14:56 26/11/2007

Xăng dầu mở đầu những chuyện lớn

Lần tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ chính thức bắt đầu cho việc nâng toàn bộ mặt bằng giá năng lượng ở Việt Nam

"Lúc này, giá xăng dầu không còn là câu chuyện của giá hay của xăng dầu nữa."
"Lúc này, giá xăng dầu không còn là câu chuyện của giá hay của xăng dầu nữa."
Lần tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ chính thức bắt đầu cho việc nâng toàn bộ mặt bằng giá năng lượng ở Việt Nam.

Và như vậy, đây không còn là câu chuyện của giá dầu hay của giá cả nói chung nữa. TS. Lê Đăng Doanh muốn nói về một câu chuyện lớn phía sau cái bảng giá ở mỗi cây xăng...

TS. Lê Đăng Doanh: Sau ngày giá xăng dầu tăng, tôi đi taxi từ Nội Bài về đây (đường Lạc Long Quân, Hà Nội - PV) giá cước đã tăng từ 150.000 lên 170.000 đồng. Như vậy là giá taxi đã tăng 13%. Rồi giá điện, giá than, giá gas và nhiều mặt hàng khác sẽ tăng theo.

Khoảng ba tháng nữa tác động của giá xăng dầu tới mặt bằng giá cả mới thật sự bộc lộ cơ bản. Chắc chắn chỉ số tăng giá sẽ không như dự báo của Bộ Tài chính và lạm phát sẽ ở hai con số.

Tôi cho rằng việc Chính phủ tăng giá xăng dầu là bất khả kháng, bởi giá thế giới tăng, sức chịu đựng bù lỗ đã đến chân tường và nếu cố giữ giá thì buôn lậu xăng dầu qua biên giới sẽ rất khó kiểm soát. Chúng ta đã nín nhịn tăng giá từ nhiều tháng trước, nhưng càng nín nhịn thì sức nén của lò xo càng lớn và đến nay hết chịu nổi.

Các giải pháp kiềm chế giá từ trước đến nay chỉ mang tính tình thế nên không đủ hiệu lực. Chính phủ và Quốc hội đã nói rất nhiều đến việc chống lạm phát, bình ổn giá nhưng lúc này chúng ta đã phải tăng giá mặt hàng quan trọng nhất, khởi đầu cho những "cơn bão" giá.

Như vậy lúc này, giá xăng dầu không còn là câu chuyện của giá hay của xăng dầu nữa. Vì hiện nay toàn bộ mặt bằng giá năng lượng của chúng ta đã tiến lên một mức mới, ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc đến các mặt kinh tế - xã hội.

Và như vậy, giải pháp phải là câu chuyện của toàn nền kinh tế với cơ cấu, hiệu quả mới kèm theo những kỹ thuật điều hành tương ứng.

Cụ thể là chúng ta cần làm gì, thưa ông?

Giá dầu thế giới lên nhưng các quốc gia có nhu cầu năng lượng lớn hơn chúng ta nhiều mà họ không quá sốc. Trung Quốc lạm phát cũng chỉ 5,4%; Singapore chỉ 3%. Các quốc gia đó có thể "bình thản" vì năng lượng của họ không quá phụ thuộc vào dầu.

Trong cơ cấu năng lượng đã có điện hạt nhân, thủy điện, gió, năng lượng mặt trời, khí… Hiệu quả sử dụng năng lượng của họ rất cao. Chẳng hạn một chiếc ôtô tải của Nhật sử dụng 26 ngày/tháng, còn Việt Nam chỉ được 18 ngày. Chiếc xe đó Nhật dùng 22 giờ/ngày nhưng ở Việt Nam là 8 giờ. Xe của họ chạy hai chiều (cả đi và về đều chở hàng) nhưng xe của Việt Nam cơ bản là chạy một chiều.

Bên cạnh trình độ sản xuất thì ý thức sử dụng năng lượng cũng được người dân một số nước đề cao. Ngay ở Lào, trước tình hình giá dầu lên, cảnh sát ở Vientiane đã thực hiện chỉ thị: không đi tuần bằng ôtô mà bằng xe đạp. Giá xăng dầu tăng nhưng các loại xe của chúng ta, nhất là xe công, vẫn nghênh ngang khắp nơi.

Giá xăng dầu phi mã như vậy nhưng dường như ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ở người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước gần như không có.

Ông có thể đánh giá gì về hiệu quả của các giải pháp chống tăng giá nói chung?

Cách đây hơn 30 năm, người Nhật từng khốn đốn vì phụ thuộc giá xăng dầu cũng như các năng lượng khác. Họ xây dựng một chiến lược cho toàn nền kinh tế, phát động toàn xã hội, cải cách sâu rộng, toàn diện: tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Các chương trình đó có bài bản, từ hệ thống tiêu chí, chế tài đến điểm đột phá… đều rất nghiêm túc. Sau ba năm họ đã đạt một kết quả khó ngờ: giảm 50% tiêu hao năng lượng/đơn vị sản phẩm. Tức là chống tăng giá, chống lạm phát phải có một chiến lược quốc gia, tổng thể và toàn diện.

Theo ông, chiến lược đó có thể xây dựng trên cơ sở nào?

Trước hết, Chính phủ cần thông tin đầy đủ, kịp thời, rõ ràng các con số dự báo giá thế giới, giá trong nước sẽ tăng như thế nào, lộ trình tăng giá, chủ trương, kế hoạch xóa bỏ bao cấp giá các mặt hàng quan trọng ra sao tới toàn dân. Kèm theo, nhà nước phải xây dựng một chiến lược dài hạn và đầy đủ về sử dụng năng lượng với các mục tiêu hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất để phát động rộng khắp xã hội.

Chúng ta có thể đề ra chỉ tiêu: 3-5 năm tới sẽ giảm 30% tiêu hao năng lượng/đơn vị sản phẩm chẳng hạn. Để đạt điều đó cần phải tính đến cơ cấu kinh tế, dây chuyền công nghệ, qui trình sản xuất… sao cho các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng ngày một cao.

Ví dụ: để làm ra 500 USD, người Nhật sản xuất chiếc máy ảnh Canon 500 gram, người Mỹ làm một phần mềm chứa trong sản phẩm 200 gram, còn chúng ta thì phải lao lực để sản xuất hàng mấy tấn gạo…

Nhằm tiết kiệm, chúng ta cần thiết lập những tiêu chí cụ thể kèm chế tài và cán bộ, đơn vị nhà nước phải làm gương. Nhân cuộc khốn khó về giá xăng dầu tăng lần này, chúng ta có thể phát động chương trình tiết kiệm và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn năng lượng như bài học của Nhật Bản…

Bên cạnh đó, cần có chiến lược khai thác các nguồn năng lượng khác.

Thưa ông, giải pháp nào có thể giải quyết mâu thuẫn giữa bình ổn giá và xóa bỏ bao cấp trong giá xăng dầu?

Hiện chúng ta đang lấy tiền từ bán dầu thô bù lỗ cho xăng dầu và lấy lãi của thủy điện bù lỗ cho nhiệt điện. Theo tôi, Nhà nước nên đứng sang bên, đừng quản lý hai mặt hàng này mà dành cho các doanh nghiệp tự kinh doanh bên cạnh một quĩ bình ổn, tức là quĩ dự trữ khi giá thế giới tăng. Quĩ này thành lập từ nguồn chính là tiền bù lỗ nói trên.

Đồng thời, cần xây dựng những cơ chế linh hoạt để doanh nghiệp có thể chủ động tăng giảm giá từ từ, tuân theo thị trường nhưng dựa vào quĩ dự trữ mà không gây biến động lớn cho thị trường.

Thưa ông, dù làm chủ được giá năng lượng vẫn chưa phải là đã làm chủ được thị trường để chống lạm phát?

Chống lạm phát, theo tôi, cần thêm một số chính sách về tài chính tiền tệ. Chúng ta có thể nghiên cứu cách tăng lãi suất tiết kiệm để thu tiền về. Tiền đó sẽ dành cho những dự án, doanh nghiệp có tính khả thi vay.

Tôi rất e ngại việc chống lạm phát bằng phát hành trái phiếu Chính phủ. Vì như vậy tiền lưu thông được Nhà nước hút về nhưng lại đổ vào các dự án, các doanh nghiệp nhà nước rất lâu thu hồi vốn và kém hiệu quả. Đến khi thua lỗ, Nhà nước lại phải móc tiền ra đổ vào những dự án đó. Và như vậy, lạm phát chỉ bị ngăn chậm lại rồi chuyển sang vòng xoáy sau đó mà thôi.

Công cụ thứ hai là tỉ giá cũng cần linh hoạt hơn để phù hợp với thị trường và tránh tác động xấu tới xuất nhập khẩu.