12 ngày để Quốc hội xem xét nhân sự cấp cao
Dự án Luật Biểu tình chính thức được rút khỏi chương trình kỳ họp này, khi nào chuẩn bị thật kỹ mới trình ra Quốc hội
Báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 11 tại phiên họp sáng 9/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến bố trí 12 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chương trình chi tiết về công tác nhân sự sẽ được chuẩn bị trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương.
Ông Lưu cũng cho biết, dự án Luật Biểu tình chính thức được rút khỏi chương trình kỳ họp này để tiếp tục chuẩn bị, khi nào chuẩn bị thật kỹ mới trình ra Quốc hội.
Kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công 2015 - 2020 cũng được rút khỏi chương trình nghị sự của kỳ họp 11, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc.
Ngoài 12 ngày làm nhân sự, thời gian còn lại của 22 ngày làm việc Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020 cũng được xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Một trong những nội dung được dành nhiều thời gian là xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua gồm: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Khai mạc sáng 21/3, Quốc hội dự kiến sẽ bế mạc kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ vào ngày 16/4.