Vượt qua nhiều thách thức, xuất khẩu da giày đạt trên 27 tỷ USD
Năm 2024, mặc dù đối mặt với áp lực giảm giá, yêu cầu chất lượng cao, các tiêu chí bền vững, chi phí đầu vào tăng và thiếu hụt lao động...song ngành da giày - túi xách vẫn đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 27 tỷ USD, tăng 11,45% so với năm 2023...
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu của ngành da giày - túi xách năm 2024 vẫn ước đạt 27,04 tỷ USD, tăng 11,45% so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu giầy dép đạt 23,24 tỷ USD, tăng 13,16 % và valy-túi-cặp đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,7%.
Thách thức đầu tiên là từ những yêu cầu rất cao về phát triển bền vững (chuyển đổi xanh, ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo) của các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Cùng với đó là các chi phí cũng rất lớn, như chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn xanh; chi phí đầu vào ngày một cao từ nhân công, nguyên vật liệu, logistics. Nguồn lao động trong nước ngày càng khan hiếm. Lao động ở khu vực thành phố hầu như không tuyển dụng được, doanh nghiệp phải di chuyển về vùng xa để tận dụng nguồn lao động sẵn có.
Tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu cũng rất khó khăn, khi nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.
Ngoài ra, thách thức ứng dụng khoa học - công nghệ và nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp da giày. Với năng lực còn hạn chế, doanh nghiệp chưa chủ động được công nghệ cho sản xuất mà vẫn phụ thuộc vào nguồn bên ngoài.
Mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, song ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giầy- Túi Xách Việt Nam, cho biết những kết quả của ngành có được là nhờ tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là khối thị trường từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Bên cạnh đó, năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn. Ngoài các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp da giày đã và đang phát triển mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi…
Trong số các thị trường xuất khẩu của ngành da giày - túi xách, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giày Việt Nam, chiếm 36,5% tổng giá trị xuất khẩu giày dép ra thế giới trong 11 tháng năm 2024.
Tiếp đến là thị trường các nước EU (chiếm ) Trung Quốc (chiếm 8,5%), Nhật Bản (4,7%), Hàn Quốc ( chiểm 2,9%), tiếp đến là các Bỉ, Hà Lan, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Italy, Australia, Mexico, Ả Rập Xê Út. Kim ngạch xuất khẩu da giày đến 16 nước lớn trên thế giới chiếm 89% tổng kim ngạch toàn ngành.
Tuy nhiên vẫn có một số thị trường xuất khẩu khác có sự sụt giảm, thậm chí không thể xuất khẩu được do tác động của xung đột chính trị Nga, Uzbekistan. Vì vậy, các doanh nghiệp đã chủ động mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng tiêu dùng lớn và đa dạng ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông.
Điển hình mặt hàng giày thể thao là thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế trong xuất khẩu cũng đã tăng trưởng nhanh và mạnh khi xuất vào thị trường Trung Đông trong ngắn hạn.
Tại hội nghị tổng kết ngành, ông Thuấn chia sẻ, ngành da giày Việt Nam có nhiều lợi thế từ nguồn lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh, nguồn nguyên phụ liệu phong phú, chính sách thu hút đầu tư và đặc biệt hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế và đã thu hút được nhiều đầu tư doanh nghiệp nước ngoài.
Song điểm trừ là dù đứng thứ 3 trên thế giới về sản xuất giày dép nhưng hiện chúng ta vẫn chủ yếu là gia công xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 75% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Sang năm năm 2025 ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, trước mắt ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và để tăng doanh thu.
Sau đó, từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… Các doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon… nhằm mở thêm kênh tiêu thụ.
Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và sử dụng các loại nguyên liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc rõ ràng và được sản xuất theo các quy trình bền vững. Tăng cường sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Áp dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chất thải và tiết kiệm năng lượng...