18:20 15/12/2009

Xây dựng luật: “Vất vả” từ soạn thảo đến thực hiện

Nguyên Bình

Trung bình hàng năm số lượng các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình Quốc hội chỉ đạt 75 - 80% kế hoạch

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật.
Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật.
Trung bình hàng năm số lượng các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình Quốc hội chỉ đạt 75 - 80% kế hoạch.

Đây là con số được nêu ra tại Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
 
Chiều 15/12, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận nội dung này.

Theo kết quả giám sát, trong những năm qua, việc chuẩn bị và trình các dự án luật, pháp lệnh vẫn trong tình trạng chậm so với tiến độ, kế hoạch đã đề ra.

Năm 2008 Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội 39 dự án luật nhưng đã có tới 9 dự án được rút khỏi chương trình đã được Quốc hội thông qua. Năm 2009, Chính phủ cũng xin hoãn, rút khỏi chương trình 7 dự án.

Kết quả giám sát cũng cho thấy, tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật tuy đã giảm từ 60% (giữa năm 2006) xuống còn 10% (cuối năm 2007) song vẫn chưa được khắc phục triệt để. Trong 63 luật, 18 pháp lệnh, 1 nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực thi hành còn 274/704 nội dung chưa được quy định chi tiết.

Không ít trường hợp luật đã có hiệu lực hàng năm, nhưng văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được ban hành.  Trong khi đó, nhiều nơi phải chờ có văn bản này thì mới tổ chức thi hành luật, pháp lệnh. Thậm chí chỉ cần biết và áp dụng văn bản quy định chi tiết mà không áp dụng trực tiếp luật, pháp lệnh để thi hành.

Một trong những nguyên nhân chủ quan được Ủy ban Pháp luật chỉ ra là lãnh đạo một số cơ quan chủ trì và tham gia soạn thảo dự án luật chưa thực sự coi trọng và đầu tư thích đáng, thời gian công sức và nguồn lực cho nhiệm vụ quan trọng này.

Vì vậy, bên cạnh kiến nghị nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, ủy ban này còn đề nghị nghiên cứu xây dựng soạn thảo dự án luật, pháp lệnh theo hướng giao cho một cơ quan độc lập, chuyên trách. Thay vì giao cho các bộ, ngành như hiện nay.

Cần có một cơ quan chuyên trách “gác cổng” cho Chính phủ và Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nói.

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến thảo luận cho rằng đề nghị này khó khả thi trong điều kiện nước ta hiện nay.

Liên quan đến những nội dung khác, đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa an nhân dân tối cao cũng như nhiều vị ủy viên Thường vụ đều nhất trí cao với đánh giá, kiến nghị của ủy ban Pháp luật. Là, cần đổi mới từ nhận thức đến cách thức làm luật.

“Nếu không đổi mới thì không bao giờ chấm dứt được tình trạng  như bây giờ, luật của Quốc hội ban hành mà có khi phải chờ ủy ban nhân dân xã có văn bản thì mới được thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu.

Một số ý kiến khác cho rằng, sở dĩ có tình trạng luật “vất vả” đi vào cuộc sống là do quá trình chuẩn bị cho ra đời một dự án luật nhiều khi quá gấp gáp nên không đảm bảo chất lượng. Hơn nữa cả nhân lực và kinh phí dành cho công tác này đều chưa đáp ứng yêu cầu.

“Bộ trưởng nhiều nước sinh ra là để hoạch định chính sách, trong khi ở nước ta phải điều hành trực tiếp. Có mưa bão phải đến tận nơi phát gói mỳ cho bà con không thì dễ mất uy tín lắm”, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng chia sẻ .