06:06 29/06/2023

Giải ngân ODA èo uột, Bộ Tài chính đề nghị huỷ dự toán dự án vướng mắc kéo dài

Ánh Tuyết

Dù tăng tốc so với nhiều năm nhưng nửa đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài ở các bộ, ngành vẫn chậm, đạt khoảng 27,2% kế hoạch. Bộ Tài chính nhận diện 4 vướng mắc để phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân ODA nửa cuối năm...

Bộ Tài chính đề nghị hủy, chuyển dự toán những dự án không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc quá lâu.
Bộ Tài chính đề nghị hủy, chuyển dự toán những dự án không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc quá lâu.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023 diễn ra ngày 28/6, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4%, tương đương 3.251 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 27,2%, tương đương 3.225 tỷ đồng.

GIẢI NGÂN VỐN ODA CHỈ TẬP TRUNG Ở 3 BỘ 

Cũng theo Bộ Tài chính, số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3/11 bộ là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,56%). Còn lại 2 bộ có số giải ngân nhưng rất ít. Theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài tại Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạt 4,19% hay Bộ Giáo dục và đào tạo là 5,26%.

Về kế hoạch vốn 2022 kéo dài, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của các bộ, ngành được kéo dài sang năm 2023 là 1.042,589 tỷ đồng. Hiện các bộ, ngành bắt đầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2022 kéo dài.

Đánh giá về kết quả này, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), khẳng định công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, với mục tiêu phấn đấu đạt 95% kế hoạch.

 

"Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 có tiến bộ so với năm 2021 và 2022 song vẫn còn chậm, mới chỉ đạt khoảng 27,2% kế hoạch", ông Long nhìn nhận.

Thông tin tại hội nghị, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết năm 2023 tổng số vốn ODA giao cho bộ là 4.958 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Giao thông vận tải giải ngân ước đạt 2.020 tỷ đồng, bằng 40,7% kế hoạch cho 14/19 dự án ODA. 

Dù là một trong ba đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn nước ngoài cao nhất cả nước tuy nhiên, đại diện Bộ Giao thông vận tải nêu nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, trong đó tập trung chủ yếu ở công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhà tài trợ có ý kiến không phản đối chậm…

Đại diện Bộ Giao thông vận tải bày tỏ nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. 
Đại diện Bộ Giao thông vận tải bày tỏ nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. 

Do đó, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải thường xuyên kiểm tra hiện trường, kịp thời phát hiện các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện, theo dõi đôn đốc tiến độ và hoàn thiện các thủ tục giải ngân…

BỐN VƯỚNG MẮC NỔI BẬT CẢN TRỞ GIẢI NGÂN

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính nêu bật bốn nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm nửa đầu năm nay.

Một là, dự án được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; mới hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại và ký kết hiệp định vay phụ, hợp đồng ủy quyền cho vay lại.

Hay vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng cũng gây cản trở công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài.

Hai là, dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay.

"Việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai", đại diện Bộ Tài chính thông tin.

Ba là, vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan, hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ và do cách thức tổ chức triển khai dự án. Các bên tổ chức trao đổi, tọa đàm nhưng vẫn cần tiếp tục xử lý.

Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.

Bốn là, trong những tháng đầu năm, các bộ, ngành địa phương vẫn tập trung báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ đối với các khoản giải ngân từ kế hoạch vốn 2022. 

TẬP TRUNG VỐN CHO DỰ ÁN GIẢI NGÂN TỐT

Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) điều hành hội nghị.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) điều hành hội nghị.

Đối với các cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính đề nghị rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân.

 

Trong đó, "tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc quá lâu không giải quyết được, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn", Bộ Tài chính đề xuất.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.

Các cơ quan chủ quản cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay.

Đối với các bộ là cơ quan chủ quản các dự án ODA, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đề nghị cần xử lý khẩn trương, triệt để các điều kiện được phép giải ngân khi được cấp có thẩm quyền đồng ý gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân, đồng thời cần sớm nhận diện rủi ro về hiệu quả sử dụng vốn và sớm có biện pháp giảm thiểu rủi ro này khi phải điều chỉnh giảm các hạng mục chính và cắt giảm vốn vay nước ngoài của dự án. 

Đối với các chủ dự án, Bộ Tài chính đề nghị tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, lên kế hoạch giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lý ngay khi phát sinh vấn đề.

Đối với các địa phương có dự án ODA của các bộ, ngành triển khai, Bộ Tài chính đề nghị xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ.

Về phần mình, Bộ Tài chính cam kết tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, thực hiện kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

"Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 202", đại diện Bộ Tài chính khẳng định.