23:34 22/03/2015

11 năm thí điểm mắc-ca: “Phải nói là ơn Bộ”

Hải Âu

Sau nhiều năm, giá trị của một chương trình thí điểm cây mắc-ca của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới thể hiện rõ

Ông Đinh Kim Thu trong vườn cây mắc-ca của gia đình - Ảnh: Quang Phúc.<br>
Ông Đinh Kim Thu trong vườn cây mắc-ca của gia đình - Ảnh: Quang Phúc.<br>
Gặp gỡ đoàn khảo sát tại tỉnh Đắc Lắc tuần qua, ông Đinh Kim Thu (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc), chỉ về vườn cây mắc-ca của mình: “Phải nói là tôi nhờ ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mang cây này đến”.

Hơn chục năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương thử nghiệm loại cây này, chọn và giao cụ thể cho một số hộ dân ở Tây Nguyên.

Từ Yên Dũng (Bắc Giang) di cư vào đây, gia đình ông Thu quyết định xin tham gia thí điểm. Được viện chuyên trách của Bộ cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, 100 cây mắc-ca đầu tiên được trồng tại vườn nhà.

Là mô hình thí điểm, lứa cây lạ và mới này được trồng xen với cà phê, bao gồm 11 loại giống. Khi đó, Bộ muốn đa dạng các loại giống, qua thử nghiệm để chọn lọc những loại phù hợp và hiệu quả nhất.

Sau 4 năm, hầu hết số cây này đều phát triển tốt, dần ra hoa kết trái. Một quy mô nhỏ trong quy mô chưa đầy 1 ha, nhưng lại cho nhiều giá trị.

Đến nay, các loại giống từ vườn ông Thu đã cho sự phân biệt khá rõ về năng suất mỗi loại giống, chất lượng hạt và đặc điểm khi thu hoạch (tự rụng hoặc phải hái).

Sau 11 năm - thời điểm được xem là cây mắc-ca bắt đầu sung sức, có cây và giống cho bình quân khoảng 17 kg/cây, có loại lại cho tới khoảng 50 kg/cây - gấp gần 3 lần sản lượng được cho là tốt ở Úc.

Thế nhưng, cây cho năng suất cao như vậy lại có điểm yếu là nhân hạt nhỏ và vỏ dày, chất lượng không bằng loại bình quân cho 17kg/cây. Điểm này được chuyên gia trong đoàn khảo sát khuyến cáo: người dân thích sản lượng cao có thể chạy theo, nhưng khi đưa ra thị trường, đặc biệt là xuất khẩu và chế biến chuyên nghiệp, thì sự phân biệt chất lượng trong so sánh trên sẽ rất rõ ràng. Thực tế này cũng cần được xác định ngay từ đầu khi muốn phát triển mắc-ca bền vững.

Một bất ngờ khác, ông Thu cho biết, những năm gần đây vườn của ông ra hoa và quả khá đều trong năm, không thống nhất chỉ 1 hay 2 vụ.

Điểm này cũng cần được nghiên cứu, đánh giá chuyên môn, còn theo khuyến nghị của chuyên gia khảo sát, không nên rải đều như vậy mà cần chăm sóc, bón phân lựa vào các mùa chính để lựa sức cây…

Như vậy, sau 11 năm, mô hình thí điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại vườn ông Thu đã cho những kết quả cơ bản. Từ đây, Bộ có thể đưa ra những đúc kết, đánh giá cần thiết, nhất là khi một số hộ dân khác cũng đang học theo mô hình này.

Còn về giá trị kinh tế, “cây tiên” là cách ví von của ông Thu về khả năng thay đổi đời sống của gia đình mình, sau những khó khăn khi di cư vào Tây Nguyên.

Chưa đầy 100 cây trong gần 1 ha, năm 2014 vừa qua gia đình đã thu hoạch được 1,8 tấn quả, giá bán từ 120 - 150 nghìn đồng/kg, tổng thu khoảng 300 triệu đồng.

Ông Thu cho biết, trong năm, tổng chi phí đầu tư cho vườn (nhân công và phân bón) chỉ chiếm khoảng 10% tổng thu, còn khoảng 90% là “lãi ròng”.

Theo chuyên gia của công ty Vinamacca, giá trị kinh tế từ vườn cây này lẽ ra sẽ cao hơn nữa, nếu gia đình bón phân đúng và đủ hơn cho cây, và đặc biệt là biết chọn lọc và chen giống tốt sau 4-5 năm trồng để có mô hình vườn tối ưu.

Chưa tối ưu, nhưng hiệu quả và giá trị thực tế của một mô hình, cùng 11 loại giống cho những bước thử nghiệm đầu tiên hơn chục năm trước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hình.

Cùng với các mô hình khác, tại các địa phương khác, cũng như việc triển khai chuyên nghiệp hơn ở các viện chuyên môn, Bộ đang xác lập những kết quả bước đầu sau quá trình thử nghiệm mắc-ca tại Việt Nam. Qua đó, để có những khuyến nghị, hướng dẫn cụ thể hơn cho những hộ dân chọn đi theo loại cây này.