20:41 06/03/2023

Áp lực tỷ giá trở lại

Phan Linh

Fed có khả năng kéo dài việc tăng lãi suất với mức lãi suất cuối cùng (ultimate rate) cao hơn dự tính hồi cuối tháng 12/2022. Trong nước, nhiều chỉ số quan trọng như kim ngạch xuất nhập khẩu; tổng vốn FDI đăng ký và thực hiện... đều đang trong đà giảm.

Đến đầu tháng 3, VND đã giảm giá trở lại 0,6% so với USD.
Đến đầu tháng 3, VND đã giảm giá trở lại 0,6% so với USD.

Theo cập nhật của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại đạt khoảng 92,43 tỷ USD. Riêng trong tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm khoảng 650 triệu USD. Động thái mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện kể từ tháng 1/2023. Song, giới phân tích nhận định áp lực tỷ giá vẫn chưa nguôi ngoai.

So với cuối năm 2022, tính tới ngày 03/3/2023, đồng VND đã giảm giá trở lại 0,6% so với đồng USD.

Nhiều đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á cũng đã có diễn biến giảm trở lại so với cuối năm 2022. Trong đó, đồng Won của Hàn Quốc là đồng tiền có diễn biến mất giá cao nhất – 3,94%, trong khi đồng Rupiah của Indonesia là đồng tiền vẫn đang tăng giá 2,43% kể từ đầu năm.

Nguồn: BVSC.
Nguồn: BVSC.

Các số liệu vĩ mô công bố gần đây liên quan đến thị trường việc làm và lạm phát của Mỹ đều không ủng hộ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ và dừng tăng lãi suất.

Chỉ số PCE – thước đo lạm phát ưa thích của Fed trong tháng 1/2023 thậm chí còn tăng cao hơn tháng 12/2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 40 năm đã khiến cho thị trường lo ngại nhiều hơn về khả năng Fed phải kéo dài việc tăng lãi suất với mức lãi suất cuối cùng (ultimate rate) cao hơn dự tính hồi cuối tháng 12. Điều này đã khiến cho chỉ số DXY có diễn biến tăng trở lại, qua đó tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới.

Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin quan trọng từ phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell về chính sách tiền tệ của Fed, kéo dài 2 ngày 07-08/03 theo giờ Việt Nam. Bên cạnh đó, báo cáo thị trường lao động chi tiết của Mỹ sẽ được Bộ Lao động nước này công bố ngày 10/03.

Ở trong nước, báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 2 do Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy áp lực lên tỷ giá gia tăng. 

 

Mặt bằng lãi suất trong nước hiện đã giảm kể từ mức cao của tháng 1, tuy nhiên giới phân tích nhận định mức giảm của lãi suất sẽ chậm lại trong 2-3 tháng tới cho đến khi áp lực tỷ giá giảm bớt. 

Mặc dù cán cân thương mại tháng 2 ước xuất siêu 2,3 tỷ USD, tính chung 2 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD; du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế 2 tháng đạt hơn 1,8 triệu lượt khách, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước….song thị trường xuất khẩu suy giảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh có nhiều diễn biến đáng lưu tâm.

Hai tháng, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%. Đáng nói là, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), thấp nhất trong cùng kỳ hai tháng từ năm 2001 đến nay. Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực, thực phẩm… đều giảm hoặc tăng thấp, cá biệt ngành sản xuất thiết bị điện giảm trên 50%.

Mặc dù cán cân thương mại thặng dư khá, song kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu  và nhập khẩu hàng hóa 02 tháng đều giảm lần lượt là 13,2%, 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư nước ngoài giảm khi tổng vốn FDI đăng ký đến 20/02 ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so cùng kỳ 2022; vốn FDI thực hiện đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9%. 

Chỉ số CPI cơ bản đã tăng 5,08% so với cùng kỳ trong tháng 2. CPI cốt lõi duy trì xu hướng tăng mạnh và vượt lên CPI toàn phần. Tình trạng lạm phát cốt lõi gia tăng vẫn đang gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo BVSC, áp lực đối với chỉ số lạm phát của Việt Nam vẫn còn hiện hữu khi giá của nhiều mặt hàng vẫn đang ở mặt bằng cao so với cùng kỳ - như học phí, dịch vụ ăn uống, giá thuê nhà, và một số vật liệu xây dựng, trong khi năm 2023, những hỗ trợ để giảm giá không còn lớn như năm 2022.

Ngoài ra, từ đầu tháng 2, khung giá của mức bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng sau hơn 5 năm. Đây sẽ tạo tiền đề để điều chỉnh tăng giá điện bán lẻ sau này. Do đó, trong năm 2023, chỉ số CPI vẫn sẽ ở mức cao trong các tháng tới và lạm phát cả năm ở mức 4-4,5%.

Với áp lực lạm phát vẫn còn, trong bối cảnh áp lực tỷ giá quay trở lại khi Fed vẫn đang tăng lãi suất, các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng như hiện nay.

Mặt bằng lãi suất trong nước hiện đã giảm kể từ mức cao của tháng 1/2023, tuy nhiên giới phân tích nhận định mức giảm của lãi suất sẽ chậm lại trong 2-3 tháng tới cho đến khi áp lực tỷ giá giảm bớt.