Bán lẻ truyền thống lép vế trước cửa hàng tiện lợi
Số lượng cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu bán lẻ lớn đã ở mức hàng trăm, hàng ngàn và dự báo sẽ bùng nổ mạnh trong năm 2018 và các năm sau
Kênh chợ truyền thống tiếp tục mất thị phần bởi các kênh mua sắm khác, trong khi kênh siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi tiếp tục mở rộng.
Theo khảo sát của Kantar Worldpanel, kênh mua sắm hiện đại trong quý 4 năm ngoái đã tăng tốc 15% so với cùng kỳ năm trước đó và vượt qua các kênh mua sắm truyền thống.
Thị trường bán lẻ được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong năm 2018 với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới cùng với những mô hình mua sắm mới. Ở khu vực nông thôn, kênh cửa hàng bách hóa tiếp tục thu hút người tiêu dùng mua sắm.
Cụ thể, tính đến quý 4/2017, số siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi ở 4 thành phố lớn của Việt Nam đã tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, số chợ truyền thống không thay đổi, số tiệm tạp hoá nhỏ giảm 3%, các siêu thị và đại siêu thị tăng 7%.
Đến ngày 31/12/2017, hệ thống VinMart và VinMart có quy mô 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành chuỗi bán lẻ quy mô lớn ở Việt Nam.
Công ty Vincommerce - chủ đầu tư hệ thống VinMart và VinMart cho biết sẽ có 200 siêu thị, 4.000 cửa hàng vào năm 2020. Ngoài phát triển quy mô, VinMart và VinMart nâng cao dịch vụ với quy trình kiểm soát chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chặt chẽ.
Sau 3 năm hoạt động, hệ thống VinMart, VinMart đã phát triển đa dạng. Các siêu thị diện tích lớn, tập trung ở những trung tâm mua sắm hiện đại, giao thông thuận lợi và chuỗi cửa hàng tiện lợi, phân bổ giữa các khu dân cư đông đúc.
Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ hiện đại trong năm qua cũng chứng kiến hình ảnh mới của chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh từ vùng ven đến thành thị.
Đến nay, hệ thống này đã có 321 cửa hàng và phần lớn trong số này nằm tại các huyện, quận vùng ven, ở nhiều con đường nhỏ.
Bách hóa Xanh cho biết, việc chọn khai thác từ các quận, huyện trước khi tiến vào thành thị là để lấp đầy những khu vực chưa có mô hình cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng đang có nhu cầu lớn.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ như Saigon Co.op hay Satra lại phát triển theo ở hướng ngược lại. Việc vươn ra các huyện, quận xa được thực hiện sau khi đã mở nhiều cửa hàng ở các quận trung tâm, dân cư đông đúc, nhắm vào người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu ở kênh bán lẻ hiện đại.
Xu hướng mở cửa hàng thực phẩm tiện lợi ở vùng ven sẽ tiếp tục trong năm nay, 2018 khi các nhà bán lẻ đều đang rất tham vọng về số lượng điểm bán.
Bách hóa Xanh đặt mục tiêu nâng số điểm bán lên tới 1.000 tại Tp.HCM. Trong khi đó, Saigon Co.op khẳng định, năm 2018 sẽ là năm bùng nổ về điểm bán của nhà bán lẻ này ở các mô hình đang có.
Hiện tại, chuỗi Co.op Food có hơn 180 cửa hàng trên toàn quốc và đã duy trì tốc độ mở từ 20 đến 30 cửa hàng mỗi năm.
Cùng với sự phát triển của mô hình mua sắm mới này, nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng trở nên phong phú hơn với nhiều thương hiệu mới.
Xét theo ngành hàng, trong ngắn hạn, thức uống vẫn đóng góp chính cho tăng trưởng bán lẻ tại thành thị. Điều đáng chú ý là ngành hàng chăm sóc cá nhân tiếp tục phát triển tốt do người tiêu dùng ngày càng sử dụng nhiều loại sản phẩm hơn.
Ngành hàng này ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, nổi bật là sản phẩm kem dưỡng ẩm tại thị trường thành thị và sản phẩm làm đẹp tại khu vực nông thôn.
Sự tăng trưởng này chủ yếu do người tiêu dùng thành thị đang chi nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp trong khi tại nông thôn, người dân bắt đầu làm quen và đầu tư cho các sản phẩm làm đẹp.
Đối với ngành hàng thực phẩm đóng gói, thức ăn nhẹ đang trở thành nguồn tăng trưởng chính với sự bùng nổ về đa dạng các loại thức uống cũng như đồ ăn vặt.
Loại sản phẩm này hiện đang chiếm 1/4 thị phần ngành thực phẩm đóng gói tại thành thị và 15% tại khu vực nông thôn.