06:00 12/05/2021

Bi thảm vì Covid, doanh nghiệp vận tải còng lưng “gánh” thêm phí

Ánh Tuyết

Hàng loạt doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đang phải đối mặt với khó khăn bủa vây,. Một mặt vẫn phải liên tục gồng mình chống "bão” Covid-19, mặt khác các doanh nghiệp vẫn phải “còng lưng” đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt camera giám sát trước ngày 1/7…

200.000 xe khách bắt buộc lắp camera giám sát hành trình trước 1/7/2021.
200.000 xe khách bắt buộc lắp camera giám sát hành trình trước 1/7/2021.

Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, các xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ chín chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp đặt camera xong trước ngày 1/7.

CẬP RẬP THỜI GIAN, MƠ HỒ QUY CHUẨN

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số  lượng xe khách kinh doanh vận tải theo tuyến cố định từ 9 chỗ trở lên và xe đầu kéo thuộc diện lắp camera theo quy định vàoo khoảng 200.000 xe khách .

Nếu một xe khách 30 chỗ trở lên cần lắp 4 camera, tính trung bình khoảng 10 triệu đồng/xe, mỗi doanh nghiệp vận tải phải bỏ ra từ 1 đến 2 tỷ đồng, tương đương tiêu tốn từ 8.000 đến 9.000 tỷ đồng để lắp camera trên toàn quốc. Chưa kể chi phí truyền dữ liệu 4G cần từ 240.000 - 320.000 đồng/tháng.

Đây là số tiền không hề nhỏ với một  doanh nghiệp vận tải, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay. Trong khi “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải chưa kịp phục hồi sau 2 lần dịch trước, quy định này được coi là quá sức đối với nhiều doanh nghiệp, chủ xe.

Trước đó, mỗi xe đang lắp camera hành trình đã bỏ chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/xe, chi phí truyền dữ liệu 80.000 đồng/tháng. Thiết bị giám sát hành trình này không tương thích với phần mềm của hệ thống camera giám sát theo chuẩn mới, nên các doanh nghiệp phải đầu tư mới hoàn toàn.

Một doanh nghiệp nhiều đầu xe, tốn kém vô cùng. Đơn cử, công ty Sao Việt chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai, phải bỏ ra gần chục tỷ đồng để lắp camera cho các xe. Thời hạn cuối đã cận kề, ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên cho biết, đơn vị có hơn 400 phương tiện kinh doanh vận tải. Hiện Công ty đã lắp đặt thiết bị giám sát cho một số phương tiện, trong đó chủ yếu là xe chạy tuyến đường dài. Tuy nhiên, để lắp đặt đại trà, rất khó thực hiện bởi một số xe chỉ đạt 30% công suất khai thác, thậm chí là không hoạt động.

Trao đổi với VnEconomy, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp.Hà Nội đau xót bày tỏ: “ngành vận tải Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang là một bức tranh rất bi thảm. Một số chủ xe hiện vay vốn ngân hàng tới 70%. Một xe ô tô đầu tư 3,4 tỷ đồng nhưng xe chạy không có khách”. Nhiều đơn vị thanh lý bán xe nghỉ chạy trong giai đoạn này cũng khó khăn, bán không ai mua.

“Tôi cho rằng, đây là giai đoạn đau đớn nhất của ngành vận tải, ngành vận tải đang suy sụp, về cả tài chính và năng lực, mặc dù đã có nhiều cố gắng cầm cự, tự lực vươn lên để chiếm lĩnh thị trường”, ông Liên xót xa. Trong bối cảnh hành khách sụt giảm, doanh thu giảm đến 70% nhưng quy định này đòi hỏi ngành vận tải đầu tư tiền trong khi chưa cần thiết.

Hơn nữa, yêu cầu lắp đặt camera trên xe khách để làm gì, tác dụng ra sao, cơ chế xử lý những vi phạm… chưa rõ ràng. Trong lúc chưa ban hành quy chuẩn thiết bị và chưa có trung tâm kết nối Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sẽ gây tốn kém cho chi phí vận tải.

ĐỀ  XUẤT LÙI THỜI GIAN

Trong khi đó, Hiệp hội ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải đã có nhiều kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ lùi thời hạn thực thi quyết định này thêm một năm sang 1/7/2022 để doanh nghiệp có thêm thời gian hồi phục.

Tuy nhiên, “đề xuất của Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam không được chấp thuận. Những văn bản phản hồi vẫn yêu cầu thực hiện nghiêm theo Nghị định của Chính phủ, tức là, vô tâm quá. Đáng lẽ đau thương phải được chia sẻ bằng cách này hay cách khác, lại chia sẻ bằng cách cứ thực hiện. Nếu không thực hiện, sẽ bị xử phạt”, ông Liên giãi bày.

Còn nhớ trước đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 quy định, từ ngày 1/7/2012, tất cả ô tô tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đều phải lắp đặt “hộp đen”. Kết quả là toàn quốc có hơn 1 triệu xe ô tô buộc phải chấp hành. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, còn tới hơn 30% phương tiện chưa truyền dữ liệu từ “hộp đen” về hệ thống của cơ quan này theo quy định. Các lái xe thường tắt “hộp đen” để tránh bị giám sát, còn cơ quan chức năng thì lúng túng trong việc xử lý vi phạm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền, đây là cơ sở để cơ quan chức năng đánh giá, nên xem lại việc yêu cầu lắp đặt thiết bị công nghệ tiếp theo trên các xe kinh doanh vận tải. Thay vì cứng nhắc hối thúc doanh nghiệp thực hiện đúng thời hạn, Bộ Giao thông vận tải cần rà soát, ban hành những văn bản hướng dẫn căn cứ tình hình thực tế, để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hệ thống, nguồn lực cũng như vượt qua khó khăn ở giai đoạn hiện tại.

"Lắp đặt camera là việc phải làm, nhiều nước đang thực hiện, không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp vận tải, mà cho cả xe gia đình. Nhưng, khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, vì vậy, Bộ Giao thông vận tải nên trình Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời hạn lắp camera một năm. Như vậy, sẽ được lòng dân", ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp.Hà Nội nhấn mạnh.

VI  PHẠM SẼ BỊ PHẠT NẶNG

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải được xem là giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô, hạn chế tình trạng nhồi nhét khách và góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Theo đó, ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020 Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Trong đó, quy định thời hạn đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo; ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ, kể cả người lái xe trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trước ngày 1/7/2021.

Việc lắp đặt camera phải đảm bảo có đủ chức năng ghi, lưu trữ theo quy định khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 14 của Nghị định 10. Trong đó, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh với tần suất từ 12 – 20 lần/giờ, tương đương 3 – 5 phút/lần truyền dữ liệu, về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km; tối thiểu 72 giờ gần nhất với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km…

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng giao các Sở Giao thông vận tải khuyến cáo doanh nghiệp kinh doanh vận tải lựa chọn các loại camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo tối ưu khi truyền hình ảnh và không bị thay thế, tránh lãng phí do trong thời gian tới các nhà mạng viễn thông sẽ cắt sóng 2G theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Theo Khoản 6 Điều 28 Nghị định số 100/2019 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định đối với loại xe có quy định phải lắp camera; hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định. Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ôtô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng phù hiệu từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.