11:47 16/10/2008

Bán lẻ chuyên biệt, hướng đi mới

Mai Dung

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang hình thành các siêu thị chuyên biệt, đầu tiên là các siêu thị điện máy, laptop

Có nhiều nơi bán điện thoại di động nhưng người ta lại thích vào các siêu thị điện thoại di động hay các siêu thị số, nơi có nhiều mẫu mã và chủng loại để mua.
Có nhiều nơi bán điện thoại di động nhưng người ta lại thích vào các siêu thị điện thoại di động hay các siêu thị số, nơi có nhiều mẫu mã và chủng loại để mua.
Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm. Trong tương lai gần, mô hình siêu thị chuyên biệt sẽ thỏa mãn được sự lựa chọn khắt khe này.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang hình thành các siêu thị chuyên biệt mà biểu hiện đầu tiên là các siêu thị điện máy, laptop, thế giới số, điện thoại di động.

Gia tăng giá trị

Theo ông Đào Xuân Khương, Tổng giám đốc siêu thị Melinh Plaza, ở các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật đã hình thành các siêu thị chuyên biệt như siêu thị vật liệu xây dựng diện tích từ 10.000-14.000m2, siêu thị thuốc, siêu thị cây xanh, siêu thị đồ gỗ, siêu thị điện tử, siêu thị xi măng, siêu thị sơn, siêu thị giấy dán tường... Còn tại Việt Nam hiện nay đã hình thành siêu thị chuyên biệt về hàng điện máy, về điện thoại di động. Đây chính là mô hình mở ra để đón đầu nhu cầu mua sắm của giới trẻ.

Trên thế giới, ở những nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản các siêu thị tổng hợp đang dần nhường chỗ cho các siêu thị chuyên biệt và xu hướng này, theo giáo sư Masayoshi Maruyama, Khoa sau đại học quản trị kinh doanh, Trường đại học Kobe (Nhật Bản), cũng sẽ xảy ra với các siêu thị tại Việt Nam trong thời gian tới. Đối với các siêu thị thực phẩm cũng sẽ dần dần tạo sự chuyên biệt nhắm vào đối tượng là những người tiêu dùng già hơn. Theo đó, sẽ hình thành các siêu thị thực phẩm tươi sống riêng, siêu thị thực phẩm khô riêng.

Với hàng tươi sống, theo nghiên cứu của GS. Maruyama, hệ thống chợ truyền thống tại Việt Nam rất cạnh tranh về mặt giá, độ tươi sống và sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Trong khi đó, các siêu thị tại Việt Nam hệ thống kho lạnh và giao nhận chưa đảm bảo nên không thu hút được người tiêu dùng dùng sản phẩm tươi sống ở siêu thị. Cho nên có thể hiểu vì sao trong thời gian qua các chợ tại các trung tâm thành phố được nâng cấp như chợ Cửa Nam, chợ Bưởi, chợ Mơ... ở Hà Nội là để nhắm vào yếu tố văn hóa tiêu dùng.

“Người Việt vẫn tin tưởng yếu tố tươi sống ở đó”, giáo sư nói. “Ở Nhật có mô hình giao hàng dựa trên nhiệt độ (Temperature controlled delivery system) theo đó, người ta tính sản phẩm cứ 5 độ C thì giao 3 chuyến một tuần, 20 độ C thì 2 chuyến một ngày. Ví dụ kem để ở 5 độ C, cá 5 độ C...”.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Siêu thị 24h cho rằng trong tương lai các đại siêu thị kinh doanh những mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ không có đất sống. “Người ta có thể mua những sản phẩm này ở những cửa hàng tiện lợi gần nhà hoặc gọi điện mua hàng thay vì phải đi cả một chặng đường xa”, ông Lưu giải thích. “Người ta đến siêu thị để chơi, mua những mặt hàng giá trị như kính, đồng hồ... và các siêu thị lớn nên đi vào mô hình kết hợp vui chơi giải trí và mua sắm”.

Mặc dù đồng ý quan điểm là sẽ hình thành các mô hình siêu thị chuyên biệt nhưng theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Bourbon, mô hình siêu thị chuyên biệt chỉ dành cho một số lĩnh vực như vật liệu xây dựng, còn những lĩnh vực khác vẫn phát triển bình thường.

“Trên thế giới các mô hình bán lẻ song song vẫn tồn tại và mỗi mô hình có một lợi điểm riêng”, ông Dũng nói. “Ví dụ ở đại siêu thị lợi thế là đáp ứng nhu cầu đa dạng của đông đảo người dân trong khi các siêu thị nhỏ hay cửa hàng tiện lợi thì cung cấp các nhu cầu thiết yếu hàng ngày ngay gần nhà”.

Đáp ứng nhu cầu lựa chọn

Theo giáo sư Maruyama, đối với người tiêu dùng cái quan trọng nhất là sự lựa chọn. Vào một siêu thị, người ta không đơn thuần chỉ là mua sản phẩm mà quan trọng là thỏa mãn được sự lựa chọn của họ. Điều này có thể giải thích vì sao có nhiều nơi bán điện thoại di động nhưng người ta lại thích vào các siêu thị điện thoại di động hay các siêu thị số, nơi có nhiều mẫu mã và chủng loại để mua.

Nếu như trước đây mua sắm tại một điểm dừng (one stop shoping-OSS) được hiểu theo nghĩa mua nhiều mặt hàng tại một nơi thì nay xu hướng mua sắm này được hiểu người tiêu dùng sẽ đến những siêu thị chuyên biệt là có tất cả các mẫu mã thuộc cùng một loại để mua như quần áo, giấy dép... “Siêu thị hơn các mô hình khác là OSS còn giá cả thì đắt hơn nhưng bù lại có nhiều sự lựa chọn và không tốn công sức đi lại nhiều”, ông Khương nói.

Theo ông Khương, các siêu thị tổng hợp không thể đáp ứng hết sự lựa chọn của người tiêu dùng ngày càng tăng nên sẽ khó tồn tại trong thời gian tới. “Chẳng hạn siêu thị tổng hợp có 30.000 sản phẩm nhưng có tới 1.000 mã hàng như vậy mỗi mã hàng chỉ có 3 sản phẩm”, ông giải thích. “Còn ở siêu thị chuyên biệt chỉ có 10.000 sản phẩm nhưng có 100 mã hàng, một mã hàng như cái cốc chẳng hạn có 10 nhà cung cấp khác nhau như vậy thỏa mãn được sự lựa chọn của người tiêu dùng”.