13:24 15/12/2009

Cần có Luật sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào kinh doanh

Nguyên Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả kỳ họp Quốc hội thứ sáu và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy

Có ý kiến nhận xét một số vị đại biểu còn gay gắt khi chất vấn.
Có ý kiến nhận xét một số vị đại biểu còn gay gắt khi chất vấn.
Sáng 15/12, mở đầu phiên họp thứ 26,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả  kỳ họp Quốc hội thứ sáu và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng nhiều ý kiến khác, kỳ họp Quốc hội thứ sáu đã diễn ra trên tinh thần đổi mới, dân chủ, tạo được dấu ấn tốt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và Quốc hội, giữa các cơ quan liên quan, và sự điều hành linh hoạt, kiên quyết của chủ tọa kỳ họp. Những kiến nghị, đề nghị hợp lý của Chính phủ đã được Quốc hội căn bản chấp thuận, tạo điều kiện cho sự điều hành của Chính phủ.

Thông tin về kỳ họp đầy đủ, kịp thời hơn và không gây sốc cho dư luận xã hội, Bộ trưởng Phúc nhìn nhận.

Bộ trưởng Phúc cũng cho biết, hơn 400 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đều đã được các cơ quan chức năng trả lời.

Những hạn chế cần rút kinh nghiệm tại kỳ họp được nhiều ý kiến đề cập tại phiên họp sáng nay chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng pháp luật.

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua 7 luật và cho ý kiến về 11 dự án luật khác. Tuy nhiên, chất lượng chuẩn bị của một số dự án luật còn thấp, thiếu các tài liệu đi kèm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có dự án phải rút khỏi chương trình kỳ họp.

Việc cung cấp các tài liệu tham khảo liên quan đến một số dự án luật, nhất là các dự án có tính chuyên ngành hẹp còn hạn chế nên đại biểu không đủ quỹ thời gian để nghiên cứu sâu, tổ chức lấy ý kiến và chuẩn bị  ý kiến phát biểu, hạn chế nhất định đến chất lượng thảo luận.

“Vẫn còn có bộ trưởng chưa nắm chắc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên đùng cái lại xin thay đổi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đề nghị cần chặt chẽ hơn về quy trình làm luật. Tránh tình trạng cơ quan thẩm tra “chạy” theo ban soạn thảo, dẫn đến sự “lệch pha” không đáng có.

Từ một góc nhìn khác, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng việc Quốc hội không đồng ý thông qua luật nào đó cũng là bình thường thôi. Vì, phải tính đến ban hành luật nhưng có thể thực hiện được luật hay không.

“Tôi đã đi rất nhiều đường phố Hà Nội,  nhưng không có đường nào mọi người mà đi đúng luật cả. Bởi vì nếu đi đúng luật hoặc sẽ không đi được hoặc sẽ có tai nạn nhiều hơn”, ông nói.

Tại tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy (dự kiến khai mạc ngày 20/5/2010) của Văn phòng Quốc hội, dự kiến sẽ có 12 dự án luật trình Quốc hội thông qua và 12 dự án luật khác trình Quốc hội cho ý kiến.

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Thuế nhà đất nằm trong danh sách các dự án luật được thông qua tại kỳ họp này.

Trong danh sách các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Biển Việt Nam và Luật tiếp cận thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị sớm đưa Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh vào chương trình xây dựng luật để quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Vì đây là vấn đề rất quan trọng, được nhiều đại biểu đề cập khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về hiệu quả sử dụng vốn của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tại kỳ họp vừa qua.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.