08:22 13/12/2011

10 điểm vượt trội của xuất khẩu 2011

Dương Ngọc

Năm 2011, xuất khẩu đã đạt được 10 điểm vượt trội và trở thành lĩnh vực sáng nhất so với các lĩnh vực khác

Giày dép vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong năm 2011 - Ảnh: Việt Tuấn.
Giày dép vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong năm 2011 - Ảnh: Việt Tuấn.
Năm 2011, xuất khẩu đã đạt được 10 điểm vượt trội và trở thành lĩnh vực sáng nhất so với các lĩnh vực khác.

Thứ nhất, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với mức kỷ lục đã đạt được trong năm 2010, vượt xa so với mức kế hoạch đề ra (80 tỷ USD). Mức tăng tuyệt đối của năm nay so với năm trước lên đến gần 24 tỷ USD, cũng là mức tăng lớn nhất từ trước tới nay.

Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người ước cả năm sẽ vượt qua mốc 1.083 USD, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 831 USD đã đạt được vào năm 2010.

Thứ ba, tỷ lệ xuất khẩu/GDP vượt qua mốc 80%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ kỷ lục đã đạt được vào năm trước (70,9%).

Thứ tư, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 33%. Tốc độ tăng này có ý nghĩa quan trọng xét về 4 mặt: cao nhất tính từ năm 1997 đến nay; cao nhất so với tốc độ tăng của các ngành, lĩnh vực khác; cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra (10%); hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu/ tốc độ tăng GDP lên đến 5,5 lần- cao nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, quy mô và tăng trưởng xuất khẩu cao đạt được ở cả hai khu vực là khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn FDI, trong đó khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô) đạt quy mô cao hơn và tăng với tốc độ cao hơn.

Thứ sáu, tăng trưởng của xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu. Có một số mặt hàng có kim ngạch tăng với tốc độ cao hơn tốc độ chung, như hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn, sắt thép, xăng dầu, phương tiện vận tải và phụ tùng, cà phê, dầu thô, sản xuất hóa chất, cao su,... Trong đó có 21 mặt hàng tăng trên 100 triệu USD, có 18 mặt hàng tăng trên 200 triệu USD, có 16 mặt hàng tăng trên 300 triệu USD, có 14 mặt hàng tăng trên 400 triệu USD, có 11 mặt hàng tăng trên 500 triệu USD.

Thứ bảy, “câu lạc bộ” những mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên đã có 20 thành viên, tăng 4 thành viên so với năm trước; trong đó có 12 thành viên đạt trên 2 tỷ USD, có 8 thành viên đạt trên 3 tỷ USD (đứng đầu là dệt may, tiếp đến là dầu thô, giày dép, thủy sản, điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo).

Theo Tổng cục Hải quan, ngoài các mặt hàng trên còn có 2 mặt hàng khác nằm trong “Câu lạc bộ” 1 tỷ USD trở lên là điện thoại các loại và linh kiện, xơ sợi dệt các loại.

Thứ tám, tăng trưởng xuất khẩu, một phần nhờ lượng tăng, một phần lớn nhờ giá tăng, trong đó giá tăng (tính được đơn giá) và đóng góp lớn vào mức tăng chung có: dầu thô, tiếp đến là cà phê, cao su, xăng dầu, hạt điều, gạo, hạt tiêu, than đá, sắt thép, sắn và sản phẩm sắn, ...

Thứ chín, về thị trường, có 23 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 thị trường đạt từ 2 tỷ USD trở lên, cao nhất là Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Australia.

Thứ mười, do tốc độ tăng so với năm trước của tổng kim ngạch xuất khẩu cao hơn của tổng kim ngạch nhập khẩu (33% so với 25%), nên nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch, cả về tỷ lệ nhập siêu so với năm trước. Về kim ngạch tuyệt đối còn 10 tỷ USD so với 12,6 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu còn 10,4% so với 17,5%.

Tuy nhiên, từ xuất, nhập khẩu và nhập siêu năm 2011 cũng còn một số vấn đề đáng lưu ý.

Một, về xuất khẩu, tính gia công xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Tỷ trọng kim ngạch những mặt hàng là nguyên liệu thô khai thác (dầu thô, than đá,...); những mặt hàng chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế (nông, lâm, thuỷ sản); những mặt hàng chế biến nhưng mang nặng tính gia công (như dệt may, giày dép,...), đó là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp.

Hai, về nhập khẩu, nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được hoặc nằm trong diện cần kiềm chế nhập khẩu, nhưng vẫn còn nhập khẩu lớn. Tình trạng lạm dụng tạm nhập, tái xuất còn có tiêu cực.

Ba, về nhập siêu giảm, có một phần do đã thực hiện các biện pháp kiềm chế, nhưng có một phần do sản xuất trong nước tăng chậm lại. Đây là một cảnh báo cần thiết và là một yếu tố giảm nhập siêu chưa bền vững.

Bốn, từ sự vượt trội của năm 2011 cũng cảnh báo về khả năng thực hiện mục tiêu 2012. Mặc dù mục tiêu tăng thấp hơn nhiều (tăng 12- 13%) nhưng không dễ dàng bởi số gốc so sánh đã cao hơn nhiều; bởi giá xuất khẩu khó duy trì được tốc độ tăng như năm trước và lượng xuất khẩu cũng khó tăng cao khi châu Âu khủng hoảng nợ công, kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp.

Đáng lưu ý, xuất khẩu tăng chậm lại nhiều, nhập siêu lại tương đương thì nhập khẩu tăng chậm hơn nhiều và sẽ tác động đến sản xuất vì tính gia công ở trong nước vẫn còn rất cao.