17:00 10/07/2024

Xu hướng không muốn sinh con đã xuất hiện ở một số đô thị

Phúc Minh

Theo Bộ Y tế, hiện nay, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị - nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao. Đây là những thực trạng đáng lo ngại...

Tiêm chủng cho trẻ em. Ảnh: Tuấn Dũng.
Tiêm chủng cho trẻ em. Ảnh: Tuấn Dũng.

Thực tế trên được Bộ Y tế nêu trong báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Dân số đang được Bộ này xây dựng.

CÒN CHÊNH LỆCH MỨC SINH ĐÁNG KỂ GIỮA CÁC VÙNG 

Trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ Y tế cho biết trong năm 2006, nước ta đã đạt mức sinh thay thế và giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,09 con/phụ nữ năm 2006; 2,01 con/phụ nữ năm 2022; năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ.

Cùng với đó, đã duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp hằng năm, bình quân giai đoạn 2017-2020 là 1,07%; năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%. Quy mô dân số đạt hơn 100 triệu người.

Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan toả, thấm sâu trong toàn xã hội. Kết quả công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới...

Tuy nhiên, hiện mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, sự chênh lệch này chưa được thu hẹp rõ rệt.

Bộ Y tế đánh giá, mặc dù nước ta đã đạt mức sinh thay thế, và giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc từ năm 2006, nhưng chưa thật sự vững chắc.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ; năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, giảm thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Đặc biệt, mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, sự chênh lệch này chưa được thu hẹp rõ rệt. Khu vực kinh tế, xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, thậm chí có nơi rất cao. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế, xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế.

“Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị - nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao, trên 2,5 con”, Bộ Y tế cho hay.

Hiện nay có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, và một số tỉnh Duyên hải miền Trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước.

Theo Bộ Y tế, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng. Đặc biệt, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Mức sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Ảnh minh họa: N.Dương.
Mức sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Ảnh minh họa: N.Dương.

Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới, đã thành công trong việc giảm sinh, nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

CÁC CÁ NHÂN ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH SỐ CON SINH RA

Bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ.

Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số là 39,8 triệu người, chiếm 41,4% dân số cả nước, nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục…, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của các địa phương này so với các các địa phương, khu vực khác.

Hơn nữa, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài giải quyết được vấn đề quy mô nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy. Trong đó phải kể đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng; chất lượng dân số bị ảnh hưởng, do những người chưa có điều kiện nuôi dạy con tốt còn sinh nhiều con.

Ngược lại, nếu không khống chế được quy mô dân số sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đầu tư cho đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập bình quân trên đầu người nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Bộ Y tế cho rằng khi tăng tốc độ sinh phải đảm bảo điều kiện nuôi dạy đứa trẻ cho đến khi đủ độ tuổi lao động. Theo các nghiên cứu trên thế giới, dân số tăng 1% thì GDP phải tăng 4% mới đảm bảo mức sống, và các dịch vụ xã hội, vì thời gian từ khi mang thai cho tới khi tham gia thị trường lao động trung bình là 17,5 năm.

Với rất nhiều thực tế được đề cập như trên, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất các chính sách duy trì mức sinh thay thế.

Trong đó, Bộ đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân.

Họ cũng sẽ được tư vấn, cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng, cá nhân có nghĩa vụ bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi, dạy con tốt; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc,văn minh; bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; bảo vệ sức khoẻ và thực hiện các biện pháp phòng, tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS.

Tuy nhiên để thực hiện giải pháp này, Bộ Y tế cho rằng Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động, thực hiện hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho các đối tượng thực hiện chính sách.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp khắc phục trước và sau khi ban hành Luật. Việc này để tránh lợi dụng quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, thực hiện trái với chính sách của Nhà nước về công tác dân số.