16:04 09/01/2012

12 năm, kiều hối về Việt Nam tăng 8 lần

Thành Tâm

Không chỉ là con số 9 tỷ USD, điều đáng ghi nhận về dòng kiều hối chảy về Việt Nam năm 2011 là sự tập trung

Không chỉ là con số 9 tỷ USD, điều đáng ghi nhận về dòng kiều hối chảy về Việt Nam năm 2011 là sự tập trung.
Không chỉ là con số 9 tỷ USD, điều đáng ghi nhận về dòng kiều hối chảy về Việt Nam năm 2011 là sự tập trung.
9 tỷ USD là lượng kiều hối được dự tính đã đổ về Việt Nam trong năm 2011, vượt xa con số 8 tỷ USD năm 2010, tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Không chỉ là con số 9 tỷ USD, điều đáng ghi nhận về dòng kiều hối chảy về Việt Nam năm 2011 là sự tập trung. Nếu như những năm trước đây, phổ biến tình trạng kiều hối chuyển qua các kênh không chính thức gây rủi ro cho người chuyển và khó thống kê được lượng kiều hối thực sự. Nhưng năm 2011, lượng kiều hối chuyển về kênh ngân hàng đã tăng lên rõ rệt.

Điều này xuất phát từ nguyên nhân hiện dịch vụ chuyển tiền khá đơn giản, thuận tiện, người thân tại Việt Nam có thể nhận tiền chỉ sau 5 phút người gửi ở nước ngoài thực hiện dịch vụ. Khách hàng cũng có thể nhận tiền tại ngân hàng hoặc tại nhà; tiền có thể được chuyển vào tài khoản ATM hay thực hiện các giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử. Bởi thế, dịch vụ kiều hối đang trở thành một kênh đem lại hiệu quả cao.

Một thực tế nữa cũng khiến lượng kiều hối tăng là do lãi suất huy động VND vẫn còn cao, đã thu hút lượng kiều hối về bán cho ngân hàng rồi gửi tiết kiệm VND. Chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng không đáng kể nên các ngân hàng đã thu mua được USD nhiều hơn trước.

Theo công bố bước đầu của một số nhà băng, dòng kiều hối chảy như sau: tại công ty kiều hối Sacomrex năm 2011 ước đạt 1,65 tỷ USD; tại DongA Bank, ước tính đến tháng 12 thu hút khoảng 1,6 tỷ USD lượng kiều hối chuyển về, tăng 20% so với năm ngoái; VietinBank dự kiến cả năm đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước; Eximbank cũng cho biết lượng kiều hối qua ngân hàng này đạt trên 600 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, lượng tiền gửi về Việt Nam đã tăng dần qua các năm và ngày càng trở thành nguồn lực đáng kể cho nền kinh tế. Kể từ mốc 1,2 tỉ USD năm 1999, trong năm 2011 đã có khoảng 9 tỉ USD kiều hối được chuyển về Việt Nam, chỉ trong một con giáp, lượng kiều hối về Việt Nam đã tăng khoảng 8 lần.

Về mặt địa lý thì từ trước đến nay, vùng đồng bằng sông Hồng mà Hà Nội là trung tâm và vùng Đông Nam Bộ (Tp.HCM là trung tâm) là hai vùng tiếp nhận kiều hối nhiều nhất cả về giá trị và số người nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây cùng với lượng người xuất khẩu lao động từ vùng Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long tăng lên thì lượng kiều hối của các vùng này cũng tăng đáng kể. Tình hình này cho thấy kiều hối đã đến với nhiều vùng của Việt Nam hơn và đã chảy cả vào khu vực người nghèo. Đây cũng là một diễn biến đáng mừng.

Rất tiếc là đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra tổng thể. Nếu có, người ta có thể đánh giá được tác động của kiều hối thực sự đến nền kinh tế Việt Nam trên cả khía cạnh vĩ mô (cán cân vãng lai, cung ngoại tê...) và vi mô (tiêu dùng, đầu tư, đầu cơ của hộ gia đình).

Cách đây 5 năm trở về trước, theo một cuộc điều tra nhỏ (khi quy mô kiều hối về Việt Nam khoảng 3,8 tỉ USD/năm) thì khoảng trên 70% số kiều hối là để tiêu dùng, gần 15% xây nhà, 6% đầu tư phi nông nghiệp và gần 7% đầu tư khác. Nhưng những năm gần đây, theo một số đánh giá, đã có sự thay đổi cơ cấu sử dụng kiều hối theo hướng tăng tỉ trọng đầu tư. Đối tượng đầu tư trước hết là bất động sản, tiếp theo là chứng khoán. Thậm chí gần đây, cụ thể là cuối năm 2011, còn có ý kiến cho rằng một lượng không nhỏ kiều hối đã chảy vào các tiệm vàng, bởi vàng đang là một trong những tâm điểm của giới đầu cơ hiện nay.