09:29 04/07/2007

Bảo vệ nhà đầu tư để bảo vệ thị trường

Hoàng Đạt

Vị trí quan trọng số 1 của nhà đầu tư trên thị trường được thừa nhận ở Việt Nam, dù ít được đề cập tới

Nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nhưng có thể chưa đủ kiến thức để tự bảo vệ mình - Ảnh: TP.
Nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nhưng có thể chưa đủ kiến thức để tự bảo vệ mình - Ảnh: TP.
Nhà đầu tư là thành viên quan trọng nhất của thị trường. Năng lực tài chính, quyền lợi, kiến thức và cả đạo đức của họ quyết định chất lượng phát triển thị trường chứng khoán của một quốc gia. Bảo vệ nhà đầu tư được xem là bảo vệ thị trường từ gốc.

Quan điểm đề cao vai trò của nhà đầu tư nói trên ít được đề cập đến ở Việt Nam trong thời gian qua và khá mới mẻ với nhiều đại biểu tham dự hội thảo “Đào tạo nhà đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam”, do Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân Quốc tế (CIPE) thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức ngày 3/7.

Quyền được bảo vệ

Vị trí quan trọng số 1 của nhà đầu tư trên thị trường được thừa nhận ở Việt Nam, dù ít được đề cập tới. Nhưng yêu cầu bảo vệ họ lại trở nên cấp thiết, được đặt ra trong suốt thời gian qua, đặc biệt là ở một thị trường mới nổi, khi chứng khoán còn khá mới mẻ, kiến thức nhà đầu tư phần lớn còn hạn chế và hệ thống pháp lý đang hoàn thiện như ở Việt Nam.

Bảo vệ nhà đầu tư là bảo vệ thị trường. Đó là yêu cầu mang tính nguyên tắc, có thể được đảm bảo trên lý thuyết hoặc trên thực tế. Còn theo cách nói khá đơn giản nhưng sâu sắc của Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Hoa Kỳ (NASD) Robert R.Glauber, là quyền lợi của nhà đầu tư là được bảo vệ.

“Họ đặt những đồng tiền khó nhọc tích cóp vào thị trường chứng khoán để mong tìm kiếm lợi nhuận khi hưu trí, để mong mua được nhà hay có thể nuôi con cái ăn học; vậy thì họ đáng được tham gia vào một hệ thống công bằng và tin cậy”, ông Robert R.Glauber nói.

Đó cũng là yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý và phát triển thị trường. Bảo đảm được công bằng cho nhà đầu tư, tạo được sự tin cậy ở họ là cơ sở để tạo dựng một môi trường đầu tư minh bạch và phát triển bền vững. Tại hội thảo, các diễn giả của NASD cũng như đại diện của Sở Giao dịch Chứng khoán Philippines, Ủy ban Chứng khoán Việt Nam cũng đều thống nhất quan điểm này.

Tuy nhiên, trên thực tế phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là trong thời kỳ nóng sốt đầu năm nay, nhiều trường hợp quyền lợi, vai trò của nhà đầu tư bị xem nhẹ; nhiều bức xúc của họ phải tìm đến các cơ quan ngôn luận thay vì cơ quan quản lý.

Từ đây, theo bà Gerri Walsh, Phó chủ tịch NASD, cơ quan quản lý cần phải làm tốt vai trò đầu mối bảo vệ của mình, tạo được một địa chỉ của niềm tin thực sự.

Tại Mỹ, đó là một cơ quan độc lập và chuyên biệt với kinh phí hoạt động là chính từ nguồn xử phạt các hành vi vi phạm quyền lợi của nhà đầu tư; và quan điểm của nhà điều hành luôn được thống nhất rằng bảo vệ nhà đầu tư chính là bảo vệ thị trường từ gốc.

Bảo vệ bằng giáo dục

Đó là một biện pháp, một vấn đề thực sự mới mẻ mà theo khẳng định của bà Gerri Walsh là chưa từng được đặt ra tại Việt Nam. Cơ quan quản lý có thể bảo vệ thị trường, nhà đầu tư bằng các công cụ chính sách, bằng các điều kiện hoạt động hay các chế tài xử phạt.

Tại Việt Nam, đó cũng là những công cụ chủ yếu nhất. Nhưng biện pháp mà các diễn giả của NASD đề cao là tăng cường giáo dục nhà đầu tư, gián tiếp bảo vệ họ và bảo vệ thị trường.

Nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nhưng có thể chưa đủ kiến thức để tự bảo vệ mình. Ông William Harter, chuyên gia của NASD, cho rằng đơn giản chỉ là ở khả năng lựa chọn, tiếp cận những trung gian, những dịch vụ chất lượng của thị trường; khả năng tiếp cận thông tin, nằm và hiểu các chủ trương chính sách hay khả năng lường và tránh được những thủ đoạn, mánh khóe trên thị trường.

Ngay tại Mỹ, nơi có thị trường chứng khoán phát triển hàng đầu thế giới, một khảo sát của NASD cũng cho thấy chỉ có 35% nhà đầu tư được hỏi trả lời chính xác 7 trong số 10 câu hỏi kiến thức cơ bản đưa ra và có tới 97% cho rằng cần phải nâng cao kiến thức của mình.

Và khi nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kiến thức và khả năng nhạy bén với những thay đổi chính sách, với biến động của thị trường thì vấn đề đạo đức của họ lại càng trở nên quan trọng. Họ có khả năng tác động tới thị trường, cụ thể hơn là các giao dịch và nếu có mục đích xấu thì ảnh hưởng sẽ rất lớn.

Từ đây đạo đức của nhà đầu tư và giáo dục đạo đức đó lại càng khá mới ở Việt Nam, thay vì chỉ tập trung ở các cấp quản lý, các định chế và thành viên trung gian, môi giới...

Qua cuộc hội thảo trên, NASD cũng như đơn vị tổ chức là CIPE muốn khởi động một chương trình phát triển thị trường vốn dài hạn tại Việt Nam, trong đó tập trung vào vấn đề quản trị doanh nghiệp và đào tạo nhà đầu tư.

Về phía Ủy ban Chứng khoán, định hướng xã hội hóa đào tạo nhà đầu tư cũng đang được tính đến. Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, định hướng này nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu được đào tạo của nhà đầu tư hiện nay và cũng để giảm tải cho trung tâm đào tạo của Ủy ban Chứng khoán.

Tất nhiên, sự mở rộng này phải đảm bảo được yêu cầu về chất lượng.