4 trọng tâm hợp tác của JICA trong năm tài khóa 2023
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác trong lĩnh vực y tế và ứng phó với biến đổi khí hậu là 4 trọng tâm hợp tác của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong năm tài khóa 2023…
Tại buổi họp báo thường niên – tài khóa 2023 ngày 18/10, ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam cho biết kết quả nổi bật mở đầu cho năm tài khóa 2023 tại Việt Nam là thỏa thuận vay ODA được ký kết vào tháng 7/2023 vừa qua cho 3 dự án với tổng trị giá lên đến hơn 60 tỷ JPY (tương đương 10.672 tỷ đồng) trong 3 lĩnh vực cải tạo hạ tầng giao thông đô thị, tăng cường chuỗi cung ứng nông sản, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19.
“Đây là lần ký nhiều thỏa thuận vay ODA cùng một lúc nhất sau 6 năm kể từ năm 2017”, ông Sugano nhấn mạnh.
Về hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới, Trưởng Đại diện JICA cho biết sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực cụ thể.
Trước tiên là hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Hai dự án vốn vay ODA mới được ký kết, là “Dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương” và “Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng”, sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông công cộng đô thị và chuỗi cung ứng nông sản.
Về tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1 Tp.HCM, theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Tp.HCM (MAUR), tiến độ công trình của tuyến đến nay đạt khoảng 96%, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, và kỳ vọng tuyến metro số 1 có thể đi vào vận hành khai thác từ tháng 7/2024.
Thứ hai, là hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bậc Đại học tại trường Đại học Việt Nhật (VJU) và trường Đại học Cần Thơ, JICA đã bắt đầu triển khai một dự án mới nhằm cải thiện môi trường phái cử cho các thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản, trong đó sẽ triển khai dự án xây dựng cổng thông tin nhằm mang đến thông tin tuyển dụng hữu ích cho các lao động có nhu cầu đi làm việc ở Nhật Bản.
Hơn nữa, trong Dự án hợp tác của JICA với Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (Viện VJCC), nhiều khóa đào tạo đã và sẽ được tổ chức cho đội ngũ quản lý và điều hành doanh nghiệp, tiếp tục góp phần phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh hợp tác thông qua ba bệnh viện hạng đặc biệt mà JICA đã hỗ trợ trong thời gian dài là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Sugano cho biết JICA sẽ hỗ trợ thiết lập hệ thống đào tạo từ xa ứng dụng chuyển đổi số nhằm góp phần tăng cường năng lực y tế tuyến dưới và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, JICA sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng để ứng phó với các vấn đề mới nổi của y tế Việt Nam như già hóa dân số.
Thứ tư là hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. JICA đang nghiên cứu và xây dựng các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam bằng khoản tín dụng thuộc khuôn khổ của hoạt động “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”. Ngoài ra, JICA sẽ sử dụng Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng lộ trình thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050.
Về kết quả hoạt động của JICA Việt Nam trong năm tài khóa 2022, tính từ tháng 4/2022 đến hết tháng 3/2023, tổng giá trị cam kết vốn vay ODA là 18,9 tỷ JPY (tương đương gần 3.100 tỷ đồng) (chưa bao gồm dự án “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”); giá trị vốn ODA cho các dự án Hợp tác kỹ thuật là 4,7 tỷ JPY (tương đương 768 tỷ đồng) và cho các dự án Viện trợ không hoàn lại là 700 triệu JPY (tương đương 114 tỷ đồng), với hơn 100 dự án lớn nhỏ đang thực hiện.