22:49 01/06/2021

5 tháng trước giãn cách xã hội, kinh tế TP.HCM vẫn duy trì được mục tiêu kép

Xuân Nghi

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát lần 4 tại Việt Nam, đến thời điểm này TP.HCM vẫn duy trì được mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế. Doanh thu các hoạt động bán buôn, bán lẻ đều có xu hướng tăng cao so với tháng trước.

TP.HCM vẫn duy trì được mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế
TP.HCM vẫn duy trì được mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế

Trước làn sóng đại dịch Covid-19 tái bùng phát, Thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát nhằm ngăn chặn tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

VỪA PHÒNG CHỐNG DỊCH VỪA DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Theo đó, một số dịch vụ văn hóa, giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đóng cửa. Tuy nhiên, các hình thức mua bán trực tuyến, mua mang về được khuyến khích thực hiện nhằm hạn chế các thiệt hại của người kinh doanh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 dự ước đạt 89.970 tỷ đồng, giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 13,1% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 ước đạt 51.060 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với tháng cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 5 ước đạt 5.535 tỷ đồng, giảm 12% so với tháng trước và tăng 61,8% so với tháng cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 446 tỷ đồng, giảm 12,7% so với tháng trước và tăng gần gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 456.104 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Chia theo loại hình kinh tế: Kinh tế nhà nước 5 tháng ước đạt 27.007 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế ngoài nhà nước đạt 350.809 tỷ đồng, tăng 8,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 78.288 tỷ đồng, tăng 11%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,33% so với tháng trước. Trong đó có 5 nhóm giảm gồm nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (-0,04%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (-0,01%); nhóm bưu chính viễn thông (-0,68%); nhóm giáo dục (-0,001%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (-0,08%). Nhóm thuốc và dịch vụ y tế không biến động; các nhóm hàng còn lại đều tăng so tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông (1,08%).

Theo nhận định của Cục Thống kê TP.HCM, Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2021 tăng 1,26% so với tháng 12 năm 2020 và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,87% so với bình quân năm 2020. Trong đó, chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,34% so với tháng 4; tăng 1,45% so tháng 12/2020 và tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước.

Tính bình quân 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá vàng tăng 21,56% so với năm 2020. Chỉ số giá USD tháng 5/2021 giảm 0,25% so với tháng trước; tăng 0,06% so với tháng 12/2020 và giảm 1,36% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân năm 2021 giảm 1,14% so với cùng kỳ.

XUẤT KHẨU ĐẠT TĂNG TRƯỞNG DƯƠNG 

Về xuất nhập khẩu, đại dịch Covid-19 vẫn tác động rất lớn đối với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt tại Châu Âu tốc độ lây nhiễm đang ở mức báo động và một số quốc gia đã đóng cửa biên giới. Đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế, mặc dù vậy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của TP.HCM vẫn đạt được mức tăng trưởng dương.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thành phố tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,1% và nhập khẩu tăng 30,4%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của Thành phố với kim ngạch xuất khẩu tăng 12,5% và nhập khẩu tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, ước tính tháng 5/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4.330,5 triệu USD, tăng 13,1% so tháng trước. Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 4.173,8 triệu USD, tăng 12,4% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 19.635,3 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 18.964,2 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Thành phố với kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3.880,5 triệu USD, chiếm 22,2% tỷ trọng xuất khẩu. Kế đến là thị trường Hoa Kỳ đạt 2.819,1 triệu USD, chiếm 16,1% tỷ trọng xuất khẩu. Các thị trường kế tiếp lần lượt là Hongkong 1.698,1 triệu USD; Nhật Bản 1.068,1 triệu USD; EU 2.314,7 triệu USD… Các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Nông sản (1.630,7 triệu USD), lâm sản (307,1 triệu USD), thủy hải sản (303,9 triệu USD), hàng công nghiệp (11.127,9 triệu USD), hàng hóa khác (3.476,0 triệu USD)…

Về nhập khẩu, ước tính tháng 5/2021, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 5.522,1 triệu USD và tăng 1,0% so với tháng trước. Tính lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 25.673,5 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của doanh nghiệp Thành phố qua cảng Thành phố trong 5 tháng đầu năm 2021 gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; vải các loại; chất dẻo nguyên liệu; sắt thép,…

Về thu cân đối ngân sách, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa Thành phố 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 174.597 tỷ đồng, đạt 49% dự toán và tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2020.