Bếp gas, “vũ khí” chống ô nhiễm hiệu quả của Trung Quốc
Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đang có những dấu hiệu thành công
Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đang có những dấu hiệu thành công, khi mức độ ô nhiễm giảm mạnh ở vùng thủ đô Bắc Kinh.
Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh Đông Á cho biết, mật độ PM2.5 - hạt ô nhiễm gây rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe con người - đã giảm 33% so với cùng kỳ năm trước trong quý 4 vừa qua tại Bắc Kinh, Thiên Tân và 33 thành phố lân cận. Trong đó, riêng mức độ ô nhiễm tại Bắc Kinh giảm 54%.
Sự giảm ô nhiễm này diễn ra sau khi Chính phủ Trung Quốc vào năm ngoái yêu cầu hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp chuyển từ dùng than sang dùng gas.
Nhưng bầu trời trong xanh hơn cũng đi kèm với một cái giá nhất định. Việc một lượng lớn người dùng chuyển sang dùng gas đã kéo theo tình trạng khan hiếm nhiên liệu này, dẫn tới việc không có đủ gas để dùng cho hệ thống sưởi ấm tại các gia đình và nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Mặc dù vậy, cải thiện chất lượng không khí vẫn là một thắng lợi đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã cam kết sẽ dùng "bàn tay sắt" để chống ô nhiễm. Theo dự báo của Sanford C. Bernstein & Co., các biện pháp chống sử dụng than ở Trung Quốc vẫn sẽ duy trì trong thời gian tới.
"Việc chuyển từ dùng than sang dùng gas đã giúp giảm mạnh ô nhiễm", các nhà phân tích của Bernstein viết trong một báo cáo ra hôm thứ Năm. "Mặc dù có một số vấn đề trong quá trình thực hiện, kế hoạch này đang mang lại kết quả".
Dùng khí gas thay cho than trong sử dụng tại các hộ gia đình và nhà máy là một phần trong loạt biện pháp để làm sạch bầu không khí tại các thành phố Trung Quốc, bên cạnh việc đóng cửa những nhà máy sản xuất thép lạc hậu hoặc bất hợp pháp, các mỏ than và các lò nung nhôm.
Theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2017, nhu cầu tiêu thụ gas ở nước này tăng 19%. Theo dự báo, mức tiêu thụ gas tại quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ tăng 15% trong năm nay khi Bắc Kinh tiếp tục chính sách chống sử dụng than và thúc đẩy sự phát triển hạ tầng gas.
Trong tháng 11 và tháng 12, một số khu vực của Trung Quốc đã rơi vào cảnh hết gas, buộc Bắc Kinh và dừng hoạt động của một loạt nhà máy để ưu tiên nguồn khí gas cho các hộ gia đình. Trong một số trường hợp, nhà chức trách phải để các hộ gia đình quay trở lại đun than.
Tuy nhiên, nhà phân tích Jiang Kejun thuộc Viện Nghiên cứu năng lượng thuộc Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC), "ảnh hưởng tiêu cực của việc chuyển từ dùng than sang dùng gas là tương đối nhỏ". Ông Jiang nói sự thay đổi này là một điều đáng làm để Trung Quốc có thêm thời gian xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Hồi tháng 12, NDRC đã công bố một kế hoạch sưởi ấm mùa đông cho các vùng phía Bắc của Trung Quốc, trong đó dự kiến cắt giảm sử dụng 150 triệu tấn than trong thời gian từ nay đến năm 2021. Khí gas, năng lượng sinh khối (biomass), bơm nhiệt, sưởi trực tiếp bằng điện, và năng lượng địa nhiệt sẽ là những nguồn năng lượng sưởi ấm thay thế cho than.
Ngoài việc giảm dùng than, các biện pháp như cắt giảm khí thải công nghiệp và điều kiện thời tiết thuận lợi cũng được cho là đóng góp nhiều vào việc giảm mức ô nhiễm ở Bắc Kinh và các vùng lân cận. Tuy nhiên, trên toàn quốc, chất lượng không khí được cải thiện ít hơn, với mật độ hạt PM2.5 chỉ giảm 4,5% trong cả năm 2017 - theo Greenpeace.