15:51 11/12/2024

Thị trường Anh sẽ “từ chối” sản phẩm không đạt các tiêu chí phát triển bền vững

Vũ Khuê

Vương quốc Anh yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải xanh, cắt giảm phát thải trong quá trình sản xuất, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm tài nguyên… Nếu không thích ứng được doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại trong cuộc chơi, sẽ mất thị phần, mất vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu…

Xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Ảnh minh họa.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Ảnh minh họa.

Ba năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 8,9%/năm. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam. Thặng dư thương mại của Việt Nam duy trì với Anh trong 9 tháng qua cũng ở mức 5,1 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

DÙ LÀ TỰ NGUYỆN NHƯNG LẠI LÀ YÊU CẦU BẮT BUỘC

Tuy nhiên, Hiệp định UKVFTA không chỉ liên quan tới lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng, tạo lợi thế cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của hai nước thâm nhập thị trường của nhau, mà còn là khuôn khổ quan trọng cho các hoạt động hợp tác về thương mại xanh và công bằng nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.

Tại tọa đàm “Cơ hội phát triển sản phẩm thương mại xanh sang thị trường Anh” ngày 11/12, bà Nguyễn Sơn Trà, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho hay UKVFTA là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và trong đó đưa ra rất nhiều các cam kết liên quan đến thương mại và phát triển bền vững.

UKVFTA có hẳn một chương riêng về thương mại và phát triển bền vững. Trong chương đó, hai bên đã cam kết sẽ thúc đẩy và thực thi hiệu quả các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà hai bên đều là thành viên và các hiệp định đa phương về môi trường mà hai bên đã tham gia ký kết.

Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thông qua cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi các công ước trong liên quan đến các hiệp định đa phương khác về biến đổi khí hậu, về đa dạng sinh học hay là các hiệp định về quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.

Đặc biệt hai bên cũng cam kết sẽ hợp tác tích cực để chống lại các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU).

Ngoài ra, hai bên cũng có những cam kết để thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hoặc chính sách trong nước với điều kiện không gây ra sự phân biệt đối xử tùy tiện và vô lý hoặc tạo thành một phương thức hạn chế thương mại trá hình.

“Đây là một vấn đề mà cả hai bên rất quan tâm. Cho nên trong khuôn khổ chương thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định UKVFTA, hai bên cùng cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực thi nghiêm túc. Thông qua cơ chế minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy đối thoại, thành lập Ủy ban về thương mại và phát triển bền vững, rà soát thực tình hình thực thi, từ đó phát hiện những vướng mắc, những bất cập và tìm kiếm giải pháp phù hợp”, bà Trà nhấn mạnh.

Cũng theo khuôn khổ của Hiệp định này, hai bên có những quy định liên quan đến việc cho phép sự tham gia đóng góp cũng như sự tham gia có ý kiến rộng rãi của các tổ chức phi Chính phủ thông qua cơ chế nhóm tư vấn trong nước (DAG). Tuy nhiên nó không đặt ra các vấn đề về trừng phạt thương mại.

Đồng tình, ông Nguyễn Cảnh Cường, Nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho rằng phát triển bền vững bây giờ đã trở thành một nội dung không thể thiếu trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Ý tưởng này lúc đầu được coi như một yêu cầu tự nguyện, không mang tính bắt buộc cho các đối tác, nhưng khái niệm tự nguyện dần dần cũng trở thành bắt buộc. Nó không phải một yêu cầu từ phía Chính phủ, không phải một yêu cầu từ các luật định của Chính phủ Anh, nhưng nó đã trở thành một trong những yêu cầu tiên quyết của các nhà phân phối, của các doanh nghiệp nhập khẩu”, ông Cường nhấn mạnh.

Do đó, khi đi tìm đến hạ nguồn hàng thì những yêu cầu về phát triển bền vững này dù gọi là tự nguyện nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc. Bởi vì nếu các nhà xuất khẩu hay các nhà sản xuất muốn xuất khẩu sản phẩm sang Anh không đạt được các tiêu chí phát triển bền vững thì cũng không được hoan nghênh.

CHÍNH SÁCH NÀO ĐỂ CÓ NHIỀU DOANH NGHIỆP XANH HƠN?

Trước xu hướng này, Việt Nam đã có sự chuẩn bị để hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về kinh tế xanh, thương mại xanh của thị trường Anh.

Theo TS. Lê Huy Huấn, Điều phối viên Chương trình Tăng trưởng xanh và Biến đổi khí hậu toàn cầu Việt Nam (CCG Việt Nam), Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất chủ động, tích cực và đã có những bước đi khá rõ nét để hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về kinh tế xanh, thương mại xanh của thị trường xuất khẩu nói chung, và thị trường Anh nói riêng

Đơn cử, ở phạm vi các cơ quan quản lý, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều những chính sách hướng đến chuyển đổi xanh, phục vụ cho cả quá trình thương mại xanh. Cụ thể như Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có các mục tiêu rất cụ thể liên quan đến giảm phát thải carbon, liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Chúng ta cũng đã và đang xây dựng thị trường carbon, xây dựng các quy định cho việc trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường này. Mặt khác, có rất nhiều chính sách để hỗ trợ cũng như mang tính bắt buộc các doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi cũng như đáp ứng các yêu cầu liên quan đến giảm phát thải trong quá trình sản xuất; các chính sách liên quan trong Đề án quốc gia về kinh tế tuần hoàn...

Hơn nữa, ở khía cạnh các hỗ trợ kỹ thuật, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong thời gian qua cũng tổ chức rất nhiều những hội thảo, tọa đàm, chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, giúp nâng cao nhận thức về những xu thế mới của thị trường thương mại thế giới, tăng cường năng lực ứng phó với những sự thay đổi, chuyển đổi công nghệ, thực hiện minh bạch hóa các quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng…

Còn từ phía doanh nghiệp, đã có sự chủ động nhất định thông qua việc chủ động đào tạo, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.

Song dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty cổ phần Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex), khuyến nghị Chính phủ cần tuyên truyền, truyền thông về các khái niệm như phát triển bền vững hay phát triển xanh, những tiêu chuẩn organic, sản phẩm hữu cơ… để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin và họ sẵn sàng chuyển đổi từ một mô hình truyền thống sang mô hình cao hơn. Từ đó sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đi cùng với nhau chứ không chỉ vài doanh nghiệp như hiện tại.

Đồng thời, cần có những chính sách dành cho những doanh nghiệp hướng tới mô hình phát triển bền vững, như tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng hơn, lãi suất thấp…