15:31 28/09/2021

Hãng hàng không tư nhân nói gì về giá sàn vé máy bay?

Ánh Tuyết

Liệu rằng khi áp giá sàn vé máy bay các tuyến nội địa, sẽ gây thiệt hại kinh tế cho nhiều ngành và làm mất cơ hội giao thông hàng không đối với người thu nhập thấp?...

Giá sàn vé máy bay đem lại nhiều hệ luỵ không mong đợi.
Giá sàn vé máy bay đem lại nhiều hệ luỵ không mong đợi.

Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJet) vừa có văn bản số 52- 21/VJC-FIN gửi Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam góp ý về Dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.

BẤT ĐỒNG ÁP GIÁ SÀN

Dẫn chứng hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật như Điều 51 Hiến pháp năm 2013; Điều 5 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 5 Luật Đầu tư 2020; Điều 6, Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018; Điều 5 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…, đại diện VietJet cho rằng việc ban hành giá sàn không đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp. 

 
Theo Luật Giá và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, hãng hàng không quyết định giá vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định, Nhà nước chỉ định khung giá đối với các tuyến bay nội địa độc quyền, không định khung giá đối với các tuyến bay nội địa đã có cạnh tranh và để thị trường điều tiết. 

Hiện nay gần như toàn bộ các tuyến bay nội địa đều có ít nhất từ hai hãng hàng không trở lên cùng khai thác, cho nên, không còn khái niệm “tuyến độc quyền” như trước đây. Bởi vậy, việc định khung giá của Nhà nước đối với các tuyến nội địa là không phù hợp. 

Đó là chưa nói việc quy định giá sàn đi ngược lại với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định quốc tế, tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Đại diện VietJet cũng chỉ rõ, việc dự kiến ban hành chính sách giá sàn nêu trong dự thảo thông tư chưa xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng và toàn diện những tác động tiêu cực của chính sách trên đối với các hãng hàng không tư nhân và các đối tượng khác chịu tác động trực tiếp bởi chính sách này như người tiêu dùng, các tổ chức cung ứng hàng hoá, dịch vụ có liên quan. 

GÂY THIỆT HẠI VỀ KINH TẾ

Đáng chú ý, ngoài việc vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…, đại diện VietJet cho rằng giá sàn sẽ làm mất đi cơ hội đi lại bằng đường hàng không của nhóm khách hàng có thu nhập thấp, công nhân, nông dân, người lao động. 

Năm 2010, lượng khách nội địa đi lại bằng đường hàng không năm 2010 chỉ hơn 10 triệu khách/năm. Với sự tham gia của VietJet, tổng thị trường năm 2019 đã lên đến 37,6 triệu lượt khách, tăng 3,7 lần trong vòng 10 năm.

Lượng khách bùng nổ không những có lợi cho hãng hàng không mà còn góp phần không nhỏ vào ngân sách Nhà nước từ các khoản nộp thuế, thu hộ, ngành phụ trợ.

Khi đó, “đưa thị trường vận chuyển hàng không quay trở về thực trạng của hàng thập kỷ trước đây là chỉ những công chức, thương gia, người có thu nhập cao trong xã hội mới có điều kiện đi lại bằng máy bay, còn người lao động nghèo, nông dân, công nhân sẽ lại phải quay về với các phương tiện vận tải khác”, VietJet khẳng định.

Đáng kể, quy định giá sàn vé máy bay là đòn giáng mạnh vào ngành du lịch vốn đã rất khó khăn 2 năm qua. Một trong những yếu tố thu hút số lượng lớn khách du lịch kể cả nội địa và quốc tế trong những năm qua phải kể đến vai trò của hãng hàng không chi phí thấp, hàng không giá rẻ. Đề xuất giá sàn đồng nghĩa với việc bắt buộc các hãng hàng không đồng loạt nâng giá vé máy bay làm tăng chi phí các dịch vụ du lịch. 

 
“Áp dụng giá sàn khiến nhu cầu đi lại sụt giảm, nguồn thu quốc gia từ hoạt động hàng không sụt giảm và kéo theo hệ lụy từ các ngành phụ trợ, dịch vụ”.
Văn bản kiến nghị của VietJet Air.

Ngoài ra, đi lại là yếu tố thiết yếu trong chi phí sản xuất. Tăng giá vé máy bay không những làm khách nội địa giảm, mà lượng khách quốc tế cũng giảm theo do chi phí du lịch tăng cao, kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực, có khả năng làm hiệu ứng cánh bướm gây ra lạm phát.

Do vậy, VietJet kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải không quy định giá tối thiểu (giá sàn) vé máy bay trên các tuyến bay nội địa. Từ đó, người dân có thu nhập thấp và trung bình có cơ hội đi máy bay đặc biệt là sau dịch Covid-19 với nhiều mức giá được kê khai từ thấp đến cao, linh hoạt, với các khung giờ trong ngày, ngày trong tuần và tạo điều kiện để ngành hàng không “trở lại bầu trời” và ngành du lịch cũng có điều kiện nhanh chóng phục hồi.

Do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thu nhập của người dân bị thâm hụt nặng nề trong thời gian giãn cách, nhu cầu đi lại, giao thương giảm mạnh, Cục Hàng không, Chính phủ cần chung tay hỗ trợ các hãng hàng không giảm giá vé để khuyến khích nhu cầu đi lại, phục hồi thị trường vận tải hàng không. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ cho các hãng hàng không vượt quá khó khăn.

 
Ngày 8/9/2021, Cục Hàng không Việt Nam có Công văn số 3813 gửi các hãng hàng không về việc lấy ý kiến đối với dự thảo "Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022".
Trong đó, dự thảo quy định mức giá tối thiểu/tối đa đối với chiều dài các cung đường như sau:
- Dưới 500 km: 320.000 đồng và 1.600.000 đồng đối với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội và 340.000 đồng – 1.700.000 đồng đối với nhóm đường bay khác dưới 500 km.
- Từ 500 km – dưới 850 km: 440.000 đồng – 2.200.000 đồng
- Từ 850 km – dưới 1.000 km: 560.000 đồng – 2.790.000 đồng
- Từ 1.000 km – dưới 1.280 km: 640.000 – 3.200.000 đồng
- Từ 1.280 km trở lên: 750.000 – 3.750.000 đồng.