07:50 21/02/2017

Băn khoăn xử lý hình sự vi phạm về an toàn thực phẩm

Nguyễn Lê

Vi phạm về an toàn thực phẩm rất khó chứng minh hậu quả, có thứ ăn vào 5-10 năm sau mới sinh bệnh

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận.
An toàn thực phẩm đang ở mức báo động, sao lại sửa luật theo hướng giảm nhẹ? Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, sáng 20/2.
 
Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (điều 317 của Bộ luật Hình sự 2015) là một trong những nội dung lớn được Uỷ ban Tư pháp báo cáo trước khi thảo luận.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, có ý kiến cho rằng, cần bổ sung định lượng vào điểm a và điểm b khoản 1 điều 317 nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đang xảy ra phổ biến hiện nay.

Theo Uỷ ban Tư pháp, điểm a, b và c khoản 1 điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả trên thực tế đã xử lý hình sự là quá nặng. 

Thời gian qua dư luận xã hội bức xúc với thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ từ quản lý nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm, nếu làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính thì sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này, cơ quan thẩm tra phân tích.

Quan điểm được cơ quan thẩm tra dự án luật nhấn mạnh là việc xử lý hình sự phải tránh tràn lan, cần tập trung vào các đối tượng cố ý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. 

Đối với các hộ nông dân, hộ buôn bán nhỏ lẻ, do thiếu hiểu biết mà vi phạm thì chỉ nên xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 

Đang làm trưởng đoàn giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay nên Quốc hội mới phải giám sát tối cao.

Và dù mới chỉ được nửa chặng đường nhưng kết quả giám sát cho thấy an toàn thực phẩm đã ở mức độ báo động, có môt số địa phương đã đến giới hạn đỏ, có nhiều vụ nghiêm trọng. Nhưng, nếu sửa như dự thảo mới nhất thì là xử lý theo hướng giảm nhẹ, hoặc là khó có thể xử lý hình sự.

 Vừa qua có đến hàng ngàn vụ vi phạm, 165 người chết trong 5 năm qua, nếu sửa thế này thì không xử được ai, ông Hiển lo lắng.

Ý kiến của ông Hiển nhận được sự đồng tình tại phiên thảo luận.

Cũng đề cập điều 317, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình nói tội vi phạm về an toàn thực phẩm rất khó chứng minh hậu quả, vì có những thứ ăn vào 5 - 10 năm sau mới sinh bệnh, mới ung thư.

Quy định như dự án luật thì không chứng minh được, cần cân nhắc, ông Bình nói.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói đây là  vấn đề vô cùng phức tạp, dễ có khả năng rơi vào tình trạng hình sự hoá tràn lan. Bà Nga cho rằng Chính phủ cần có ý kiến chính thức về nội dung này.

Bên cạnh an toàn thực phẩm, quy định về tội gây ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận.

Uỷ ban Tư pháp dẫn báo cáo ngày 18/1/2017 của Bộ Công an với nhận định tình trạng “gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất”. Nếu quy định như điều 235 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về mức độ xả thải ra môi trường thì nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua cũng không thể xử lý hình sự được.

 Vì vậy, để bảo đảm nghiêm trị các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Công an và một số bộ ngành, dự thảo luật mới dự kiến chỉnh lý một bước theo hướng hạ thấp một số mức định lượng về môi trường được quy định tại điều 235. 

Tuy nhiên, do đây là nội dung chuyên ngành sâu nhưng hiện nay chưa có sự thống nhất của một số bộ, ngành chuyên môn nên Thường trực Uỷ ban Tư pháp sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan, đồng thời đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này.