11:00 15/07/2011

Xuất khẩu lao động: Khi thực tế không như doanh nghiệp “vẽ”

Vũ Quỳnh

Nhiều lao động tại Ả rập Xê út cho biết, để kiếm được 8 đến 9 triệu đồng/tháng, họ phải làm việc 13, 14 tiếng/ngày

Hai trong số 7 lao động vừa trở về từ miền đất "hứa" - Ảnh: V.H.
Hai trong số 7 lao động vừa trở về từ miền đất "hứa" - Ảnh: V.H.
Với mong muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn, nhiều lao động Việt ở những vùng quê nghèo quyết tâm tìm đường đi xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, viễn cảnh xứ người đã không như những gì doanh nghiệp vẽ ra, khiến không ít lao động rơi vào cảnh về không được, mà ở cũng không xong.

Không thể chịu đựng thêm

Xuất cảnh từ 29/3, sau 3 tháng làm việc, không thể tiếp tục chịu đựng thêm nữa khi phải làm việc 13 tiếng/ngày dưới cái nắng lên đến 45 độ C, có 7 trong số 25 lao động Việt Nam được Công ty Cổ phần phát triển quốc tế Việt Thắng đưa sang Ả rập Xê út lái rơ-moóc đã phải xin về trước hạn.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây, người lao động về nước không phải vì không chịu được khổ mà chính là vì công việc ở xứ người không như những gì doanh nghiệp “vẽ” ra trước khi lao động xuất cảnh.

Vừa về từ Ả rập Xê út, anh Nguyễn Quang Sang ở Phù Cát, Bình Định, kể: “Trước khi sang, chúng tôi được cán bộ của công ty tư vấn rằng, công việc hàng ngày của chúng tôi là vận chuyển hàng hóa từ nhà máy đến cửa hàng, với khoảng cách 20 km. Mỗi ngày chạy 3 chuyến thì được hưởng mức lương cơ bản 900 SAR/tháng (khoảng 5 triệu VND - PV).Từ chuyến thứ 4 trở đi, sẽ có thưởng.

Theo miêu tả của đại diện công ty thì công việc của chúng tôi khá đơn giản và không quá khó khăn để đạt được mức tiền thưởng cao hơn phần tiền lương cơ bản từ phía chủ sử dụng”.

Thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại. Để được hưởng mức lương là 900 SAR, lao động phải chạy 6 chuyến/ngày với cung đường 42km. Từ chuyến thứ 7 trở đi mới được thưởng. Trong khi đó, để chạy đủ 6 chuyến, lao động phải dậy chạy xe từ 4, 5 giờ sáng và kết thúc lúc 8 giờ tối, còn đâu thời gian để làm thêm.

Trong khi đó, không làm thêm thì không đủ tiền để nuôi chính bản thân mình, chứ chưa nói đến việc có thể gửi được tiền về nhà trả được khoản nợ vay chi phí trước lúc đi, anh Sang nói.

Chung cảnh ngộ, anh Trương Tiến Hùng, quê ở Trảng Bom, Đồng Nai cho biết: "Công ty nói phương tiện 100% là xe mới, tân tiến và hiện đại. Khi chúng tôi sang đến nơi nhận xe, hầu hết đều là xe cũ nát. Xe không có điều hòa mà anh em phải chạy dưới cái nắng lên đến hơn 45 độ C, với cường độ 13 tiếng/ngày thì không biết chúng tôi sẽ  trụ được trong bao lâu?

Đấy là chưa kể đến môi trường sống, nơi ăn ở rất tồi tàn. Với 900 SAR/tháng, người lao động không thể trang trải được cuộc sống đắt đỏ. Ở đó, chỉ có một thứ duy nhất không phải mua, đó là nước tắm".

Các lao động chỉ muốn về nước nhưng chủ sử dụng không đồng ý, lao động không có tiền và cũng chẳng biết tiếng. Họ không thể  trao đổi, trình bày hay thương thảo bất cứ vấn đề gì với chủ sử dụng, trong khi công ty Việt Thắng lại không có cán bộ đại diện tại thị trường này.

