Xu thế dòng tiền: Có nên chốt lời?
Kết quả kinh doanh khi xuất hiện sẽ không còn mới. Một khi thông tin được nhiều người biết đương nhiên sẽ không còn giá trị nhiều dưới phương diện giao dịch ngắn hạn
Kết quả kinh doanh quý 3 đang là lực đẩy chính cho thị trường ở thời điểm hiện tại nhưng đa số chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên duy trì mức tiền cổ ở ngưỡng an toàn khi thị trường có thể điều chỉnh ngắn hạn.
Kết quả kinh doanh cũng đang tạo sự phân hóa đối với cổ phiếu và nhiều trường hợp thị trường phản ứng ngược sau khi thông tin chính thức được công bố. Các chuyên gia đều cho rằng đó là hiện tượng thường thấy trong ngắn hạn, còn kết quả kinh doanh tốt xuất phát từ nền tảng doanh nghiệp vẫn sẽ là bệ đỡ cho cổ phiếu tiến lên cao hơn.
Tuy nhiên trong ngắn hạn thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh là bình thường. Các cổ phiếu của doanh nghiệp có lợi nhuận bất thường kém bề vững sẽ chịu ảnh hưởng mạnh hoặc các cổ phiếu tăng giá nhanh cũng sẽ giảm trong ngắn hạn do dòng tiền luân chuyển sang các mã chưa tăng. Nhà đầu tư nên sử dụng kết quả kinh doanh để đánh giá trong dài hạn và lựa chọn cổ phiếu hợp lý.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần qua thị trường chứng kiến nhiều giao dịch đột biến về thanh khoản lẫn giá như tại TCB, CTG hay MSN, thậm chí mức tăng không khác gì các cổ phiếu đầu cơ. Đây là những biến động ngắn hạn hay có yếu tố cơ bản có thể giải thích được?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Giao dịch đột biến ở CTG, TCB và MSN là điểm nhấn trong biến động của thị trường thời gian qua. Diễn biến ở CTG là có thể lý giải được khi ngân hàng này được hưởng lợi lớn nhất từ việc Chính phủ ban hành nghị định 121/2020, tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng tăng vốn điều lệ. Với việc bộ đệm vốn của CTG đang rất mỏng, đồng thời cũng là yếu tố chính khiến định giá CTG thấp hơn đáng kể so với cổ phiếu 2 ngân hàng quốc doanh còn lại là VCB và BID. Việc Chính phủ mở ra cánh cửa tăng vốn cho ngân hàng này là yếu tố quan trọng khiến thị trường định giá lại giá trị cổ phiếu CTG.
Trong khi đó, đối với trường hợp của MSN và TCB, mặc dù xuất hiện nhiều thông tin đồn đoán về động lực tăng giá của 2 cổ phiếu này trong tuần qua, tuy nhiên đều chưa được kiểm chứng và xác thực. Với vị thế là doanh nghiệp vốn hóa lớn với cơ cấu cổ đông đa dạng, nằm trong danh mục đầu tư của nhiều quỹ đầu tư lớn, tôi không cho rằng biến động tăng mạnh vừa qua ở 2 cổ phiếu này là ngẫu nhiên và mang tính ngắn hạn. Dù vậy, khi không nắm được bản chất đà tăng, khác với trường hợp ở CTG, việc mua đuổi giá cao ở bộ đôi cổ phiếu này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Đối với cổ phiếu CTG, theo tôi kỳ vọng vào lộ trình tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh chính là động lực tăng giá của cổ phiếu này. Nghị định 121/2020 là cơ sở pháp lý để các ngân hàng được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao hệ số an toàn vốn.
Với TCB, chất xúc tác giúp cổ phiếu này gây chú ý là sau thông tin Techcombank phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động (chương trình ESOP). Sau khi phát hành cổ phiếu ESOP, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng thêm 48 tỷ lên 35.049 tỷ đồng. Đáng chú ý, lần gần nhất ngân hàng này phát hành ESOP (8/2019) từ thời điểm công bố đến khi hoàn thành cổ phiếu này cũng tăng giá.
