Xin ý kiến xử lý tài sản bất minh: Không phương án nào quá bán
Xử lý tài sản bất minh qua toà án hay thu thuế đều chưa nhận được sự đồng tình của trên 50% đại biểu qua phiếu xin ý kiến
Có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 45,93% số đại biểu tham gia cho ý kiến tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
Tổng thư ký Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo đó, tính đến ngày 9/11 đã có 456/485 vị đại biểu Quốc hội thể hiện ý kiến của mình và gửi về Ban Thư ký.
Vẫn ngổn ngang
Một trong những vấn đề ý kiến còn rất trái chiều trong nhiều phiên thảo luận là xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc (điều 52).
Kết quả xin ý kiến có 209/456 đại biểu, chiếm 45,93% số đại biểu tham gia cho ý kiến (chiếm 43,09% tổng số đại biểu) tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. Theo đó, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị tòa án xem xét, quyết định. Phần tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ được thu hồi cho Nhà nước.
Có 156/456 ý kiến đại biểu, chiếm 34,21% số đại biểu tham gia cho ý kiến (chiếm 32,16% tổng số) tán thành với phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc theo quy định của pháp luật về thuế.
Ngoài ra, có 40/456 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Theo đó, nếu cơ quan nhà nước chứng minh được tài sản do vi phạm pháp luật, tội phạm mà có thì thu hồi hoặc tịch thu sung công; nếu chứng minh được dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
13 ý kiến tán thành với việc cần thiết phải xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, nhưng còn băn khoăn với các phương án của dự thảo Luật.
1 ý kiến đề nghị giao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tịch thu tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
1 ý kiến đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu xác định tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra để xử lý.
2 ý kiến đề nghị ban hành và áp dụng đồng bộ với Luật Đăng ký tài sản, 3 ý kiến đề nghị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để có phương án khả thi trước khi thông qua.
1 ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với từng thời kỳ.
31 vị (chiếm 6,39% tổng số đại biểu) không thể hiện chính kiến của mình.
Cần cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập
Nội dung thứ hai được xin ý kiến là về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì kết quả khá tập trung.
Có 330/456 ý kiến đại biểu, chiếm 72,36% số đại biểu tham gia cho ý kiến (chiếm 68,04% tổng số đại biểu) tán thành với phương án 1 là: giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai còn lại công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước do mình quản lý; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.
Có 83/456 ý kiến đại biểu, chiếm 18,24% số đại biểu tham gia tán thành với phương án 2. Theo đó, giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức ở cả trung ương và địa phương. Thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, đơn vị phụ trách tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng còn lại.
Ngoài ra, có 7 vị đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành và một số vị có ý kiến khác, trong đó 5 đại biểu đề nghị thành lập cơ quan độc lập thuộc Quốc hội hoặc giao cho Ủy ban Tư pháp thực hiện.
Theo chương trình, sáng 20/11, ngay sát giờ bế mạc, Luật Phòng chống tham nhũng sẽ được Quốc hội bấm nút biểu quyết.