Xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam đạt trên 300 triệu USD/năm, còn nhiều dư địa tăng trưởng
Để làm được nông nghiệp hữu cơ thực chất, điều quan trọng là doanh nghiệp và nông sân phải đảm bảo uy tín, thực hiện đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã khi tới tay nhà phân phối và người tiêu dùng. Mặt khác, do tốn quá nhiều công sức, tiền của để đầu tư, nên sản phẩm hữu cơ phải có “giá bán hữu cơ”…
Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào chiều 28/9 là một trong các hoạt động nhằm đánh giá 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ.
NÔNG SẢN HỮU CƠ VIỆT NAM CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG EU
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triên thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết sau 3 năm thực hiện Đề án Nông nghiệp hữu cơ, tính đến nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174 ngàn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 ngàn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12 ngàn ha.
"Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17 ngàn nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ…"
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ thế giới, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp nhận định, người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19. Thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022.
“Hiện nay, nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được nhiều nhất là thị trường châu Âu. Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ euro. Đức là thị trường lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai thế giới với 11,97 tỷ euro doanh thu bán lẻ. Thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,0%/năm”, ông Tiến nói.
Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - Giám đốc Điều hành Ecolink, chia sẻ: “Năm 2008, khi sang châu Âu, chúng tôi nhận thấy chè Việt Nam không có tiếng tốt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì, thế chúng tôi đặt hàng nông dân trồng chè hữu cơ tại Việt Nam để xuất khẩu chè hữu cơ sang EU. Kinh nghiệm của chúng tôi là chè ở vùng sâu vùng xa thì đạt chất lượng tốt. Ví dụ như chè Shan tuyết ở Hà Giang dễ thành công hơn chè ở Thái Nguyên”.
Theo ông Đức, từ 2018 đến 2022, có 164 doanh nghiệp Việt Nam với 200 sản phẩm đang có chứng nhận sản phẩm hữu cơ từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
TS.Nguyễn Văn Kiền, Giảng viên Đại học Quốc gia Úc, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics thông tin, doanh số bán lẻ nông sản hữu cơ tại Úc đã tăng lên hơn 2,5 tỷ đô la Úc (AUD). Thị trường về hữu cơ của Úc tăng trên 5% mỗi năm và đặc biệt có những năm tăng trên 10%. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm hữu cơ vào Úc đang khá khiêm tốn.
Nói về cơ hội cho nông sản hữu cơ chế biến vào thị trường Úc, TS.Kiền chia sẻ, gạo là mặt hàng có cơ hội tốt nhất nhờ nhu cầu gạo hữu cơ vượt xa nguồn cung. “Các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến hưởng lợi thế quy định thuận lợi, trong khi các mặt hàng như hạt điều, macca vào thị trường này cần được xử lý cacbon dioxide. Các mặt hàng cá, tôm, các loại thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế... nếu đạt chứng nhận hữu cơ sẽ có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này”, ông Kiền nhận định.
Theo TS.Kiền, thông qua mạng lưới đào tạo do Công ty TNHH Mekong Organics tổ chức trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy chứng nhận và thương mại nông sản phẩm hữu cơ Úc-Việt”, cho thấy khá nhiều doanh Nghiệp vừa và nhỏ đã thực hiện chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn Quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ CÒN NHIỀU NHIỀU GIAN NAN
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, nhận định: Đại dịch Covid-19 chính là đòn bẩy để những người tiêu dùng như chúng ta chú ý hơn tới sản phẩm tốt cho sức khỏe và cũng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, chúng ta có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe, tăng sức mua các sản phẩm tốt cho sức khỏe như sản phẩm hữu cơ".
Với sự thay đổi của hành vi người tiêu dùng thế giới, Ông Pau Le cho rằng người nông dân Việt Nam cần tập trung sản xuất tốt, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với nhu cầu của người dân trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, giá cả của sản phẩm organic sẽ giảm xuống, phù hợp với khả năng của số đông người tiêu dùng.
"Sản phẩm hữu cơ phải có “giá hữu cơ”, bởi tốn quá nhiều công sức, tiền của để đầu tư, duy trì. Vì vậy, người tiêu dùng nên chấp nhận mua nông sản hữu cơ với giá cao hơn so với giá nông sản VietGAP và nông sản thông thường".
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ (PGS) của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thuỷ sản Nam Miền Trung cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp rất nhiều thách thức về giá vật tư, nhân công, lợi nhuận, sản lượng,… Đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong sản xuất giữa các khâu.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền xây dựng quy chuẩn cho nông sản hữu cơ, từ đó kiểm soát quy chuẩn. Có như vậy, người nông dân, doanh nghiệp sẽ không thể làm lộn xộn hay thiếu đồng bộ”, ông Hoàng Anh kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay nổi lên 4 vấn đề: Thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất; sức khỏe người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này thì nông nghiệp hữu cơ mới có thể coi là thực sự thành công.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết qua khảo sát cho thấy, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.
Theo bà Hạnh, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa “hữu cơ”. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.