06:52 08/06/2009

Hoạt động lập pháp qua “phê và tự phê” của Quốc hội

Hải Hà

Quốc hội phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của công tác lập pháp

Đại biểu Chu Sơn Hà: Nhiều dự thảo luật đưa vào chương trình như xếp gạch đặt chỗ trong thời bao cấp - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Chu Sơn Hà: Nhiều dự thảo luật đưa vào chương trình như xếp gạch đặt chỗ trong thời bao cấp - Ảnh: TTXVN.
Chiều 5/6, tuần làm việc thứ ba của kỳ họp Quốc hội thứ 5 đã khép lại với phần thảo luận sôi nổi về dự án luật người cao tuổi. Đây cũng là tuần đầu tiên các vị đại biểu được nghỉ họp ngày thứ Bảy, sau năm ngày tập trung cho công tác lập pháp với gần 10 dự án luật và 1 đề án.

Xen kẽ giữa những phiên họp xem xét, cho ý kiến về những dự án luật cụ thể, một buổi thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2010 đã diễn ra với liên tiếp những lời phê và tự phê bình của những người được nhân dân giao trọng trách nhấn nút thông qua các dự án luật.

Không chỉ nhận xét, đánh giá về những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan soạn thảo luật, các vị đại biểu còn phê phán khá gay gắt hoạt động lập pháp của chính Quốc hội.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang): Quốc hội rất bị động

“Luật đưa vào nội dung kỳ họp một số nơi chuẩn bị chưa tốt, có phần gấp gáp, phải đình lại như 3 luật quản lý thuế. Dự thảo luật trình ra kỳ họp Quốc hội gửi cho hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội không đảm bảo thời gian.

Như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đến 8 giờ tối 27/ 5 mới gửi tới đại biểu Quốc hội và buổi sáng ngày 28/ 5 Chính phủ lại trình, khi luật này liên quan đến nhiều luật khác và hết sức quan trọng. Cách làm trên chưa phát huy trí tuệ các chuyên gia, đại biểu Quốc hội rất bị động trong đóng góp luật”.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội): Luật chưa đi vào cuộc sống

“Luật của chúng ta ban hành có tuổi thọ ngắn, chỉ sau một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung, nếu không muốn nói luật chưa đi vào cuộc sống chúng ta đã thấy bất cập. Và tại kì họp này nếu chúng ta thông qua dự án luật sửa đổi một số điều liên quan đến Luật Đầu tư xây dựng cơ bản thì có thể nói Quốc hội chúng ta giỏi nhất trong các nghị viện trên thế giới này. Các đại biểu Quốc hội cũng là những người giỏi nhất trong các nghị sĩ đó”.

Đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng): Luật không gắn với thực tiễn

“Tôi cảm thấy có một khuynh hướng xây dựng luật vượt quá xa so với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và trình độ dân luật của đất nước. Luật Bồi thường Nhà nước, luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự nếu nghiên cứu kỹ thì tôi thấy áp dụng vào thực tế cực kỳ khó khăn

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra xem trong quá trình xây dựng luật không biết có sự tác động chi phối của các cơ quan tư pháp nước ngoài trong các dự án luật mà họ tài trợ cho chúng ta.

Cần phải triệt để khắc phục tình trạng cục bộ trong xây dựng luật. Tôi thấy tình trạng cục bộ ngành nào xây dựng luật thì không xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân mà ý muốn giành quyền quản lý Nhà nước hoặc quyền kiểm soát luật này thuộc về mình. Đây là điều không tốt”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Quốc hội không phán xét chuyện nội bộ Chính phủ

“Chính phủ nên thống nhất phân công trách nhiệm giữa các bộ trong các luật trước khi chuyển sang các ủy ban của Quốc hội thẩm tra. Bởi vì nhiều khi có những luật nó liên quan đến hai, ba cơ quan bên Chính phủ thì các cơ quan không thống nhất được với nhau, cho nên lại chuyển việc ấy sang để cho Quốc hội phán xét, thực sự ra điều đó không đúng.

Chúng tôi đề nghị bên Chính phủ thống nhất trước về phân công trách nhiệm, sau đó chuyển sang Quốc hội và Quốc hội chỉ bàn những chuyện gì thực sự lớn, thực sự có nghĩa hơn việc phân công có tính chất nội bộ của Chính phủ”.

Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An): Nếu cần thì phải bỏ phiếu tín nhiệm

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cơ bản nhất của bộ trưởng là phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội về các chính sách pháp luật trong lĩnh vực quản lý của ngành mình. Nếu như nhiệm vụ đó không được các bộ trưởng quan tâm, coi trọng thì tôi e rằng các dự án luật liên quan đến quốc kế dân sinh sẽ không được chuẩn bị đúng tầm, đúng thời gian và dẫn đến chất lượng sẽ bị hạn chế và chậm đi vào cuộc sống.