Gây sốc nhất cho nhà đầu tư trong thời gian vừa qua có lẽ là cổ phiếu MSN, trong 12 phiên giao dịch đầu tháng 10 tăng tổng cộng 46,52% bất chấp khối ngoại bán ròng 623 tỷ đồng. Giá cổ phiếu MSN quay về ngang thời điểm trước khi nhận sáp nhập VinCommerce - đơn vị sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+ vào ngày 3/12/2019. Cổ phiếu MSN tăng giá đi kèm với các tin đồn liên quan tới kế hoạch bán cổ phần tại Masan Hightech Materials (MSR) và VCM (đơn vị sở hữu cuối VinMart và VinMart+) nhưng sau đó đã bị phủ nhận.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPB
Kết quả kinh doanh quý III đang cho thấy nhiều doanh nghiệp nhóm ngành, lĩnh vực hóa chất, thép, công nghệ đang hoạt động hiệu quả hơn nhiều nhóm bất động sản, xây dựng và vât liệu, dầu khí. Hoạt động ngân hàng, dịch vụ tài chính cũng đã có tín hiệu khởi sắc tăng trưởng 6,6% so với quý II. Các ngân hàng năm nay vẫn được kỳ vọng là nhóm có sự phục hồi tốt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam.
Tôi cho rằng việc TCB, CTG hay MSN tăng mạnh đột biến kèm theo thanh khoản gia tăng cũng là điều dễ hiểu khi phản ánh phần nào về sự chuyển biến liên quan đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, câu chuyện tăng vốn, mua cổ phiếu quỹ cũng như hoạt động bán tài sản được dư luận thêu dệt khiến cổ phiếu "ăn khách" hơn, nhất là trong bối cảnh đồng loạt các cổ phiếu ngân hàng khác cũng đầu loạt tăng điểm.
Có thể nói cả 2 yếu tố cơ bản cũng như yếu tố đầu cơ đã khiến các cổ phiếu TCB, CTG, MSN tăng mạnh trong tuần giao dịch vừa qua.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi cho rằng mức tăng này chủ yếu là do yếu tố đầu cơ ngắn hạn dựa trên các thông tin như tăng vốn, nới room cho khối ngoại...
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Kết quả kinh doanh quý 3 đang xuất hiện ngày càng nhiều và một số cổ phiếu phản ứng giá tăng rất mạnh nhưng cũng không duy trì lâu. Liệu thị trường có đang đối diện với nguy cơ "tin ra là bán" hay không? Theo anh chị liệu lúc này có nên tiếp tục mua vào dựa trên kết quả kinh doanh?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPB
Một khi thông tin được nhiều người biết đương nhiên sẽ không còn giá trị nhiều dưới phương diện giao dịch ngắn hạn. Tuy nhiên, câu chuyện tăng điểm của các cổ phiếu còn nhìn nhận ở góc nhìn dài hơi hơn trong phạm vị quý IV, cả năm 2020 cũng như đầu năm 2021.
Một khi doanh nghiệp có tình hình kinh doanh tươi sáng thì giá cổ phiếu cũng sẽ vẫn phải lên điểm cao mới. Ngược lại, nếu chỉ là kết quả đột biến nhất thời và không có nhiều kỳ vọng thông tin cơ bản tích cực khác thì việc tăng giá của cổ phiếu chỉ là tạm thời. Do vậy chúng ta vẫn nên xem doanh nghiệp đó nằm ở nhóm ngành nghề gì, nhóm cổ phiếu chu kỳ hay nhóm tăng trưởng, triển vọng tăng trưởng tiếp theo như thế nào để trước khi đưa ra các quyết định giải ngân.
Tôi cho rằng nhóm hóa chất, cổ phiếu thép một số ngân hàng, cổ phiếu công nghệ viễn thông vẫn sẽ là tâm điểm của thị trường giai đoạn cuối năm.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Theo tôi tiếp tục mua trong thời điểm thị trường đang có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn là khá rủi ro, đặc biệt là những cổ phiếu đã tăng nóng từ vùng giá tích lũy của mình.
Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index đang có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn sau khi bứt phá ra khỏi vùng kháng cự 918 – 933 điểm nên có lẽ sẽ sớm chịu áp lực điều chỉnh và quay về kiểm tra vùng hỗ trợ 918 – 933 điểm mới được hình thành.
Tuy vậy, dòng tiền trong thời gian tới có thể sẽ chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là những cổ phiếu chưa tăng hoặc vừa mới kết thúc quá trình điều chỉnh – tích lũy của mình mà có kỳ vọng kết quả kinh doanh Quý 3 khả quan.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Kết quả kinh doanh quý 3 sẽ kiểm chứng rõ hơn khả năng phục hồi của các doanh nghiệp hậu Covid-19, vì vậy mang ý nghĩa dài hạn về triển vọng doanh nghiệp hơn chỉ thuần túy phản ánh tình hình kinh doanh trong quý vừa qua.
Phản ứng ngược có thể xuất hiện ở 1 số cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên về tổng thể tôi đánh giá đây chỉ là các phản ứng mang tính ngắn hạn và khó cản trở đà tăng của các cổ phiếu của doanh nghiệp có triển vọng phục hồi trong hoạt động sản xuất kinh doanh 1 cách rõ nét trong quý 4, cũng như năm 2021.
Dù vậy, đối với nhóm cổ phiếu ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc do ghi nhận lợi nhuận đột biến hay nhờ các yếu tố mang tính thời điểm, áp lực bán có thể mạnh và kéo dài.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Nếu nhìn vào thanh khoản thị trường kể từ giữa tháng 8 cho tới nay, trong khi chỉ số Vnindex tăng hơn 100 điểm (+12%) thì thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HSX cũng tăng từ mức 3.700 tỷ đồng lên 7.400 tỷ đồng (+100%) thì nguy cơ này không bị loại trừ.
Bên cạnh đó, kỳ vọng vào kết quả kinh doanh Q3/2020 khả quan hơn ở một số nhóm cổ phiếu (Ngân hàng, chứng khoán, vật liệu xây dựng, cảng biển, phân bón,…) đã dần được phản ảnh và dẫn dắt giá cổ phiếu tăng mạnh mẽ hơn so với thị trường chung trong những tuần vừa qua. Nhiều nhóm ngành như Chứng khoán, Xây dựng & VLXD, thực phẩm, dược phẩm, hóa chất,…. hiện đang có mức giá cao nhất kể từ đầu năm tới nay, tương ứng với thời điểm VN-Index đạt 991,46 điểm.
Do đó đó, nhà đầu tư nên hiện thực hóa lợi nhuận trong các phiên tăng điểm và kiên nhẫn chờ đợi các nhịp điều chỉnh để giải ngân vào những cổ phiếu có những chuyển biến tích cực hơn trong hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Về xu hướng, tôi cho rằng thị trường Việt Nam vẫn đang tích cực nhờ: i) Việt Nam chống dịch quá tốt so với các nước khác, kể cả nước phát triển đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư; ii) Kinh tế phục hồi dần về cuối năm và dự kiến tăng trưởng cao hơn trong 2021; iii) Mặt bằng lãi suất thấp, thanh khoản dồi dào hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng; vi) Nhiều doanh nghiệp đã vượt lên trên khó khăn của Covid-19 và tăng trưởng tốt, tạo ra những cơ hội đầu tư dài hạn; vii) Chỉ số VN-Index đã vượt kênh giảm từ 2018, tạo động lực tăng trưởng tốt trong ngắn và trung hạn.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cực lớn liên tục mặc dù Việt Nam kiềm chế tốt dịch bệnh, triển vọng tăng trưởng rất khả quan theo đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín. Nếu như đợt bán lớn trong nửa đầu năm có thể lý giải được thì từ tháng 8 đến nay thị trường chuyển biến tốt nhưng dòng vốn rút ra còn lớn hơn nếu loại trừ vài giao dịch lớn ở VHM. Có thể hiểu hành động rút vốn này như thế nào?
