11:15 14/12/2007

Bán lẻ: Cuộc đua giành thị phần 50 tỉ USD

Doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt mức 36 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái và ước sẽ đạt trên 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010

Metro là một trong những tập đoàn phân phối đến Việt Nam sớm nhất.
Metro là một trong những tập đoàn phân phối đến Việt Nam sớm nhất.
Doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt mức 36 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái và ước sẽ đạt trên 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang nỗ lực chen chân vào thị trường vốn được đánh giá là có tiềm năng lớn thứ hai châu Á và thứ tư trên thế giới hiện nay.

Các tập đoàn lớn đã “phục” sẵn

Sự kiện Công ty GR Vietnam Holdings Limited, thuộc tập đoàn Golden Resource Development International (Hồng Kông) mới đây bắt tay cùng với Công ty Lương thực Tp.HCM (Foocosa) để phát triển 500 cửa hàng tiện ích trong nước đang gây sự chú ý của nhiều nhà phân phối trong và ngoài nước. Với kế hoạch này, hai bên sẽ thành lập một công ty liên doanh có vốn điều lệ 11 triệu đô la Mỹ, trong đó Foocosa sẽ góp 51% vốn nhằm triển khai hoạt động sớm trong năm 2008.

Dự kiến, 40 cửa hàng tiện ích đầu tiên của liên doanh sẽ ra đời vào giữa năm 2008 chủ yếu đặt ở những khu dân cư trên địa bàn Tp.HCM và các vùng lân cận. Trước mắt, liên doanh sẽ nâng cấp hơn 20 cửa hàng hiện hữu của Foocosa để nhanh chóng xâm nhập vào thị trường Tp.HCM.

Quả thật, lộ trình mở cửa lĩnh vực phân phối theo cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ 49% vốn trong các liên doanh kể từ đầu năm đến nay đang thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư.

Ngoài GR xâm nhập vào thị trường phân phối Việt Nam thông qua việc liên kết với một đối tác trong nước, một số công ty phân phối nước ngoài lớn khác cũng có hướng đi này nhằm tận dụng lợi thế mặt bằng sẵn có của các doanh nghiệp trong nước để nhanh chóng có mặt tại thị trường Việt Nam như trường hợp Lotte hay Dairy Farm...

Tuy nhiên, một số tập đoàn phân phối lớn khác lại muốn làm chủ hoàn toàn việc quản lý và kinh doanh của mình ở Việt Nam - một thị trường được đánh giá là tiềm năng lâu dài, bởi loại hình kinh doanh bán lẻ còn quá sơ khai ở Việt Nam và doanh số bán hàng theo mô hình hiện đại hiện chiếm chưa đến 20% so với các chợ truyền thống.

Vì thế, với nhiều doanh nghiệp đây là thời gian để chuẩn bị nhằm sẵn sàng bước vào kinh doanh khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn lĩnh vực phân phối theo lộ trình cam kết với WTO.

Ông Rik Mekkelholt, Trưởng phòng phụ trách tư vấn kinh doanh bán lẻ của Công ty CBRE Việt Nam, cho biết hiện có ít nhất ba tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới là Tesco, Wal-Mart và Carrefour đang sẵn sàng tham gia thị trường khi Việt Nam chính thức cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động dưới hình thức 100% vốn nước ngoài.

“Những tập đoàn này đã có kế hoạch lập văn phòng đại diện và đã khảo sát địa điểm để sẵn sàng cho việc kinh doanh của mình, ông Mekkelholt nói. Việt Nam sẽ chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường cho các công ty phân phối 100% vốn nước ngoài từ ngày 1/1/2009.

Ông Mekkelholt cho biết, nhiều dự án phát triển bất động sản lớn tại Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, trong đó có các khu thương mại đã được nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài “xí chỗ” để sẵn sàng cho việc kinh doanh. Có doanh nghiệp đã đặt vấn đề với CBRE Việt Nam tìm giúp một mặt bằng trung tâm thương mại rộng 40.000 mét vuông để mở đại siêu thị, trong khi cả thành phố hiện chỉ có khoảng 140.000 mét vuông mặt bằng trung tâm thương mại và siêu thị.

Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, nhân tố chính củng cố sự lạc quan của các nhà kinh doanh bán lẻ chính là cơ cấu dân số của Việt Nam. Có khoảng 70% dân số Việt Nam hiện đang trong độ tuổi dưới 35 và Việt Nam có một số lượng lớn những công dân thành thị trẻ tuổi có thu nhập tăng đều và thị hiếu đang thay đổi.