“Cùng đường, đã có lúc chúng tôi nghĩ đến việc nấu rượu lậu để bị bắt, hy vọng sẽ được trục xuất”, anh Hùng chia sẻ.

Ngoài những bức xúc kể trên, các lao động còn cho rằng, Công ty Việt Thắng đã thu tiền trái với quy định. Trong hợp đồng ghi rõ  tổng các khoản chi là 30,7 triệu đồng, thế nhưng số tiền các lao động phải đóng cho công ty là 46,5 triệu đồng. Trước khi xuất cảnh một ngày, nhân viên của công ty đã thu lại toàn bộ các phiếu thu tiền của anh em lao động với lý do để làm hóa đơn, nhưng sau đó không mang hóa đơn trả lại cho lao động.

Doanh nghiệp nói gì?

Trong văn bản phản hồi thư của 25 lao động gửi về từ Ả rập Xê út, đại diện ban pháp chế của doanh nghiệp cho rằng “lao động ký hợp đồng đều trên tinh thần tự nguyện, cán bộ công ty khi tư vấn cho anh em cũng chỉ mang tính chất minh họa, lấy ví dụ để anh em dễ hình dung”.

Chuyện “tư vấn chỉ mang tính chất minh họa” này cũng được lãnh đạo một địa phương hết sức bức xúc. Theo vị này thì doanh nghiệp về tư vấn, tạo nguồn ở địa phương thường tô vẽ ra một đơn hàng và thị trường với màu hồng lấp lánh để hấp dẫn người lao động. Doanh nghiệp không bao giờ  nói thật về những khó khăn, cực nhọc ở xứ người. Họ cố tình cho lao động ăn “bánh vẽ” để nhằm một mục đích duy nhất là đưa được lao động đi và thu lợi nhuận.

Trao đổi với VnEconomy xung quanh những phản ánh nói trên của lao động, ông Nguyễn Trung Trực, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển quốc tế Việt Thắng  thừa nhận với nhiều đơn hàng, doanh nghiệp không thể làm việc trực tiếp với chủ sử dụng lao động mà thường thông qua môi giới nước sở tại. Đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp làm xuất khẩu lao động.

Thế nhưng, ông Trực lại đưa ra nhiều lý do để đổ lỗi cho người lao động.

Theo giám đốc doanh nghiệp này, 25 lao động đi làm lái xe cho công ty Al-Ghadeer Co  của Ả rập Xê út nằm trong đơn hàng với nhu cầu cần đến 300 lao động của doanh nghiệp này. Chỉ vì ý thức của lao động Việt Nam kém mà phía đối tác đã ngừng đặt hàng lao động Việt và đã thay bằng lao động Philippines.

“Chỉ có những lao động chịu khó, chịu khổ không tốt mới đòi về nước, số lao động còn lại đang làm việc rất tốt với mức thu nhập cao, lên đến 2.500 SAR (tương đương khoảng 14,15 triệu đồng)” ông Trực khẳng định.

Tuy nhiên, khi phóng viên gọi điện sang Ả rập Xê út, nhiều lao động đang làm việc tại đây cho biết, để kiếm được 8 đến 9 triệu đồng/tháng, họ phải làm việc 13, 14 tiếng/ngày và không phải lao động nào cũng cầm cự được.

Anh Phan Quang Thắng  ở Ba Vì, Hà Nội, một trong số 25 lao động trong đơn hàng nói trên cho biết, anh đang phải giao hàng trên cung đường 2.100 km chỉ trong 3 ngày.

Theo anh Thắng, những lao động đã về nước do họ có gia đình gửi tiền sang để mua vé máy bay. Những người không có tiền phải chấp nhận tiếp tục làm với  nguyện vọng duy nhất là kiếm đủ tiền mua vé trở về chứ chưa quan tâm đến khoản nợ gần 50 triệu chi phí để được sang đây làm việc sẽ phải trả ra sao.