15:22 04/05/2018

Bán thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng

Duyên Duyên

Hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bị cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; buôn bán pháo nổ... sẽ bị xử phạt hành chính

Mức phạt sẽ được tăng lên 100 triệu đồng nếu buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bị cấm từ 50 kg trở lên hoặc từ 50 lít trở lên.
Mức phạt sẽ được tăng lên 100 triệu đồng nếu buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bị cấm từ 50 kg trở lên hoặc từ 50 lít trở lên.

Hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bị cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; buôn bán pháo nổ... sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng.

Đây là điểm mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185 ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Bộ Công thương soạn thảo.

Tăng mức phạt gấp 2-3 lần khi vi phạm kinh doanh theo giấy phép

Theo đó, dự thảo này đã sửa đổi, bổ sung thêm một số danh mục, quy định trong Nghị định 185, như bổ sung thêm thuốc giả và dược liệu giả trong danh mục hàng giả.

Bổ sung thêm khái niệm "Cố ý vi phạm hành chính" là vi phạm hành chính trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là trái quy định pháp luật về quản lý nhà nước, thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội của hành vi đó và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Đặc biệt, dự thảo của Bộ Công Thương cũng đề xuất tăng mức phạt lên gấp 2 đến 3 lần đối với hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh.

Cụ thể, tăng mức phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh (hiện nay là phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng).

Tăng gấp 2 - 3 lần mức phạt đối với hành vi cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng, mua Giấy phép kinh doanh.

Tăng gấp 2 lần mức phạt (lên 5 - 10 triệu) đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời gian, địa bàn, địa điểm hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp...

Buôn bán thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng sẽ bị xử phạt

Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo sửa đổi lần này là quy định chi tiết hơn về đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm.

Theo đó, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; Buôn bán pháo nổ... sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ.

Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm/chưa được phép kinh doanh, cấm/chưa được phép lưu hành, cấm/chưa được phép sử dụng cũng sẽ bị xử phạt.

Mức phạt đối với những hành vi này được tăng lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định cũ. Cụ thể, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng dưới 5 kg hoặc dưới 5 lít; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao; buôn bán pháo nổ dưới 0,5 kg... sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Mức phạt sẽ được tăng lên 100 triệu đồng nếu buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bị cấm từ 50 kg trở lên hoặc từ 50 lít trở lên; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên; buôn bán pháo nổ từ 6 kg trở lên; buôn bán hàng hóa bị cấm trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên; buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, dự thảo của Bộ Công Thương đề xuất tăng mức phạt lên gấp 2 đến 3 lần, đồng thời bổ sung thêm hành vi thu lợi bất hợp pháp đối với hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung thêm hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp sẽ bị xử phạt.

Trong lĩnh vực sản xuất rượu, dự thảo tăng mức phạt lên gấp 2-3 lần đối với hành vi vi phạm về sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại.

Đồng thời, tăng mức phạt lên gấp 2 - 3 lần đối với hành vi vi phạm về khuyến mại.

Dự thảo cũng quy định chi tiết hơn đối với hành vi vi phạm về hội chợ, triển lãm thương mại. Theo đó, chủ cửa hàng, cơ sở, doanh nghiệp trưng bày hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại hội chợ, triển lãm thương mại nhưng không niêm yết rõ hàng hoá đó là hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không nêu rõ trong nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.