22:56 07/10/2021

9 tháng: Tổng chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm 29,1%

Ánh Tuyết

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong 9 tháng năm 2021, tất cả các hãng hàng không Việt Nam chỉ thực hiện được 105.384 chuyến bay tương ứng với mức giảm 29,1% so với cùng kỳ...

Bamboo Airways tiếp tục dẫn đầu tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ.
Bamboo Airways tiếp tục dẫn đầu tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ.

Trong  đó, “tân binh” Vietravel Airlines xếp cuối bảng khi chỉ thực hiện được 1.287 chuyến bay. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng chuyến bay của hãng này bị giảm mạnh. Trong tháng 6, hãng bay mới này chỉ thực hiện được 22 chuyến bay, tháng 7 với 3 chuyến bay và từ tháng 8 trở đi không thực hiện chuyến bay nào, tương ứng mức giảm 100%.

 
Đáng chú ý, trong 6 hãng hàng không, Bamboo Airways đứng thứ 3 với 20.361 chuyến bay và là hãng bay duy nhất tăng trưởng dương tăng 14,5% chuyến bay so với cùng kỳ. Đây cũng là hãng bay có tỷ lệ bay đúng giờ cao nhất toàn ngành, với 96,9% chuyến bay đúng giờ, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đứng đầu bảng xếp hạng, Vietnam Airlines là hãng thực hiện nhiều chuyến bay nhất trong 9 tháng đầu với 39.544 chuyến bay, giảm 33,1% so với cùng kỳ 2020. Đứng thứ 2 là Vietjet Air với 35.071 chuyến bay, giảm 36,3% so với cùng kỳ. Bamboo Airways đứng thứ 3 với 20.361 chuyến bay và tăng 14,5% chuyến bay so với cùng kỳ.

Cũng theo tổng hợp số liệu khai thác các chuyến bay của Cục Hàng không Việt Nam,tỷ lệ bay đúng giờ của các hãng bay gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, lần lượt là 96,8%, 93% và 96,9% .

Tỷ lệ huỷ chuyến của toàn ngành hàng không nội địa trong 9 tháng đầu năm 2021 là 1,9%, tăng 1,0% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tỷ lệ chậm chuyến được cải thiện, khi chỉ còn 5,6%, giảm 9,9% so với 9 tháng đầu năm 2020. Vietnam Airlines là hãng có tỷ lệ huỷ chuyến cao nhất, với tỷ lệ 4,0% chuyến bay bị huỷ. Bamboo Airways là hãng bay có tỷ lệ huỷ chuyến thấp nhất với tỷ lệ 0,3%.

Thời gian qua, do “cú sốc” từ làn sóng thứ 4, không chỉ đường bay quốc tế, mà đường bay nội địa đều “đóng băng” hoàn toàn. Các hãng chỉ “cầm chừng” hoạt động với chuyến bay chở hàng và các chuyến bay kết hợp chở hành khách là công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 và các trường hợp có văn bản đồng ý di biến động của các địa phương liên quan, như chuyên chở công dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương, công dân di chuyển giữa hai địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội.

Nợ ngắn hạn phải trả của ba ông lớn ngành hàng không vẫn tiếp tục sinh sôi, cán mốc 50.000 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2021, Vietnam Airlines nợ quá hạn lên đến 13.337 tỷ đồng.

Còn Vietjet trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 báo có lãi gộp nhưng đó là do bán tài sản, bán cổ phiếu quỹ và kinh doanh tài chính. Thực chất, Vietjet cũng bị lỗ lớn ở trong ngành nghề kinh doanh chính của hãng là vận tải hàng không. Tính đến 30/6/2021, khoản vay ngắn hạn và nợ phải trả quá hạn của Vietjet đã lên tới 13.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng đối với các hãng hàng không, 10 đường bay nội địa sẽ được nối lại từ ngày 10/10 tới đây theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam dù trong giai đoạn đầu, tần suất khai thác khá khiêm tốn, hành khách sẽ phải ngồi giãn cách trên máy bay.

Bộ Giao thông vận tải cũng vừa đề xuất hai phương án để “phá băng” sân bay Nội Bài với chuyến bay nội địa thường lệ giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ ngày 10/10.