15:46 26/05/2007

An Phát khởi công nhà máy tái chế hạt nhựa và sản xuất bao bì

Tùy Phong

Công ty này đang có kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2008

Quang cảnh lễ khởi công xây dựng nhà máy.
Quang cảnh lễ khởi công xây dựng nhà máy.
Ngày 26/5, Công ty Cổ phần Nhựa và Bao bì An Phát đã khởi công xây dựng nhà máy tái chế hạt nhựa và sản xuất bao bì số 2 tại Khu công nghiệp An Đồng (Hải Dương).

Nhà máy được xây dựng nhằm mục đích tái chế phế liệu để sản xuất hạt nhựa tái sinh phục vụ cho sản xuất của nhà máy số 1 của An Phát (đặt tại Khu công nghiệp Nam Sách, đang sản xuất bao bì nhựa PE với công suất khoảng 3,600 tấn túi/năm), và cung cấp cho thị trường cả nước.

Theo An Phát, việc xây dựng nhà máy tái chế phế liệu và sản xuất bao bì xuất khẩu này sẽ góp phần giảm thiểu tác hại của rác thải nilon đối với môi trường tại miền Bắc, khi hàng tháng khu vực này có khoảng 8.000 tấn chất thải phế liệu nhựa các loại, trong đó có khoảng 4.000 tấn nilon. Toàn bộ số nilon này đều là loại khó phân huỷ, gây ô nhiễm cao.

Với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 24 tỷ đồng, công suất dự kiến của nhà máy số 2 khoảng 3.600 tấn hạt nhựa/năm.

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhựa và Bao bì An Phát, cho biết, với hai nhà máy tại tỉnh Hải Dương, An Phát sẽ tạo việc làm cho lao động của địa phương, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

“Định hướng của công ty là trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Hải Dương và của ngành nhựa Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2010, An Phát trở thành nhà tái chế màng nhựa và sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Việt Nam, và đến năm 2012 sẽ là nhà sản xuất bao bì lớn nhựa lớn nhất Việt Nam”, ông nói.

Và để thực hiện thành công định hướng phát triển trên, An Phát có kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2008.

Cũng tại lễ khởi công, An Phát đã ký một số hợp đồng về bao bì xuất khẩu và dây chuyển sản xuất với một số đối tác trong và ngoài nước.

Một số nghiên cứu thị trường cho thấy, tốc độ tăng trưởng hàng năm sản phẩm bao bì nhựa trong thời điểm hiện tại khoảng 30% và sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Năm 2005, mức sản phẩm nhựa bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 20 kg/người, trong khi đó từ năm 2000 ở một số nước mức tiêu thụ đã cao hơn Việt Nam nhiều lần, như: Mỹ 108,5 kg/người, Nhật Bản 85 kg/người, Singapore 105,5 kg/người. Tuy nhiên, sự phát triển của các nhà máy sản xuất nhựa ở Việt Nam vẫn chưa đủ để đáp ứng thị trường.