10:59 31/10/2020

5 trụ cột phát triển đô thị thông minh

Phan Dương

Quản trị, năng lượng, giao thông, kinh tế, con người thông minh

"Xây dựng đô thị thông minh một cách bài bản theo quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thông minh theo lộ trình và kế hoạch mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản phát triển song hành với đà phát triển đô thị. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản trong thời gian qua đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị và giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cả hai lĩnh vực này ở nước ta đều còn nhiều mặt hạn chế, thiếu bền vững. Đặc biệt, tình trạng phát triển đô thị, khu nhà ở kiểu tự phát, kiểu "vết dầu loang" hoặc phân lô bán nền, xây dựng trái phép, làm phá vỡ quy hoạch, quá tải hệ thống hạ tầng đô thị, không đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả còn khá phổ biến.

HƯỚNG ĐI MANG TÍNH ĐỘT PHÁ

Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển bền vững đô thị cũng như thị trường bất động sản, Việt Nam cần thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo pháp luật về quy hoạch và kế hoạch. 

Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ cũng như năng lực cạnh tranh của các đô thị. Chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị động lực phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng, đô thị di sản, đô thị sinh thái, đô thị du lịch, đô thị khoa học. Trong đó, phát triển đô thị thông minh là lựa chọn đúng đắn và cũng là hướng đi tất yếu. 

Trong dự thảo Chiến lược phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ đã xác định: phát triển đô thị thông minh chính là một trong những trụ cột, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. 

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ: phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, mục tiêu nhân văn của đô thị thông minh là hướng đến cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Việt Nam xác định, xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở rộng thêm không gian mới cho phát triển đô thị thông minh, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị".

THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP THAM GIA TÍCH CỰC 

Định hướng phát triển đô thị thông minh và bền vững là một trong những nội dung quan trọng đã được Bộ Chính trị chính thức đưa vào Nghị quyết 52/NQ-TƯ ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025, Việt Nam sẽ có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Trung, Nam, và đến năm 2030, hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. 

"Hiện nay, quá trình xây dựng đô thị thông minh đang tập trung vào các trụ cột chủ yếu đó là, quản trị thông minh, năng lượng thông minh, giao thông thông minh, kinh tế thông minh, con người thông minh", ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết. 

"Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam đang hướng đến mục tiêu rất cụ thể, đó là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân từ nhu cầu đơn giản nhất cho đến cao cấp hơn trong tất cả các lĩnh vực, làm sao cho cuộc sống thuận tiện hơn, đảm bảo nơi ở an toàn và giảm ách tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định. Tuy nhiên, làm thế nào để Việt Nam đạt được những mục tiêu đề ra vẫn là câu hỏi lớn. 

Chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này, Tiến sỹ Alfonso Vegara – Chủ tịch Hiệp hội các nhà quy hoạch vùng và thành phố quốc tế cho rằng: tầm nhìn và định hướng phát triển đô thị thông minh đặc biệt cần thiết, nhất là khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Khi thiết kế đô thị thông minh cần kết nối lãnh thổ vùng một cách khoa học để tạo sự tăng trưởng đồng nhất, hỗ trợ lẫn nhau; kết nối cơ sở hạ tầng thông minh theo hướng số hóa, tạo đà cho tăng trưởng trong tương lai.

Còn theo bà Võ Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ, quy hoạch đô thị thông minh cần được xác định là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Thông minh hóa đô thị là một quá trình cần sự tham gia của nhiều bên, các cấp, các ngành, các nhà khoa học và khối doanh nghiệp tư nhân. 

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đô thị hóa và phát triển đô thị phải dựa trên nền tảng pháp luật, trước hết là pháp luật về quy hoạch, việc phát triển đô thị thông minh phải có sự phối hợp cả chính quyền Nhà nước và khu vực tư nhân. Muốn đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh thành công, thì phải có cơ chế thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản vào lĩnh vực này.

Ở cương vị một doanh nghiệp đã qua thực tế triển khai, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Trung tâm Smart City, Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart cho biết, hiện Tập đoàn Vingroup đã xây dựng và phát triển nhiều khu đô thị thông minh. Dựa trên nền tảng công nghệ số, các đô thị thông minh của Vingroup chú trọng vào 4 tiện ích gồm: an ninh an toàn, nhà, cộng đồng dân cư và vận hành thông minh. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong phát triển bất động sản. 

Không ít doanh nghiệp bất động sản khác cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển đô thị, trong đó có đô thị thông minh, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc đổi mới công tác quản lý đất đai và phát triển thị trường bất động sản; tiếp tục hoàn chỉnh và đổi mới chính sách về nhà và đất đô thị để ổn định đời sống và tạo nguồn lực phát triển đô thị. 

Đồng thời, cần hình thành hệ thống quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng nguồn thu và phương thức thu tại các đô thị; xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn, theo hướng khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước...