5 vấn đề chính trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống Trump
Thái độ của ông Trump trong chuyến thăm này có thể sẽ đặt nền móng cho quan hệ đối ngoại của Mỹ với châu Á trong thời gian tới
Ngày 3/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên đường sang châu Á, chính thức bắt đầu chuyến công du kéo dài 12 ngày đến khu vực này.
Trong chuyến thăm châu Á đầu tiên kể từ khi trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, ông Trump sẽ đặt chân tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Ngoài các cuộc gặp với lãnh đạo các quốc gia, ông Trump còn tham dự hai cuộc họp thượng đỉnh, một của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và một của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2016, ông Trump tuyên bố ông sẽ trở thành một nhà lãnh đạo với chính sách đối ngoại "khó đoán biết". Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dưới đây có thể sẽ là 5 chủ đề chính trong chuyến thăm châu Á lần này của ông Trump:
Chính sách của Mỹ đối với châu Á
Thái độ của ông Trump đối với các đồng minh lâu năm của Mỹ, cũng như đối với Trung Quốc - nước vừa là đối tác vừa là đối thủ của Mỹ, trong chuyến thăm này có thể sẽ đặt nền móng cho quan hệ đối ngoại của Mỹ với châu Á trong thời gian còn lại nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Trái với chiến lược "xoay trục về châu Á" mà người tiền nhiệm Barack Obama theo đuổi, ông Trump thẳng thừng tuyên bố "nước Mỹ trên hết". Giới quan sát đang chờ xem ông Trump sẽ thể hiện chiến lược này ra sao trong các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Á.
Vấn đề Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải đều đã xác nhận rằng vấn đề Triều Tiên sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ tại Bắc Kinh.
Từ tháng 2 đến nay, Triều Tiên đã có 15 vụ thử tên lửa và tuyên bố đã phát triển được công nghệ cho phép tấn công vào đại lục Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump đã liên tục kêu gọi Trung Quốc hành động nhiều hơn để kiềm chế chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.
Theo dự báo, khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump sẽ tiếp tục kêu gọi nước này thực thi đầy thủ lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên và có thêm biện pháp để kiềm chế nước này.
Về phần mình, Trung Quốc đã có những động thái hợp tác với nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 2/11 đưa tin nói rằng ông Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn giữ quan hệ "hữu hảo bền vững" Trung-Triều.
Trước khi thăm Trung Quốc, ông Trump sẽ thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á trong vấn đề Triều Tiên. Căn cứ vào các cuộc trao đổi giữa ông Trump với lãnh đạo hai nước này có thể đoán trước được phần nào về tình hình cuộc gặp giữa ông Trump với ông Tập.
Các liên minh quân sự của Mỹ
Trong chiến dịch tranh cử vào năm ngoái, ông Trump liên tục tuyên bố Mỹ sẽ thu hẹp chiếc ô an ninh đối với hai đồng minh chính ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy ông Trump đến nay chưa cắt giảm ngân sách quốc phòng, không chỉ các đồng minh của Mỹ và tất cả các quốc gia khác trong khu vực đều đang rất quan tâm đến việc liệu ông sẽ cam kết như thế nào đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á.
Với mối lo ngại chung Mỹ-Hàn về năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, các cuộc trao đổi của ông Trump ở Seoul có thể đề cập đến việc triển khai lá chắn tên lửa Mỹ mang tên THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Việc THAAD được triển khai ở Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc nổi giận và tung các biện pháp trả đũa đối với Seoul suốt 1 năm qua.
Tại Nhật Bản, quốc gia có mối quan hệ quốc phòng với Mỹ kể từ khi hai bên ký hiệp ước hợp tác và an ninh tương hỗ vào năm 1960, Thủ tướng Shinzo Abe có thể hy vọng ông Trump sẽ tiếp tục tôn trọng hiệp ước này. Vào tháng 9 vừa qua, ông Trump nói ông sẽ cho phép cả Nhật Bản và Hàn Quốc mua "một lượng gia tăng mạnh" thiết bị quân sự hiện đại từ Mỹ.
Thương mại
Hôm thứ Tư tuần này, ông Trump lại nói rằng khoản thâm hụt thương mại 347 tỷ USD mà Mỹ có với Trung Quốc là "gây bối rối" và "khủng khiếp". Bởi vậy, khi thăm Bắc Kinh, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tìm cách cân bằng lại quan hệ thương mại giữa hai nước bằng cách đề xuất những điều khoản mới về thương mại.
Các cuộc điều tra mà Mỹ đang tiến hành về nghi án Trung Quốc bán phá giá một số sản phẩm thép tại Mỹ, cũng như về các hoạt động quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc cũng có thể là chủ đề của cuộc gặp.
Khoản thâm hụt thương mại lớn thứ nhì của Mỹ, 69 tỷ USD, là với Nhật Bản. Bởi vậy, ông Trump có thể tiếp tục cuộc trao đổi mà ông đã có với Tokyo hồi đầu năm nay về thuế quan của Nhật đối với hàng nông sản Mỹ và các quy định đối với xe hơi Mỹ tại thị trường Nhật.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng đã kêu gọi đàm phán lại thỏa thuận tự do thương mại Mỹ-Hàn 2012, thỏa thuận mà ông cho là dẫn tới khoản thâm hụt thương mại 28 tỷ USD của Mỹ với Hàn Quốc. Đây là thỏa thuận dỡ bỏ thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Cuộc gặp Trump-Duterte
Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có những nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Bởi vậy, chuyến thăm Manila của ông Trump sẽ làm sáng tỏ phần nào mối quan hệ giữa Mỹ với Philippines trong tương lai, quốc gia từng một thời là đồng minh gần gũi của Mỹ.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào năm ngoái, ông Duterte tuyên bố "ly thân" khỏi mối quan hệ lâu năm với Mỹ. Trước đó, ông cũng đã nhiều lần chỉ trích, cho rằng Washington đối xử không tốt với Manila.
Giới phân tích cho rằng diễn biến quan hệ Mỹ-Philippines trong thời gian tới sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ Trung-Mỹ.