11:44 15/01/2010

8 mặt hàng có thể được đưa vào diện chịu sự bình ổn giá

Phương Anh

Bộ Tài chính cho biết đang tiến hành lấy ý kiến để xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Giá

Người tiêu dùng sẽ không còn bị "móc túi" vì hiện tượng tăng giá xe vô căn cứ - Ảnh: Đức Thọ.
Người tiêu dùng sẽ không còn bị "móc túi" vì hiện tượng tăng giá xe vô căn cứ - Ảnh: Đức Thọ.
Bộ Tài chính cho biết đang tiến hành lấy ý kiến để xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Giá.

Theo đó, có 8 mặt hàng được đưa vào diện chịu sự bình ổn giá, gồm: vật liệu nổ công nghiệp; dịch vụ cảng biển; dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay; giá vé máy bay trên các đường bay nội địa; cước vận tải bằng ôtô; thuốc phòng, chữa bệnh cho người; thuốc lá điếu sản xuất, tiêu thụ trong nước; và ôtô nhập khẩu, sản xuất trong nước.

Để bình ổn giá các mặt hàng này, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật trong trường hợp xét thấy có những bất thường.

Theo Bộ Tài chính, hiện tượng bất thường có thể là giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp mà không hợp lý so với mức giá thị trường trong nước trước khi có biến động; giá do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định giá không đúng các yếu tố cấu thành giá theo quy định của pháp luật; mức giá tăng cao hơn so với mức giá đã đăng ký, đã kê khai trước đó với cơ quan có thẩm quyền; giá biến động trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa, khủng hoảng kinh tế - tài chính...

Ngoài ra, xét thấy các tổ chức hay cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền, liên kết độc quyền về giá; đầu cơ, găm hàng, biến động cung cầu hàng hóa, dịch vụ hoặc do các tin đồn thất thiệt gây nên tình trạng tăng hoặc giảm giá bất thường... cũng sẽ được áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

Trong trường hợp đó, các cơ quan chức năng có thể áp dụng các hình thức như đình chỉ thực hiện các mức giá do các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân đã quyết định, đồng thời thực hiện theo các mức giá trước khi có biến động.

Đối với trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng có thể phạt cảnh cáo, phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá và pháp luật liên quan. Phần thu chênh lệch từ giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Thậm chí, các trường hợp vi phạm về giá có thể còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh được cấp có thời hạn hoặc vô thời hạn.

Theo các chuyên gia, việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá là rất cần thiết nhằm tạo sự công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trên thực tế, hiện tượng các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân lợi dụng chênh lệch cung cầu trên thị trường hoặc thậm chí tung tin đồn thất thiệt nhằm tạo khan hiếm giả, từ đó tăng giá hàng hóa và dịch vụ lên quá cao đã “móc túi” không ít người tiêu dùng và gây nên những bất ổn.

Ví dụ ở thị trường ôtô, cuối quý 3, đầu quý 4/2009 cũng đã xảy ra hiện tượng tin đồn tăng thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc. Sau khi tin đồn này rộ lên, hàng loạt cơ sở kinh doanh ôtô nhập khẩu đã tiến hành tăng giá. Mặc dù chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn song hiện tượng này cũng đã gây nên những xáo trộn trên thị trường ôtô, ít nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các nhà sản xuất ôtô trong nước.