08:55 11/05/2012

Bảo vệ rừng: Càng “đổi mới” càng dễ mất?

Nguyên Trang

Những nghịch lý trong công tác bảo vệ và phát triển rừng đang cần một lời giải thích thỏa đáng

Ít ai ngờ hàng trăm m3 khối gỗ bị đốn chặt này lại có bàn tay của kiểm lâm Hà Tĩnh.
Ít ai ngờ hàng trăm m3 khối gỗ bị đốn chặt này lại có bàn tay của kiểm lâm Hà Tĩnh.
Mấy ngày qua, dư luận không quá bất ngờ khi hầu hết các bị can trong một vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay tại Hà Tĩnh bị bắt giữ lại đều là những cán bộ kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng.

Bởi trước đó, đã có không ít cán bộ kiểm lâm của một số địa phương khác phải hầu tòa vì ít nhiều có dính dáng hoặc tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, buôn lậu gỗ.

Sự yếu kém trong quản lý đất rừng, diện tích trồng rừng càng được minh chứng rõ  hơn với những con số, báo cáo kết quả rà soát, nghiên cứu do Viện Tư vấn phát triển Việt Nam (Code) thực hiện.

Tại buổi tọa đàm về thực trạng quản lý đất rừng ngày 10/5, ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Code cho biết, sau gần 10 năm thực hiện sắp xếp đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, kết quả đã không đạt được như mong muốn của Chính phủ.

Ông Tú cho biết, trên thực tế những diện tích rừng và đất rừng được giao cho các lâm trường quốc doanh quản lý tài nguyên rừng bị suy giảm đáng kể cả về diện tích và chất lượng rừng, đặc biệt là từ sau thời kỳ đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường.

Thống kê diễn biến diện tích đất rừng tư nhiên bị mất, thay đổi hiện đang có xu hướng tăng lên. Chẳng hạn như năm 2005, diện tích bị mất chỉ vào khoảng 24.798 ha, nhưng đến năm 2009 đã mất khoảng 32.627 ha, năm 2010 tăng lên 34.319 ha.

Kết quả khảo sát cho thấy, dù Chính phủ đã có chủ trương đổi mới, sắp xếp lại gần 260 lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, song nhìn chung công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa được cải thiện đáng kể so với trước khi đổi mới phương thức tổ chức, quản lý. Tài nguyên rừng vẫn tiếp tục bị khai thác, hiện tượng chặt phá rừng diễn ra khá phổ biến nhưng cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Hàng năm, diện tích rừng tự nhiên trên toàn quốc mà nòng cốt là các lâm trường quốc doanh vẫn biến mất hoặc thay đổi, trung bình khoảng 26.266 ha/năm.
 
Một thông tin đáng chú ý từ ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ Phát triển nông thôn và hỗ trợ giảm nghèo huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đưa ra tại buổi tọa đàm, rằng kết quả một cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân trên địa bàn huyện này cho thấy, có đến 50% số hộ cho rằng, sau sắp xếp, đổi mới lại các lâm trường quốc doanh thì rừng lại càng bị chặt phá nhiều hơn. Chỉ có 27%, cho rằng có chuyển biến tích cực, 23% cho rằng không có sự thay đổi.
 
Cùng với đó, những khiếu kiện về tranh chấp đất đai giữa người dân và các lâm trường quốc doanh cũng đang có xu hướng tăng lên.

Theo ông Phạm Quang Tú, việc quản lý rừng của các lâm trường quốc doanh không hiệu quả do nhiều nguyên nhân như: diện tích quản lý lớn, năng lực quản lý yếu... Trong khi đó, những diện tích đất rừng do lâm trường quốc doanh quản lý có khoảng 14 triệu người dân, chủ yếu là người dân tộc sinh sống và họ đã dùng nhiều diện tích này để canh tác.

Đối với diện tích đất rừng bị xâm lấn, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tình trạng này vẫn diễn ra kéo dài và có xu hướng ngày càng tăng. Cụ thể, đến năm 2011, diện tích đất rừng của các lâm trường quốc doanh bị xâm lấn vẫn lên đến 75.650 ha.

Dự kiến một cuộc hội thảo có quy mô lớn nhằm tìm giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn do Code tổ chức với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý cấp bộ, các địa phương cùng các chuyên gia sẽ được tổ chức vào ngày 15/5 tới, tại Hà Nội.