Tôi đề nghị Quốc hội nên có chế tài khen thưởng đối với những bộ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị các dự án luật có chất lượng, đảm bảo thời gian, đảm bảo quy trình. Nhưng đồng thời cũng phải xác định trách nhiệm những người đứng đầu đối với những dự án luật có sự chậm trễ, kéo dài hoặc kém chất lượng. Nếu cần thiết thì cũng phải tính đến việc áp dụng các biện pháp bỏ phiếu tín nhiệm đối với những trường hợp này.

Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Quảng Bình): Cơ quan thẩm định chỉ biết chờ

“Chúng ta thường hay phàn nàn, thậm chí còn phê bình các cơ quan chủ trì soạn thảo là thiếu quan tâm, thiếu nghiêm túc và chậm trễ trong việc tuân thủ các quy định của quá trình soạn thảo luật.

Điều đó đúng, tuy nhiên theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, chưa thống nhất. Ở một số dự án luật tôi được biết mặc dù cơ quan soạn thảo chậm trễ trong việc trình dự án để thẩm định, nhưng cơ quan thẩm định dường như không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi hoặc đôn đốc, nhắc nhở một cách bất lực. Có dự án luật cơ quan thẩm định rõ ràng thấy chưa ổn, chưa yên tâm, đã yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung chỉnh sửa nhưng kết quả trình ra Quốc hội chất lượng vẫn không đáp ứng yêu cầu”.

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định): Quyền lực của Quốc hội?

“Tôi theo dõi trong nhiều năm thấy rằng Quốc hội thảo luận đi, thảo luận lại mãi, quan trọng mấy đi chăng nữa cũng chỉ điều chỉnh được khoảng 1% còn 99% số tiền chi ngân sách của năm đó đều đã được định đoạt từ Chính phủ. Vậy cho nên trong thực tế quyền lực của Quốc hội là không còn, chính vì vậy nhiều ý muốn của chúng ta định triển khai trong thực tế không có.

Tôi xin đề nghị hết sức khẩn trương, làm sao Luật Ngân sách phải được điều chỉnh lại ngay trong năm 2010 này chứ không phải trong chương trình dự bị, nếu được điều chỉnh như vậy tôi dám chắc nhiều công việc của chúng ta sẽ tốt hơn nhiều”.

Đại biểu Võ Văn Đủ (Đắc Nông): Không thể lùi thêm được nữa

“Sửa đổi Luật Đất đai là nhu cầu rất bức thiết. Chúng ta cứ lùi từ năm 2008, 2009 và đến năm 2010 cũng không thấy đâu, mà chỉ vào chương trình chuẩn bị thì như vậy kỳ họp này rất khó thông qua. Đây là bức xúc của nhân dân, đã là bức xúc của dân thì chúng ta phải tập trung tháo gỡ, dù khó như thế nào cũng phải tập trung tháo gỡ”.

Nếu cơ quan được giao soạn thảo không làm được thì các cơ quan phối hợp, thuê chuyên gia, làm thế nào để chúng ta phải đưa được vào luật chính thức, vào chương trình chính thức vào kỳ họp của năm 2010, không thể lùi thêm được nữa vì nhân dân rất bức xúc, còn vì sao bức xúc thì các đại biểu đã phát biểu rồi”.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Cách nào nói cũng được

"Nhiều việc chúng ta làm theo tôi nói không biết có quá không, nhưng hết sức tùy tiện. Chúng ta muốn đưa luật nào vào thì chúng ta cứ đưa, chúng ta muốn rút ra luật nào thì rút ra, không theo trình tự, thủ tục bắt buộc nào cả.

Tôi muốn nói gốc của vấn đề, chúng ta khi muốn thông qua luật thì chúng ta bảo rằng luật này nó đã nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rồi, đề nghị Quốc hội phải biểu quyết cho thông qua trong kỳ này. Nhưng khi không thích thì bảo rằng vì là chưa kịp, chưa kỹ, chưa tốt, xin Quốc hội cho lui ra. Tôi thấy cách nào chúng ta nói cũng được”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): Làm rõ trách nhiệm chậm tiến độ

"Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm đều có quy định: các cơ quan trình, cơ quan soạn thảo dự án luật, pháp lệnh có kế hoạch tổ chức thực hiện để bảo đảm các dự án được trình đúng tiến độ, có chất lượng và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thời hạn gửi dự án đến cơ quan thẩm tra - Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên thực tế chúng ta thấy quy định này không có cơ chế để bảo đảm thực hiện, chính vì vậy tôi đề nghị cần phải xác định rõ trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức không bảo đảm tiến độ chất lượng các dự án luật đã được đưa vào chương trình.

Tôi thiết nghĩ do tầm quan trọng của chương trình xây dựng luật pháp lệnh, cho nên khi đã đề nghị đưa vào chương trình và Quốc hội đã thông qua nghị quyết thì phải nỗ lực, cố gắng với quyết tâm cao để triển khai thực hiện và điều này nó cũng thể hiện sự tôn trọng nghị quyết của Quốc hội, chỉ trong trường hợp thật cần thiết thì mới điều chỉnh và việc điều chỉnh đó cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật".