12:22 14/12/2024

Luật chất lượng hàng hoá nhiều bất cập, dễ bị lạm dụng gây phiền phức cho doanh nghiệp

Chu Khôi

Thực tế hiện nay, các quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm đang bị lạm dụng. Quy định công bố Hợp quy sản phẩm hiện nay đang rất hình thức, làm phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, gây tăng giá thành sản phẩm, và là căn nguyên phát sinh tiêu cực…

Ngành thức ăn chăn nuôi đang phải gánh gần nghìn tỷ đồng mỗi năm về chi phí hợp quy.
Ngành thức ăn chăn nuôi đang phải gánh gần nghìn tỷ đồng mỗi năm về chi phí hợp quy.

Ngày 13/12/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức hội thảo: “Một số tồn tại bất cập trong triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm”.

QUY ĐỊNH HỢP QUY RẤT BẤT HỢP LÝ

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình lên quốc hội Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm.

Trình bày báo cáo nghiên cứu “Tác động của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm”, ông Dương cho biết trong thực tế hiện nay, các quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm đang bị lạm dụng.

“Quy định công bố Hợp quy sản phẩm, hàng hóa như hiện nay đang rất hình thức, làm phát sinh chi phí không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp, gây tăng giá thành sản phẩm, mất thời cơ kinh doanh và là căn nguyên phát sinh tiêu cực”, ông Dương nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Xuân Dương (bên phải) phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Xuân Dương (bên phải) phát biểu tại hội thảo.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, việc quy định hàng hóa nhập khẩu phải có dấu hợp quy và phải công bố hợp quy là không phù hợp. Bởi vì, các nước không có quy định công bố hợp quy và dấu hợp quy trên bao bì. Khi tuân thủ quy định này tại Việt Nam, nghĩa là hàng hóa các nước nhập vào Việt Nam phải sản xuất cá biệt, dẫn đến sinh chi phí, xuất hiện thêm điều khoản trong hợp đồng nhập khẩu. Các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải lấy mẫu phân tích kiểm tra để công bố hợp quy, làm phát sinh chi phí, thời gian và chậm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

“Không nước nào làm như vậy, ngay cả đối với những mặt hàng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước thông quan, thì thông thường cũng chỉ áp dụng theo phương thức sác xuất, để lấy mẫu không vượt quá 5% số lô hàng nhập khẩu”, ông Dương nói.

Do đó, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng cần nghiên cứu kỹ nội dung về Công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa. Chỉ nên quan niệm đây cũng là một nội dung công bố  chất lượng sản phẩm, trong đó các chỉ tiêu chất lượng do người sản xuất kinh doanh lựa chọn tùy theo yêu cầu thị trường. Còn các chỉ tiêu Quy chuẩn kỹ thuật thì buộc phải phù hợp với quy định của Nhà nước.

“Các cơ quan soạn thảo Luật cần có sự nghiên cứu, tham khảo thật sự nghiêm túc những quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa của các nước phát triển, các nước có tiềm năng thị trường với Việt Nam để vận dụng”, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị.

TS. Ninh Thị Len, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết cả nước có 268 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp và 220 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp khoảng 20-22 triệu tấn/năm. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi của cả nước khoảng 33 triệu tấn/năm, trong đó nhập khẩu khoảng 70% (khoảng 20 triệu tấn, trị trá khoảng 9 tỷ USD/năm).

Theo TS. Len, số lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi do doanh nghiệp đã đăng ký lưu hành trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là trên 50.000 sản phẩm sản xuất trong nước và 10.000 sản phẩm nhập khẩu. Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi có nhiều bất cập về sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật hiện hành.

 

"Ước tính chi phí hợp quy cho thức ăn chăn nuôi khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm sản xuất trong nước hoặc 1 lô hàng nhập khẩu, thì chi phí hợp quy cho toàn ngành chăn nuôi sẽ vô cùng lớn (gần nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó có những doanh nghiệp phải chi trả vài tỷ đồng/năm).

