* Bộ 19 câu hỏi được sử dụng để đánh giá cá tra của Việt Nam từ phía WWF 6 nước châu Âu:

1. Hệ thống nuôi của loài có làm suy yếu nguồn cung cấp nước ngọt và/hoặc làm giảm chất lượng các thủy vực nước bởi vấn đề xâm nhập mặn?

2. Hệ thống nuôi của loài có yêu cầu làm thay đổi đất sử dụng/hoặc đáy biển?

3. Hệ thống sản xuất và thu hoạch có đảm bảo quyền lợi cho động vật và các quy định về giết mổ không?

4. Loài trong đánh giá này có lây truyền dich bệnh thông thường và các dịch bệnh bùng phát ra các vùng xung quanh không?

5. Loài nuôi này có phụ thuộc vào nguồn cung thức ăn từ bên ngoài không?

6. Tỷ lệ khối lượng thức ăn bằng cá trên khối lượng thành phẩm là bao nhiêu?

7. Tỷ lệ đạm và dầu (từ biển, rau, trên cạn) chiếm tỷ lệ lớn trong khẩu phần thức ăn có được nhận biết và có thể truy xuất được nguồn gốc không?

8. Tỷ lệ đạm và dầu từ nguồn thức ăn khai thác từ đánh bắt tự nhiên có được khai thác từ nguồn bền vững không?

9.  Tỷ lệ rau, ngũ cốc trong phần lớn thức ăn có được cung cấp từ nguồn bền vững và có truy xuất nguồn gốc được không?

10. Có phải phần lớn hệ thống sản xuất phụ thuộc vào việc sử dụng hóa chất không?

11. Phần lớn hệ thống sản xuất thải trực tiếp ra hệ thống môi trường nước xung quanh?

12. Nguồn cá giống chủ yếu lấy từ đâu?

13. Có nguy cơ lan truyền dịch bệnh, ký sinh trùng ra các loài ngoài tự nhiên và môi trường xung quanh không?

14. Có nguy cơ thất thoát hay xâm nhập của loài ngoại lai từ hệ thống nuôi này không? Nếu có thì việc thất thoát có gây ra những ảnh hưởng bất lợi về mặt sinh thái không?

15. Nhìn chung, loại hình sản xuất này có gây ra các tác động bất lợi về mặt sinh thái cho các loài tự nhiên ngoài môi trường trong vùng không?

16. Các trại nuôi cá có tuân thủ theo các quy hoạch môi trường chiến lược (cụ thể là quy hoạch về không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ, quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch năng lực tích lũy) không?

17. Có khung quy định để giải quyết các vấn đề sau đây không?

- Quy hoạch môi trường
- Phòng tránh thất thoát
- Đánh giá tác động môi trường;    
- Quản lý an toàn sinh học và dịch bệnh
- Bảo vệ các sinh cảnh có giá trị  
- Du nhập loài mới
- Sử dụng đất và nguồn nước       
- Theo dõi/Báo cáo về môi trường
- Sử dụng hóa chất
- Thải/làm ô nhiễm nước     
- Các vấn đề khác (nêu cụ thể)

18. Có khung quy định đối với loài nuôi này để giảm thiểu tác động tiêu cực một cách hiệu quả không?

19. Đa số người nuôi trong khu vực có nỗ lực hợp tác với bên thứ 3 trong việc cấp giấy chứng nhận và kiểm toán tại chỗ?