07:00 22/11/2023

An sinh trong thời kỳ mới: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Dũng Hiếu

Bảo đảm an sinh xã hội trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Những năm qua, công tác an sinh xã hội ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực, chính sách không ngừng cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bảo đảm an sinh xã hội trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước
Bảo đảm an sinh xã hội trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước

An sinh xã hội là sự bảo đảm thực hiện các quyền để con người được an bình, bảo đảm an ninh, an toàn trong xã hội.

Theo nghĩa hẹp, an sinh xã hội là sự bảo đảm thu nhập và một số điều kiện thiết yếu khác cho cá nhân, gia đình và cộng đồng trong trường hợp bị giảm hoặc mất thu nhập vì lý do bị giảm hoặc mất khả năng lao động hay mất việc làm; cho những người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người yếu thế, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa...

CÔNG TÁC AN SINH ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU THÀNH QUẢ TÍCH CỰC

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới, hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói, giảm nghèo; trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân, hướng tới hỗ trợ toàn diện cho người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong suốt thời gian qua, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, các chương trình như: cả nước chung tay vì người nghèo; Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”... được triển khai những năm qua đã góp phần chăm lo giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Hỗ trợ sửa chữa nhà cho bà con nghèo vùng cao
Hỗ trợ sửa chữa nhà cho bà con nghèo vùng cao

Đặc biệt thời kỳ dịch Covid-19, tinh thần tương thân tương ái đã được nâng cao. Trong giai đoạn 2020-2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và thực hiện an sinh xã hội được hơn 19.313 tỷ đồng; trong đó, Quỹ Vì người nghèo 4 cấp vận động được hơn 3.865 tỷ đồng, vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương hơn 15.448 tỷ đồng.

Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 102.910 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hơn 2,4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khám, chữa bệnh; giúp đỡ 593.034 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ 663.771 lượt người phát triển sản xuất.

Cùng với chính sách vì người nghèo, nhiều chính sách an sinh xã hội khác cũng được thực hiện tốt. Theo Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh, trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo để các nhóm dễ bị tổn thương cũng được thụ hưởng các thành tựu kinh tế - xã hội một cách công bằng như mọi người dân.

 

"Tính đến giữa tháng 8/2020, khoảng 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tổng số tiền giải ngân chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, những người được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động có bảo hiểm, lao động là người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này".

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Nhiều chương trình hành động cấp quốc gia được ban hành và thực hiện bao trùm, bao gồm chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, chương trình bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030…

“Những chính sách này đã và đang góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt trước những tác động của các xu hướng mới nổi hiện nay như dịch bệnh, biến đổi khí hậu và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Thanh đánh giá.

Theo số liệu từ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 3 triệu đối tượng; trong đó hơn 1,8 triệu người cao tuổi; 1,1 triệu người khuyết tật; 49 nghìn trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi...

Hàng trăm các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc người khuyết tật, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người tâm thần và trung tâm công tác xã hội hoạt động hiệu quả. Trong đó, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho người lớn và trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ 19,3%, người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS chiếm tỷ lệ 1,4%. Công tác cứu trợ, hỗ trợ thiên tai được thực hiện tốt…

Những nỗ lực trong công tác an sinh xã hội thời gian qua cũng cho thấy sự chung tay, góp sức của toàn dân, của các cá nhân, tổ chức, các nhà hảo tâm và của chính những người dân.

NHÀ NƯỚC – DOANH NGHIỆP – NGƯỜI DÂN CÙNG ĐỒNG HÀNH

Chính sách an sinh xã hội đã khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong xu thế chuyển đổi số, chính sách này cần phải thích ứng và tạo cơ chế bao phủ toàn diện, an toàn, hiệu quả hài hòa khi Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng đồng hành.

Qua báo cáo của các bộ, ngành cùng với công tác khảo sát thực tiễn về thực hiện an sinh, nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đánh giá thành tựu về an sinh xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số những năm qua rất đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được cũng còn tồn tại một số hạn chế trong vấn đề này.

TS.Nguyễn Tiến Hùng, Học viện Chính sách và Phát triển chỉ ra rằng tư duy quản lý về an sinh xã hội vẫn chưa theo kịp quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và nền kinh tế số.

Các chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển an sinh xã hội chưa bám sát thực tiễn cơ sở; sự chủ động, thích ứng, nhạy bén, sáng tạo trong quản lý, điều hành chưa được cải thiện.

Thể chế an sinh xã hội còn chậm đổi mới, thiếu đồng bộ; pháp luật về an sinh chưa hiệu quả. Một số văn bản quản lý vừa được ban hành đã có những bất cập, đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung…

tặng bò cho hộ nghèo tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
tặng bò cho hộ nghèo tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum

Các sản phẩm dịch vụ an sinh xã hội vẫn chưa thực sự sáng tạo, phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Hệ thống an sinh xã hội chưa bao phủ hết các mặt, các lĩnh vực, đối tượng tham gia còn hẹp. Quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản chưa cao, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phân tích: theo Báo cáo của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, tính đến giữa tháng 8/2020, khoảng 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tổng số tiền giải ngân chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2023 phát hành ngày 20-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

An sinh trong thời kỳ mới: “Không để ai bị bỏ lại phía sau” - Ảnh 1