09:28 30/08/2007

Bán lẻ điện thoại di động tranh hùng

FPT đang khai trương một loạt cửa hàng bán lẻ điện thoại di động, làm dấy lên một cuộc tranh hùng giữa các thương hiệu bán lẻ lớn

Cửa hàng [IN] của FRT trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Tp.HCM vừa khai trương ngày 28/8.
Cửa hàng [IN] của FRT trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Tp.HCM vừa khai trương ngày 28/8.
Công ty TNHH Bán lẻ FPT (FPT Retail-FRT) đã và đang có một lịch trình dày đặc khai trương hàng loạt cửa hàng bán lẻ điện thoại di động và máy tính xách tay với tên gọi [IN] tại Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hoá, Vinh, Đà Nẵng.

Động thái này đang trực tiếp làm dấy lên một cuộc tranh hùng giữa các thương hiệu lớn bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam.

Từ bán sỉ đến bán lẻ

Theo lý giải một cách thường tình nhất, một khi FRT đi vào hoạt động, FPT sẽ khép kín từ bán sỉ đến bán lẻ, chả khác nào "cọp mọc thêm cánh". Theo ông Lê Quang Vu – Giám đốc điều hành của FRT ở phía nam, con số 9 cửa hàng (riêng Hà Nội và Tp.HCM mỗi nơi có 2 cửa hàng) sẽ được giữ nguyên cho đến hết năm 2007.
Sang 2008, số cửa hàng sẽ tăng lên 60. Năm 2009, FRT dự kiến sẽ đạt doanh thu 400 triệu USD, với 100 cửa hàng [IN] trên cả nước. Doanh số 400 triệu USD vào năm 2009, tính ra, mỗi cửa hàng mỗi ngày phải đạt doanh số khoảng 11.000USD.

Điều này đã có đơn vị làm được và còn hơn thế. Công ty Thế Giới Di Động đến thời điểm tháng 7 có 12 cửa hàng tại các tỉnh và thành phố, đạt tổng doanh số 85 tỉ đồng/tháng. Bình quân mỗi ngày, mỗi cửa hàng của Thế Giới Di Động đạt doanh thu trên 236 triệu đồng.

Thị trường sẽ bị chia ra sao?

"9 cửa hàng chúng tôi khai trương đợt đầu tiên mang tính thử nghiệm xem hệ thống hoạt động như thế nào để hoàn thiện thêm, sang năm 2008 mới khai trương đại trà", ông Vu nói. Nhưng ông cũng cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm 2008, chúng tôi không chắc mở thêm được bao nhiêu cửa hàng ở hai Hà Nội và Tp.HCM, vì rất khó kiếm mặt bằng".

Chính ở những nơi càng khó tìm được mặt bằng thì càng diễn ra cạnh tranh gay gắt và có tính quyết định đến ngôi vị bán lẻ trên thị trường. Bản thân thương hiệu FPT đã là một thế lực lớn. Cho nên dù FRT chỉ khai trương 9/100 cửa hàng trong đợt này cũng đã khiến các nhà bán lẻ "có số có má" khác phải dõi theo sát sao.

Những nhà bán lẻ này lo lắng, FPT với tư cách đang là nhà phân phối chính thức cho Nokia, Motorola và phân phối độc quyền cho Samsung tại Việt Nam, sẽ dành ưu đãi nhiều hơn cho "người nhà" FRT để tạo lợi thế cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác cũng lấy hàng từ FPT.

Dù ông Vu bác bỏ điều này, nhưng các nhà bán lẻ và giới am hiểu thị trường bán lẻ điện thoại di động vẫn cho rằng: "Người nhà với nhau thì có cả trăm cách để dành cho sự ưu ái".

Đề cập tới khả năng này, ông Nguyễn Đức Tài – Giám đốc điều hành Công ty Thế Giới Di Động - nói: "Không chỉ các nhà bán lẻ như chúng tôi, mà cả các hãng cũng thấy không ổn và họ đang theo dõi. Bởi tình trạng trên đã từng xảy ra".

Thị trường bán lẻ điện thoại di động gần đây đã có những thay đổi rõ nét. Hệ thống Nettra, với 115 cửa hàng trên toàn quốc, đã rút khỏi lĩnh vực này sau hơn 1 năm hoạt động không thành công. Viettel Telecom (VT) đã đàm phán để mua lại hệ thống này. Thời gian qua, hệ thống bán lẻ của VT chưa tạo được vị thế trên thị trường.

Ông Vu nhìn nhận, Thế Giới Di Động và Viễn thông A, Nguyễn Kim là các nhà bán lẻ điện thoại di động và máy tính xách tay đáng để FRT quan tâm. Thế Giới Di Động - nhà bán lẻ điện thoại di động số 1 hiện nay, mỗi tháng bán trên 30.000 chiếc điện thoại di động.

Cty này lâu nay tập trung mạnh vào thị trường Tp.HCM, gần đây đã mở rộng mạng lưới ra Hà Nội, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ... Tuy nhiên, hiện giờ vẫn chưa có một thương hiệu lớn thực sự về bán lẻ điện thoại di động. Ngay như nhà bán lẻ số 1 Thế Giới Di Động, thì tổng số điện thoại bán ra hàng tháng cũng mới chiếm khoảng 6,25% so với tổng số điện thoại di động nhập chính ngạch vào Việt Nam.

Một số chuyên gia có cùng nhận định: Thị trường đang bị chia nhỏ lẻ cho nhiều nhà bán lẻ. Nhưng cũng từ đây, sự cạnh tranh của các thương hiệu lớn sẽ quyết liệt hơn để xác lập ngôi vị đứng đầu thuộc về ai trong những tên tuổi Thế Giới Di Động, Viễn thông A, FRT, VT...

Thị trường bán lẻ hàng công nghệ cao của Việt Nam năm 2007 được dự báo sẽ đạt 3 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm. Riêng sản phẩm điện thoại di động và máy tính xách tay có mức tăng trưởng bình quân cao hơn, 40% và 100%/năm.