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
The tôi có thể dòng vốn ngoại lo sợ về sự bùng phát lần nữa của dịch bệnh chung trong khu vực cũng như trên thế giới do vẫn chưa thể đánh giá được hết mức độ nghiêm trọng của sự kiện này và quan trọng hơn vẫn chưa có biện pháp để kiểm soát tình hình một cách triệt để.
Mặc dù Việt Nam nhìn chung đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng ảnh hưởng tâm lý tới thị trường chứng khoán là không thể lường trước được trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa có kết quả và do đó, chưa thể đánh giá được tác động tới thị trường chứng khoán Mỹ nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Động thái rút vốn của khối ngoại từ tháng 8 đến nay, và nhìn xa hơn là từ đầu năm, đến từ 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên là áp lực bán từ các quỹ đầu tư thụ động, vốn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố rủi ro toàn cầu. Cụ thể hơn, với việc các yếu tố rủi ro toàn cầu gia tăng trong năm nay như Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bầu cử Mỹ… dòng vốn bị động có xu hướng rút lui khỏi các tài sản rủi ro (bao gồm chứng khoán các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam), và chuyển dịch đến các tài sản mang tính an toàn hơn tương đối (vàng, USD, Yên Nhật, chứng khoán các thị trường phát triển).
Ngoài ra, việc thị trường Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây cũng là yếu tố thúc đẩy các quỹ đầu tư chủ động chốt lời ở các cổ phiếu tăng giá mạnh để hiện thực hóa lợi nhuận.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Hành động rút ròng của khối ngoại không riêng ở thị trường Việt Nam mà đó là tình trạng chung của các thị trường Đông Nam Á. Chỉ số MSCI Asean hiện vẫn giảm 22,5% so với thời điểm đầu năm (tức chưa thoát khỏi thị trường giá xuống) ngay cả khi chỉ số chứng khoán châu Á Thái Bình Dương và thế giới đã lấy lại được những gì đã mất từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, xu hướng hồi phục của chứng khoán toàn cầu được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ thì tỷ trọng của nhóm cổ phiếu này chỉ chiếm 11% trong thang đo MSCI của khu vực so với tỷ trọng 1/3 trong chỉ số S&P500 và khoảng 1/4 trong chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương.
Với thị trường Việt nam và thị trường các nước Asean, các cổ phiếu ở lĩnh vực tài chính và bất động sản lại chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số chứng khoán. Mặc dù khối ngoại rút ròng đối với các cổ phiếu nhưng lại vào ròng đối với nhóm ETF nội (tức chuyển dần hình thức đầu tư chủ động sang thụ động), mặc dù lượng vào ròng đối với các chứng chỉ ETF nhỏ hơn so với lượng bán ròng ở cổ phiếu nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực lúc này.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPB
Khối ngoại bán liên tục từ tháng 2 là điều rất đáng lo ngại nhưng dòng tiền nội lại tăng trưởng rất mạnh trong 2 quý trở lại đây đang khiến giao dịch sôi động hơn. Ngoài ra, Báo cáo quý III của Morgan Stanley, Fitch hay kể cả IMF, WB đều đánh giá Việt Nam tăng trưởng dương 2 – 2,5% trong năm 2020 và có thể đặt tăng trưởng 6,7% hoặc vượt 7% trong năm 2021. Chính sách tiền tệ chưa từng có trong tiền lệ của các ngân hàng trung ương với những chương trình tài khóa "bom tấn" bao gồm cả việc mua vào các tài sản, giấy tờ có giá, trái phiếu…
Rõ ràng dưới quan điểm của các quỹ đầu tư nước ngoài – các nhóm thị trường chứng khoán phát triển cũng có những hấp dẫn riêng, mức độ sinh lời cũng tương đối tốt nếu so sánh giữa các nhóm thị trường đang phát triển hay mới nổi. Dòng vốn rút ra từ các thị trường mới nổi là điều thực tế. Covid-19 là nguyên nhân chính khiến dòng tiền nước ngoài chảy ra khỏi các thị trường mới nổi để tìm đến kênh đầu tư trú ẩn an toàn hơn.
