Bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Cơ hội cho nhà đầu tư là rất lớn”
Sẽ có 132 doanh nghiệp thực hiện bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020
Xuất hiện nhiều cái tên hấp dẫn trong danh sách mà Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn trong quý 4/2017.
Áp lực thoái vốn đang khá cao và SCIC đang đặt mục tiêu thoái vốn từ những doanh nghiệp blue-chip như: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) theo đúng thời hạn.
Xung quanh câu chuyện thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC.
Trong năm 2017, SCIC đặt kế hoạch thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp lớn như: FPT, BMP, NTP và VNM (3,33% vốn). Cụ thể, kế hoạch thoái vốn tại những doanh nghiệp này như thế nào, thưa ông?
Vào đầu tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020.
Cụ thể, 132 doanh nghiệp thực hiện bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020. Năm 2017, SCIC đang đặt mục tiêu thoái vốn từ những doanh nghiệp blue-chip như: Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Domesco, Vinaconex, FPT...
Đây là những doanh nghiệp có vốn của SCIC đang kinh doanh rất hiệu quả và có thể nói là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động của mình. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã trở thành đích ngắm của nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn trong, ngoài nước.
Bên cạnh việc tiếp tục lộ trình thoái 3,33% vốn điều lệ Vinamilk, Vinaconex sẽ là đợt thoái vốn lớn tiếp theo của SCIC với việc bán 21,79% vốn điều lệ Vinaconex (96,25 triệu cổ phiếu). Ngày 16/11 tới đây, SCIC sẽ tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinaconex.
Với NTP, SCIC dự kiến bán 37,1% vốn điều lệ (33,1 triệu cổ phiếu), với BMP là 29,51% vốn điều lệ (24,16 triệu cổ phiếu), DMC là 34,71% (12 triệu cổ phiếu). Cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp này là rộng mở đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Room cho khối ngoại là rất lớn: tại NTP 25,09%, BMP 56,2%, DMC 43,42%. Riêng với FPT, SCIC còn sở hữu 5,96% vốn điều lệ (ứng với 31,63 triệu cổ phiếu), mức sở hữu nước ngoài ở FPT đã đạt trần.
Dự kiến, roadshow bán vốn tại các doanh nghiệp này sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 và việc bán vốn dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong tháng 12. SCIC hiện đang rất khẩn trương để thực hiện cho kịp tiến độ đề ra.
Như ông vừa chia sẻ, nguồn cung sắp tới là rất lớn. Việc cùng một lúc tung ra nhiều món hàng như vậy liệu có quá tải với thị trường?
Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi thấy rằng, với nhiều giải pháp của Chính phủ, kinh tế Việt Nam qua các quý năm 2017 trở nên tốt hơn và tạo ra một tinh thần lạc quan hơn cho cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Qua hoạt động quản lý kinh doanh vốn nhà nước ở doanh nghiệp của SCIC, tốc độ tăng trưởng doanh thu và kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp trong danh mục của SCIC trong quý 2, quý 3 tốt hơn.
Từ bức tranh tổng thể của nền kinh tế tới hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực giúp cho nhà đầu tư có niềm tin vào sự tăng trưởng, và điều này là tiền đề cho kỳ vọng năm 2018 có bức tranh sáng và cơ hội sẽ dành cho tất cả nhà đầu tư có thể gặt hái được thành công.
Với doanh nghiệp được thoái vốn sắp tới, có thể thấy rằng đa số là những doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư như: thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Việt Nam để có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần. Họ cũng so sánh quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với các thị trường khu vực như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan để thấy Việt Nam chưa tận dụng tốt nguồn lực kinh tế đại chúng.
Theo chúng tôi, nếu có hàng tốt và mức giá hợp lý thì thị trường vẫn có thể đón nhận.
Có điều gì mà các nhà đầu tư cần lưu tâm về cơ chế pháp lý khi thực hiện mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà SCIC sắp đưa ra thị trường, thưa ông?
Về thủ tục thoái vốn, SCIC dựa vào chào bán cạnh tranh để chọn nhà đầu tư. Quá trình này thông thường sẽ bao gồm: thuê bên tư vấn, tổ chức roadshow (trong nước và quốc tế), tiến hành định giá để đưa ra giá khởi điểm và tổ chức một buổi đấu giá.
Quá trình cuối cùng của việc thoái vốn là việc hoàn tất giao dịch với nhà đầu tư trúng giá thông qua sàn chứng khoán (nếu giá thắng thầu nằm trong biên độ) hoặc tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) (nếu giá thắng thầu không nằm trong biên độ).
Vừa qua, một số cơ chế tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá cũng đã được SCIC xin phép các cơ quan nhà nước và được phép áp dụng như: việc miễn chào mua công khai, cho phép đặt cọc bằng ngoại tệ....
Theo đó, nhà đầu tư được phép nộp mã số giao dịch muộn (gia hạn nhiều nhất 15 ngày sau ngày thanh toán). Nhà đầu tư có thể đặt cọc bằng USD, giao dịch ký quỹ có thể được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp thẩm quyền (năm ngoái chỉ có thể đặt cọc bằng VND).
Nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị 100% giá trị giao dịch vào ngày thanh toán vì tiền đặt cọc cũng là một phần của thanh toán (năm 2016, nhà đầu tư phải chuẩn bị 110% giá trị thanh toán và được hoàn lại 10% sau khi giao dịch hoàn tất).
SCIC có đề xuất gì để thúc đẩy tiến trình bán vốn nhà nước? Để tăng hiệu quả bán vốn, liệu Việt Nam có nên áp dụng phương thức dựng sổ, một phương pháp phổ biến trên thế giới, được kỳ vọng là lối thoái cho những giao dịch thoái vốn có giá trị lớn và thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài?
Chúng tôi được biết Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương thức dựng sổ và SCIC cũng đã chủ động nghiên cứu về phương thức này để sẵn sàng áp dụng khi có quy định.
Ngoài ra, SCIC cũng đang cân nhắc và xin Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép thoái vốn bằng cách bán cổ phần cả lô đối với doanh nghiệp niêm yết. Vì trong một số trường hợp, các cổ đông lớn chỉ quan tâm đến việc mua một phần vốn của SCIC để đạt tỷ lệ chi phối và phần còn lại sẽ rất khó bán.
Ví dụ, nếu SCIC muốn bán 40% cổ phần của một công ty trong khi một cổ đông khác cũng đang nắm 40% cổ phần. Cổ đông này có thể sẽ chỉ mua 11% từ SCIC để nắm cổ phần chi phối và 29% còn lại sẽ rất khó bán ở mức giá tốt.