15:25 10/11/2023

Mức sinh thấp sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn lao động, dân số già, ảnh hưởng xấu tới an sinh xã hội

Thu Hằng

Hiện Việt Nam đang đối mặt về sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng miền. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy, như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội trong tương lai...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo có chủ đề: "Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp", do Bộ Y tế, Hội Phụ sản Việt Nam và Công ty Merck Healthcare phối hợp tổ chức, sáng 10/11.

CHÊNH LỆCH MỨC SINH ĐÁNG KỂ GIỮA CÁC VÙNG MIỀN

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trên thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế.

Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.

Với Việt Nam, Thứ trưởng cho biết trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Nước ta cũng đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, dù duy trì mức sinh thay thế nhưng hiện nay Việt Nam đang đối mặt về sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố.

Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì có 21, tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số địa phương có mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.

Các tỉnh có mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững cho đất nước.

“Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long – nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh mức sinh thấp kéo dào sẽ để lại nhiều hệ lụy. 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh mức sinh thấp kéo dào sẽ để lại nhiều hệ lụy. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao. Ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng từ 15 – 20% sau mỗi năm, và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đô thị hóa, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng ít con cũng ngày càng lan rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy, như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh, nhưng chưa có quốc gia nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức sinh thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến khích và nguồn lực đầu tư rất lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

NGUY CƠ MỨC SINH THẤP , DÂN SỐ GIÀ SẼ ẢNH HƯỞNG RẤT LỚN TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cũng thừa nhận, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, khi mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, nhất là xu hướng giảm mức sinh ở các tỉnh, thành phố, khu vực phía Nam, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển bền vững của đất nước.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh - N.Dương.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh - N.Dương.

Thông tin rõ hơn về thực trạng mức sinh tại Việt Nam, ThS.BS. Mai Trung Sơn, Chuyên viên Cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số  – Kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, hiện dân số cả nước đã vượt quy mô 100 triệu người. Song mức sinh đang giảm so với giai đoạn trước, cơ cấu dân số trẻ đang bắt đầu chuyển sang già hóa.

Năm 2019, nếu như cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, thì dự báo đến năm 2069 cứ 2 đứa trẻ sẽ có 3 người trên 60 tuổi. “Đây là bức tranh của Việt Nam trong 50 năm tới. Như vậy, chúng ta sẽ phải đối diện với hai câu chuyện tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội, đó là mức sinh thấp và dân số già”, ông Sơn thông tin.

Cũng đề cập đến sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, ông Sơn cho biết, mức sinh thấp chủ yếu nằm ở các tỉnh phía Nam. Qua 4 lần tổng điều tra tại các vùng kinh tế - xã hội cho thấy, hầu hết xu hướng mức sinh đều giảm, thậm chí vùng Đông Nam Bộ còn giảm sâu, tức là năm 1999 vùng này vẫn còn tỷ lệ một phụ nữ sinh 2,9 con thì hiện nay xuống rất thấp, chỉ còn 1,56 con.

Các chuyên gia cho rằng, nếu mức sinh thấp dưới 1,3 con thì hầu như không có khả năng khôi phục về mức sinh thay thế.

Xét mức sinh ở các đối tượng, ông Sơn cho biết, tất cả các nhóm nghèo trung bình, giàu, giàu nhất đều xung quanh mức sinh 2 con, chỉ có nhóm nghèo nhất là vượt hẳn lên 2,4 con.

“Như vậy, các chính sách can thiệp, hỗ trợ cho người nghèo vẫn cần tiếp tục và không để cho những gia đình còn điều kiện kinh tế rất hạn chế, khó khăn nhưng vẫn sinh nhiều con, điều này sẽ tác động không tốt đến sự phát của của mỗi gia đình và toàn xã hội”, ông Sơn lưu ý.

Xét về trình độ học vấn, từ năm 2019 đến nay, ở nhóm có trình độ trung học cơ sở, trung học phổ thông, trên trung học phổ thông đã cải thiện, về ở mức sinh 2 con, song với nhóm trình độ tiểu học vẫn ở mức sinh rất cao. “Nghèo đói, ít học, và đông con vẫn là vấn đề hiện hữu”, ông Sơn lo ngại.

Để giải quyết các vấn đề này, ông Sơn cho rằng, mục tiêu là cần giảm 50% chênh lệch mức sinh thay thế giữa thành thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng; tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng và đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở nơi đã đạt được mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở nơi có mức sinh thấp…