Hoạt động bán ròng của khối ngoại có thể giải thích phần nào bên cạnh câu chuyện Covid 19 ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ các nước, tỷ giá và hệ quả là thay đổi dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp, gián tiếp, các hoạt động M&A và các hoạt động giao dịch trên thị trường.
Ngoài ra kỳ vọng của việc đón đầu làn sóng nâng hạng của thị trường Việt Nam trở nên xa vời hơn khi sẽ cần thêm thời gian để đáp ứng được các tiêu chí định tính liên quan đến việc nâng hạng và tất nhiên chúng ta cũng phải tính đến việc thời gian giải ngân, nắm giữ cổ phiếu của quỹ nước ngoài, mức độ cam kết của các nhà đầu tư ngoại cũng mang tính thời điểm.
Ví dụ một số quỹ nắm giữ cổ phiếu từ 2018 đến nay thì mức giá mua thời điểm đó cao hơn rất nhiều so với mức giá hiện tại. Hiệu suất đầu tư kém trong 1 số năm đáng thất vọng cũng sẽ khiến các cá nhân và đầu tư nước ngoài thay đổi chiến lược, điều chỉnh tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường đã tăng trưởng mạnh liên tục trong 2,5 tháng và bắt đầu có những lo ngại thị trường đạt đỉnh mặc dù dòng tiền trong thị trường rất lớn. Quan điểm của anh chị thế nào? Nhà đầu tư nên hành động gì lúc này?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở khi thị trường đã có thời gian tăng liên tục trong 2,5 tháng và thanh khoản cũng đang ở mức rất cao. Thời điểm thị trường ở ngưỡng 1.000 điểm hoặc tiệm cận ngưỡng này trong năm 2019, thanh khoản bình quân trên sàn HSX khoảng 4.000 tỷ đồng, trong 3 tuần vừa qua mức thanh khoản bình quân đạt 7.000 tỷ đồng. Tuy vậy, so với mức đỉnh gần nhất hồi tháng 6 vừa qua, thị trường hiện đang có sự khác biệt và thuận lợi hơn:
i) Chuỗi tăng của thị trường dài hơn (10/11 tuần tăng so với 8/11); ii) Chỉ số tăng kèm theo thanh khoản tăng và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh thanh khoản; iii) Đà tăng đang được nhóm cổ phiếu bluechips dẫn dắt do vậy dù khối lượng thời điểm này thấp hơn so với thời điểm đỉnh tháng 6 nhưng giá trị giao dịch bình quân cao hơn; và iv) Thị trường thế giới vừa có nhịp điều chỉnh 10% và đang tăng trở lại, ít biến động, dù chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Do vậy, thị trường hiện tại vẫn có động lực đi lên nhưng cũng có vài điểm cần lưu ý là độ rộng thị trường đang kém đi trong 8 phiên vừa qua, tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" có thể còn tiếp diễn khi dòng tiền co cụm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, các cổ phiếu tăng nóng hoặc đi vào vùng quá mua hiện đang trong nhịp điều chỉnh.
Do vậy, với quan điểm thận trọng khi dòng tiền hiện đang mang tính đầu cơ cao, các cổ phiếu tăng nóng hoặc được xoay vòng có thể đã phản ánh thông tin từ kết quả kinh doanh sắp được công bố, thị trường nhiều khả năng sẽ đi vào phân hóa. Do đó nhà đầu tư có thể chốt lời dần và chuyển dịch sang các nhóm cổ phiếu mới bắt đầu tăng giá hoặc đã tích lũy đủ chặt chờ tín hiệu lạc quan từ kết quả kinh doanh quý 3.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang được hỗ trợ bởi 2 yếu tố chính. Đầu tiên là kỳ vọng vào nền kinh tế phục hồi mạnh trong năm 2021, tương đồng với dự báo của hầu hết các tổ chức tài chính lớn trên thế giới khi mà chúng ta đã kiếm soát tốt dịch Covid-19, với các động lực chính là sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, hoạt động xuất khẩu khởi sắc, thu hút vốn đầu tư FDI cùng việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ.