Tại khu vực thành thị, số hộ gia đình có thu nhập hàng tháng nằm trong khoảng từ 600 đô la Mỹ đến 1.000 đô la Mỹ đang tăng lên nhanh chóng. Tiếp sau đó là những hộ gia đình có thu nhập trên 1.000 đô la Mỹ.

Thu nhập tăng và tập quán tiêu dùng thay đổi đang thúc đẩy sức tiêu dùng gia tăng; mức chi tiêu cho các loại hàng tiêu dùng tăng 20% mỗi năm. Năm 2000, doanh số bán lẻ tại Việt Nam chỉ đạt mức 15 tỉ đô la Mỹ, năm 2006 đạt mức 36 tỉ đô la Mỹ và đến năm 2010 dự kiến con số này sẽ vượt mức 50 tỉ đô la Mỹ.

Chưa sẵn sàng hạ tầng

Theo CBRE Việt Nam, hiện loại mặt bằng phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh bán lẻ đang thiếu hụt trầm trọng tại các thành phố lớn. Hầu hết các mặt bằng hiện hữu không đạt tiêu chuẩn quốc tế và để đảm bảo chỗ đứng của mình, nhiều nhà kinh doanh bán lẻ quốc tế đã phải chọn giải pháp cải tạo các cửa hàng mặt tiền trong khi chờ đợi những mặt bằng có chất lượng tốt.

Tại Tp.HCM, 13 trung tâm thương mại cung cấp cho thị trường được khoảng 140.000 mét vuông mặt bằng kinh doanh bán lẻ, trong đó Hùng Vương Plaza là trung tâm lớn nhất nhưng chỉ cung cấp được 33.000 mét vuông diện tích. Tỷ lệ thuê mặt bằng tại những trung tâm này hiện ở mức 99%. Tương tự, Hà Nội có khoảng 100.000 mét vuông mặt bằng kinh doanh bán lẻ tại sáu trung tâm thương mại với tỉ lệ thuê mặt bằng cũng gần 100%.

Do sự mất cân đối giữa cung và cầu, nên giá cho thuê mặt bằng kinh doanh trong thời gian qua ngày càng tăng và dự đoán giá thuê sẽ còn tiếp tục tăng cao. Giá thuê trung bình tại Tp.HCM và Hà Nội đã tăng nhanh chóng kể từ năm 2002 và đạt mức 40 đô la Mỹ/mét vuông/tháng vào cuối quí 3/2007.

Riêng giá thuê ở những mặt bằng tại những vị trí đẹp, hoặc tại khu trung tâm kinh doanh thương mại và tầng trệt của các trung tâm thương mại lớn lên đến 200 đô la Mỹ/m2/tháng. “Đây là điều chưa từng thấy tại Việt Nam trước đây. Nhưng giá thuê này vẫn chỉ nằm ở mức trung bình so với so với giá thuê mặt bằng kinh doanh bán lẻ trong khu vực”, ông Mekkelholt nói.

Theo ông, trong khi làn sóng các dự án xây dựng các trung tâm thương mại đang được đầu tư phát triển, thì nhu cầu đối với các mặt bằng kinh doanh bán lẻ lớn trong khoảng thời gian chờ đợi đến thời điểm mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ vào năm 2009 được dự đoán là sẽ còn tăng liên tục do các nhà kinh doanh bán lẻ Việt Nam và nước ngoài đang tranh nhau tìm kiếm mặt bằng có chất lượng.

Trước những khó khăn trên, nhiều dự án khu thương mại lớn đang được gấp rút xây dựng tại các thành phố lớn, dự kiến sẽ hoàn thành trong hai ba năm tới. Dự kiến sẽ có khoảng 350.000 mét vuông mặt bằng sẽ tham gia vào thị trường kinh doanh bán lẻ tại Tp.HCM vào cuối năm 2011 và 380.000 mét vuông đang được đầu tư phát triển tại Hà Nội.

Điều khác biệt so với hiện nay là nhiều dự án đầu tư mới trong số này sẽ nằm ngoài khu trung tâm thành phố - tại các quận có những khu dân cư có mức sống cao đang hình thành. Do sẽ có nhiều nguồn cung góp mặt vào thị trường trong hai - ba năm đến nên việc tăng giá có thể sẽ chậm lại.