TS. Ninh Thị Len, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Luật Chăn nuôi quy định cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải được cơ quan nhà nước chuyên ngành đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, quy trình kiểm soát chất lượng và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Sau khi được cấp giấy, cơ sở chịu đánh giá giám sát 2-3 năm/lần và chịu chi phí liên quan đến việc đánh giá, giám sát, đồng thời chịu sự kiểm tra, thanh tra tại nhà máy và lưu thông sản phẩm trên thị trường. Như vậy, việc một tổ chức chứng nhận hợp quy đến nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được cơ quan nhà nước kiểm soát để lấy mẫu sản phẩm thử nghiệm là không cần thiết.

“Doanh nghiệp sản xuất phải chờ tổ chức đến đánh giá, lấy mẫu để có kết quả (Giấy chứng nhận) nộp cho cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước cấp bản thông báo tiếp nhận hợp quy chỉ ghi nhận sự cam kết của tổ chức, cá nhân. Quy định này không cần thiết nhưng đang làm mất thời gian (trung bình 1-2 tháng) của doanh nghiệp", TS. Len nhấn mạnh.

Hơn nữa, doanh nghiệp nhập khẩu phải công bố hợp quy 100% khi kiểm tra các lô sản phẩm nhập khẩu gây lãng phí tiền lưu công lưu bãi, tiền thử nghiệm mẫu và thời gian chờ kết quả từ tổ chức đánh giá để làm thủ tục hải quan và bán hàng. Trong khi đó, hồ sơ đăng ký nhập khẩu đã có quy định nộp kết quả phân tích từ bên xuất khẩu.

Các chi phí hợp quy thức ăn chăn nuôi là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí sản phẩm chăn nuôi trong nước, giảm tính cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Do đó, TS. Len đề nghị bỏ quy định công bố hợp quy tại Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá hàng hoá. Thay vào đó, Quy định quy chuẩn kỹ thuật để bắt buộc áp dụng, dùng để kiểm tra thanh tra, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt.

ĐỀ NGHỊ BÃI BỎ CÁC QUY ĐỊNH KHÔNG CẦN THIẾT

Về phía doanh nghiệp, góp ý cho Luật Ông Hà Huy San – Công ty Phân lân Ninh Bình, cho hay các phòng thử nghiệm phân bón khác nhau được Cục Bảo vệ thực vật chỉ định hiện nay khi phân tích cùng một mẫu phân bón cho kết quả rất khác nhau, một số trường hợp phản ánh không đúng chất lượng phân bón thực tế.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý phân bón địa phương lại chỉ căn cứ vào một số kết quả thử nghiệm không đúng lần 1 này đã xử phạt hành chính, xử lý yêu cầu thu hồi, gây thiệt hại kinh tế và uy tín chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất. Do đó, ông San đề nghị Cục bảo vệ Thực vật thường xuyên đánh giá, xem xét chất lượng các phòng thử nghiệm đã được chỉ định.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững của Hội Thủy sản Việt Nam, cho rằng Quy định về Tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp không để làm gì cả, rất lãng phí. Tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sao cần phải xác nhận?.

 

“Không ai đi chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp cả. Cơ quan Nhà nước chứng nhận sai thì họ không chịu trách nhiệm. Khảo nghiệm sai cũng không chịu trách nhiệm. Do đó, đề nghị bãi bỏ các quy định không cần thiết, chỉ nên duy trì các quy định quản lý bắt buộc áp dụng, nhà nước thanh/kiểm tra ai sai thì xử lý”

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững của Hội Thủy sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng Eurocham, cho rằng nếu tất cả các doanh nghiệp phải thông báo hàm lượng các chất trong sản phẩm thì sẽ thừa, và nguy cơ gây lộ bí quyết công nghệ, sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất một loại thuốc mới, tiêu chuẩn và phương pháp thử nghiệm tốn rất nhiều công sức để xây dựng nên, và là bí mật của công ty, đã nộp lên Bộ Y tế thẩm định khi đăng ký sản phẩm, nếu phải công khai trên mạng thì sẽ dễ dàng bị bắt chước, tạo cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, Nghị định 126/2021/NĐ-CP đã có quy định nếu doanh nghiệp không công bố tiêu chuẩn thì bị xử phạt.

Do đó, đại diện Eurocham kiến nghị không nên đưa dữ liệu Tiêu chuẩn cơ sở vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Chỉ cần quy định rõ doanh nghiệp phải lưu trữ tiêu chuẩn cơ sở đã công bố để sẵn sàng cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra theo các quy định của pháp luật.