9 điều ít biết về kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc chiếm 1/3 startup "kỳ lân" trên thế giới
Sau 40 năm, Trung Quốc, chiếm 1/5 dân số toàn cầu, đã chuyển đổi trở thành một cường quốc về sản xuất và công nghệ và hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Bất chấp những căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 6,4% trong quý 1/2019, gần gấp đôi so với dự báo tăng trưởng toàn cầu của Liên Hợp Quốc.
Dưới đây là 9 điều ít biết về kinh tế Trung Quốc, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
1. Chiếm 1/3 startup "kỳ lân" trên thế giới
Khu vực Vịnh lớn của Trung Quốc - Ảnh: WEF.
Năm 2018, Trung Quốc có tổng cộng 186 startup "kỳ lân" (có định giá từ 1 tỷ USD trở lên), theo Hurun, gồm 97 "kỳ lân" mới, tương đương cứ mỗi 3,8 ngày lại có thêm một startup tỷ USD mới. Nước này đang xây dựng một trung tâm công nghệ khổng lồ gồm 11 thành phố để cạnh tranh với Thung lũng Silicon của Mỹ. Vùng đồng bằng sông Châu Giang với gần 70 triệu dân sẽ được hợp nhất thành một kinh đô công nghệ với tên gọi Khu vực Vịnh Lớn.
2. Chiếm gần 80% bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo
Năm 2018, các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký 473 trong tổng số 608 bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo và hơn 1/3 bằng sáng chế về chuỗi khối (blockchain) lên Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Chính phủ Trung Quốc đang đầu tư nhiều tỷ USD để hỗ trợ các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo, bao gồm 2 tỷ USD xây dựng trung tâm phát triển trí tuệ nhân tạo tại Bắc Kinh.
3. Dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng gió và mặt trời. 3 trên 5 nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới nằm ở nước này. Bên cạnh đó, nước này cũng đang xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới, đồng thời đóng các nhà máy cũ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là quốc gia có lượng khí thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, tăng 2,5% trong năm 2018 so với năm trước đó.
4. Tăng trưởng GDP giảm nhưng vẫn ở mức cao
Từ cuối những năm 1970, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt trung bình gần 10% và đã có hơn 850 triệu người dân nước này thoát khỏi cảnh nghèo. Tuy nhiên, từ đầu thập kỷ này, tăng trưởng GDP của Trung Quốc bắt đầu chậm lại khi nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng nhanh với trọng tâm là xuất khẩu sang trọng tâm tiêu dùng nội địa. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế nước này vẫn ở mức cao với dự báo đạt 6,3% trong năm nay, so với trung bình toàn cầu 3,3%, theo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
5. Chiếm hơn 50% doanh số ôtô điện toàn cầu
Ảnh: MarketWatch.
Năm ngoái, doanh số ôtô điện của Trung Quốc đạt 1,1 triệu chiếc, chiếm hơn 50% tổng số trên toàn cầu. Tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải mới đây, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng mang tới 10 mẫu xe điện mới.
Trung Quốc cũng chiếm tới 99% số lượng xe bus điện toàn cầu với 400.000 chiếc đang hoạt động. Thâm Quyến là thành phố đầu tiên chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng xe bus điện và hiện đang thực hiện với taxi điện.
6. Du khách Trung Quốc chi tiêu 250 tỷ USD ở nước ngoài năm 2017
Khi Trung Quốc mở cửa với thế giới, công dân nước này đua nhau du lịch nước ngoài. Số lượng người Trung Quốc du lịch nước ngoài tăng hơn 6% mỗi năm và theo sẽ báo của McKinsey, con số này sẽ tăng lên 160 triệu USD vào năm tới. Năm 2017, du khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 250 tỷ USD ở nước ngoài.
7. Dẫn đầu nhóm BRIC về cạnh tranh
Trung Quốc dẫn đầu nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi về cạnh tranh với vị trí thứ 28 trong Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Xếp hạng này đánh giá dựa trên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ. Điểm số về sáng tạo đổi mới của Trung Quốc cao thứ 4 thế giới, sau Đức, Mỹ và Thuỵ Sĩ. Tuy nhiên, theo WEF, Trung Quốc cần "cải thiện sự đa dạng, hợp tác và cởi mở trong nhiều lĩnh vực".