Ngoài ra, dòng tiền trong nước chảy vào thị trường cũng đang được hỗ trợ mạnh bởi mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm, trong khi các kênh cạnh tranh dòng tiền trực tiếp cũng đang mất đi sức hút như vàng (biến động bất thường ở vùng giá cao), bất động sản (thanh khoản suy yếu do tác động Covid-19), và trái phiếu doanh nghiệp (nghị định 81 với nhiều quy định siết lại kênh trái phiếu).
Tôi cho rằng đây vẫn là 2 yếu tố hỗ trợ mạnh cho đà hồi phục của thị trường trong quý IV, trong bối cảnh định giá theo P/E - ngay cả sau nhịp hồi phục mạnh vừa qua - vẫn chưa ở vùng cao và nguy hiểm (nếu so với quá khứ cũng như các thị trường trong khu vực).
Dĩ nhiên biến động của thị trường sẽ không đi theo 1 đường thẳng, càng lên cao, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn càng hiện rõ trong bối cảnh môi trường đầu tư toàn cầu nhiều biến động. Tuy nhiên xét đến các yếu tố cơ bản nội tại, tôi đánh giá thị trường Việt Nam trong dài hạn vẫn còn dư địa tăng giá. Qua đó nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng ở các nhịp điều chỉnh.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Đúng là thị trường đã tăng trưởng liên tục từ 780 từ cuối tháng 7 lên đến thời điểm hiện tại là gần ngưỡng 945 điểm, tương đương với mức tăng khoảng 21% trong vòng 3 tháng. Tuy chỉ số VN-Index ghi nhận tăng điểm tốt nhưng khảo sát nhiều nhà đầu tư thì tài khoản của họ vẫn âm hoặc không ghi nhận cải thiện nào nếu không mua vào và nắm giữ những cổ phiếu trụ có vai trò kéo chỉ số VN-Index.
Thật ra đây cũng ko phải là hiện tượng gì quá xa lạ khi chỉ có những cổ phiếu trụ vốn hóa lớn hoặc cổ phiếu có "game" là thu hút dòng tiền tốt còn những cổ phiếu khác thì không, dù có kết quả kinh doanh tốt, cải thiện so với cùng kỳ đi nữa. Nói cách khác, thị trường Việt Nam vẫn có tính chất đầu cơ rất cao.
Do đó, tôi nghĩ nhà đầu tư nên có chính sách quản trị danh mục hợp lý, duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt ở ngưỡng an toàn trong bối cảnh chỉ số VN-Index có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn và có thể sớm quay trở về kiểm tra vùng hỗ trợ 918 – 933 điểm.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPB
Quan điểm đầu tư xuyên suốt đó không phải thị trường ở mức cao "có vẻ" rủi ro hoặc chúng ta có cảm giác thị trường tăng điểm quá nóng. Câu chuyện quan trọng nhất là các cổ phiếu riêng lẻ mà chúng ta quan tâm đang bị định giá như thế nào, danh mục cổ phiếu chúng ta quản lý với tỷ trọng tiền/cổ phiếu ra sao.
Nhìn vào triển vọng kinh tế Việt Nam với mặt bằng giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp như dầu khí, ngân hàng, xây dựng và vât liệu thì đây vẫn là cơ hội để mua vào cổ phiếu. Tuy nhiên dưới quan điểm ngắn hạn đặc biệt với hoạt động đầu cơ cổ phiếu thì thời điểm ra vào cổ phiếu lại khá quan trọng. Nhà đầu tư giai đoạn này nên cơ cấu lại danh mục – bán ra những cổ phiếu đã tăng nhanh hoặc các cổ phiếu yếu để đợi thời điểm tích lũy các cổ phiếu mạnh hứa hẹn tăng giá trong quý IV/2020.